Đồng phục, chưa đồng lòng

Đồng phục học sinh thể hiện sự hòa đồng, đoàn kết của tập thể, xóa nhòa sự phân biệt giàu nghèo, và còn là "thương hiệu" của mái trường. Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai mặc đồng phục trong các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng phục vẫn là mối bận tâm của hầu hết phụ huynh, học sinh lẫn nhà trường. Và mỗi đầu năm học, những vấn đề về đồng phục lại dấy lên.

Nhu cầu từ thực tế

Chị Tâm, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương năm trước mua hai bộ đồng phục nữ của trường gồm váy và hai áo cho con vào lớp một. Nhưng chất liệu pha nhiều ni-lông rất bí, vì vậy phải ra ngoài mua thêm hai áo sơ-mi trắng. Tuy nhiên, chiếc váy mầu đen chấm trắng chẳng biết mua hay may ở đâu nên đành chịu. Chị phàn nàn: Đồng phục là phải thoáng mát, thoải mái, cái nhỏ như vậy chưa đáp ứng được bảo sao phụ huynh chẳng mặn mà.

Nếu như với học sinh tiểu học, tiêu chí chất lượng là hàng đầu thì đối với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, chuyện đồng phục đơn điệu, lạc hậu là nỗi "đau khổ" của tuổi mới lớn.

Vào trong các diễn đàn của các trường THPT, THCS... thấy không ngớt lời phàn nàn về chuyện đồng phục. Nào quần quá rộng, váy dài lượt thượt, chưa kể khó vận động; hay mầu đồng phục học sinh xấu, xỉn... Trên diễn đàn Trường THPT Trần Phú năm ngoái đã có cuộc thăm dò ý kiến về việc đổi mẫu đồng phục với hàng trăm ý kiến và hơn 17.000 lượt xem. Ngay trang chủ của trường cũng có cuộc khảo sát ý kiến về việc đổi đồng phục với hơn 16.000 lượt bỏ phiếu đồng ý. Tất nhiên, mọi cuộc khảo sát chỉ là tương đối nhưng có thể thấy nhu cầu có đồng phục đẹp hơn, phù hợp với thị hiếu của học trò là thực.

Chị Thục Anh, Giám đốc Công ty may Đức Hạnh, một thương hiệu đồng phục học sinh uy tín ở Hà Nội cho biết, trước thềm năm học mới, mỗi ngày cơ sở của chị bán ra tới 300 - 400 bộ đồng phục với phù hiệu của trên dưới 250 trường các cấp, dù giá đắt hơn đồng phục trường tới vài chục nghìn đồng mỗi bộ. Điều đó chứng tỏ nhu cầu mua lẻ của học sinh rất lớn. Chị thừa nhận đã vài lần từ chối hợp đồng đặt may đồng phục giá rẻ nhưng chất liệu tồi. Chị bảo, đó là "lương tâm nghề nghiệp".

Những bước đi chậm chạp

Sau gần 20 năm triển khai đồng phục trong nhà trường, những thay đổi về chất lượng và mẫu mã đồng phục là chậm so với đời sống kinh tế, xã hội.

Từ phía nhà trường, chuyện đồng phục cũng là nỗi trăn trở của các thầy cô. Thầy Nguyễn Hữu Chiệu, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, trường vừa đổi mẫu đồng phục năm nay cho biết: "Đồng phục thế nào là đẹp rất khó, bởi còn phụ thuộc sở thích mỗi người, sau đó là giá cả. Năm ngoái, trường thử nghiệm thi thiết kế mẫu, sau đó không thành vì giá quá cao. Năm nay, suốt từ tháng 5, trường đã cùng đại diện phụ huynh họp để đi đến quyết định. Muốn đẹp hơn, chắc chắn giá thành sẽ không dừng ở con số 700 nghìn đồng cho hai bộ hè cộng hai áo dài tay như hiện nay. Hay muốn thay thế chiếc bu dông lùng thùng bằng áo vét và gi-lê lịch sự, nhưng vét mặc được ít bởi không cho được áo len bên trong, lại ngốn thêm một khoản lớn, trong khi áo bu dông thoải mái và tiện lợi hơn nhiều". Đồng phục mới của trường cơ bản chỉ thay đổi chút ít về ca vát, áo nữ chiết eo, quần ống nhỏ hơn... Việc đổi đồng phục, theo thầy Chiệu, cũng trước hết là dành cho học sinh lớp 10, còn đối với khối 11, 12, mặc đồng phục cũ vẫn được.

Cô Cao Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, nơi số học sinh có hoàn cảnh khó khăn chiếm tỷ lệ khá đông cũng đồng tình: "Ai chẳng thích các em mặc đẹp, nhưng vì hoàn cảnh, trường này có những em suốt ba năm không thay đồng phục mới. Như vậy, đồng phục của trường luôn phải lựa chọn mặt bằng ở mức trung bình thấp, với giá 200 nghìn một bộ hè thôi".

Tuy vậy, chính các thầy cô Trường Trương Định cũng đi chọn mẫu quần Piere Cardin để may quần đồng phục cho nam, sửa lại dáng quần nữ, và mở cuộc thi thiết kế mẫu phù hiệu trường để chọn được phù hiệu đẹp mắt và ý nghĩa hơn.

Cái khó bó cái khôn. Câu chuyện giá cả luôn làm những người đứng đầu các trường phải suy tính kỹ. Thực tế, những trường có mẫu mã đồng phục được coi là tương đối đẹp mắt còn quá ít, và tập trung phần lớn ở những trường có tiếng hay trường bán công, dân lập như các Trường tiểu học Tràng An, Kim Liên, Trường THPT Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội - Amxterdam, Trường THCS Ngô Gia Tự...

Khâu thiết kế mẫu mã đồng phục cũng chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy mới có cảnh đồng phục chói mắt như nữ đỏ, nam xanh, hoặc không ăn nhập nhau như áo xanh lá cây, quần xanh đen...

Thay đổi từ nếp nghĩ

Nhiều năm gần đây, ảnh hưởng của phim ảnh Hàn Quốc và Nhật Bản, của trào lưu học sinh du học và hội nhập của đất nước, những mẫu đồng phục với sơ-mi lính thủy, váy kẻ xếp ly, vét cho nữ và vét cho nam đang trở thành "niềm mơ ước" của không ít học trò tuổi mới lớn. Cũng không thể phủ nhận mẫu mã đa dạng và đẹp mắt của nhiều bộ trang phục đó. Đừng vội chê trách học sinh "vọng ngoại", hay "đua đòi", bởi con người ta ai chẳng muốn mặc đẹp, nhất là bộ quần áo mặc hằng ngày gắn bó với mình suốt cả ba, bốn năm trời. Ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn là xu hướng tất yếu một khi đời sống được nâng cao. Thế mà nếp nghĩ quần xanh áo trắng rộng thùng thình cho tiện lợi, thoải mái vẫn phổ biến ở nhiều trường, nhiều bậc phụ huynh. Điều này khiến lớp trẻ không đồng tình. Rất nhiều lớp 12 của các trường THPT đã tự lựa chọn mẫu may "đồng phục lớp" để mặc trong những dịp trường không bắt buộc mặc đồng phục trường. Ngay cả đối với các bậc phụ huynh, việc cha mẹ đầu tư cho con hai bộ đồng phục đàng hoàng với giá hợp lý cho một đến ba năm học tùy điều kiện gia đình là cần thiết và chính đáng.

Chị Hạnh, một khách hàng trung thành ở cửa hàng may Đức Hạnh nhiều năm nay nói: Chưa nói tới mẫu mã, đồng phục trường học tối thiểu chất lượng phải tương đương bán lẻ bên ngoài, với giá rẻ hơn. Bởi đồng phục trường cung cấp với số lượng lớn, lại không chịu chi phí thêm khi bán lẻ. Còn bảo là tốn kém, lãng phí? Mua đồng phục xấu ở trường giá rẻ sau đó về nhà không mặc được phải mua bộ khác, tốn tiền, mất thời gian, thế mới là lãng phí. Chưa tìm hiểu kỹ nhu cầu học trò đã đổi đồng phục, bộ mới chẳng đẹp hơn bộ cũ là bao, mà giá lại đắt hơn, một hai năm sau lại phải đổi đồng phục, thế mới là lãng phí. Chất lượng đồng phục không tương xứng với giá tiền bỏ ra do sự bắt tay ngầm giữa một số trường và nhà may, thế mới là lãng phí.

Rõ ràng, ở các trường phần đông học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn chưa thể thay đổi mẫu mã đồng phục đẹp hơn, thì việc nâng cao hơn nữa về chất lượng và kiểu dáng cho phù hợp là cần thiết. Còn đối với những trường có điều kiện thay đổi mẫu mã, nên chú trọng khâu thiết kế để đồng phục đồng bộ và đẹp mắt. Mặt khác, nhà trường nên dành thời gian tham khảo, lấy ý kiến rộng rãi trong học sinh về đồng phục, chứ không nên chỉ dựa chủ yếu vào các thầy cô và Ban phụ huynh trường như hiện nay. Vai trò của Ban phụ huynh cũng rất quan trọng trong giám sát việc đặt may đồng phục của nhà trường và công khai tài chính, cũng như nói rõ địa chỉ các cơ sở may để mọi người dễ dàng đến đó mua thêm hoặc may đo theo nhu cầu.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-h-ng-thang/nhan-dan-h-ng-thang/khoa-h-c-giao-d-c/ng-ph-c-ch-a-ng-long-1.311966