Động thái bất ngờ của ứng cử viên Tổng thống Pháp

GD&TĐ - Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen vừa tuyên bố từ chức Chủ tịch Phong trào “Mặt trận Dân tộc” (FN) để tập trung sức lực cho cuộc chạy đua vào điện Elysee.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, động thái mang tính “kỹ thuật” này khó có thể thay đổi cục diện của cuộc đua “song mã” hiện nay.

Từ chức “chiến thuật”

Ngày 24/4, ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu vòng 1, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, bà Marine Le Pen tuyên bố từ chức Chủ tịch “Mặt trận Dân tộc”.

“Tôi không còn là Chủ tịch của FN. Tôi là một ứng cử viên Tổng thống Pháp. Tôi muốn cảm thấy tự do và quan trọng nhất là đứng trên các đảng phái chính trị” - Marine Le Pen tuyên bố. Phát biểu trên truyền hình, ứng cử viên cánh hữu cho rằng, Tổng thống phải là đại diện cho lợi ích của tất cả mọi người của Đệ ngũ Cộng hòa.

“Dưới cờ này, ông hoặc bà ấy cần phải đoàn kết tất cả người Pháp” - Le Pen nhấn mạnh.

Theo báo giới, trong những tháng gần đây, bà Marine Le Pen đã không ít lần cố gắng tách mình ra khỏi FN và vẽ một ranh giới giữa ý tưởng của mình và nguyên tắc của FN.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, về mặt nội dung, sự khác biệt giữa Marine Le Pen và cương lĩnh của FN là không đáng kể.

Cựu lãnh đạo FN liên tục cho rằng đối thủ ở vòng 2 của bà - lãnh đạo đảng “Tiến lên phía trước” Emmanuel Macron là người quá thờ ơ với “bản sắc Pháp” và quá non yếu trong vấn đề an ninh quốc gia. Theo Marine Le Pen, điểm dễ bị tổn thương nhất của Emmanuel Macron chính là cam kết một chính sách “mở cửa”.

Trong khi đó, nhận định về con gái mình (bà Le Pen - ND), người sáng lập FN Jean-Marie Le Pen tin rằng các chiến thuật tranh cử mà con gái ông đã chọn trước khi diễn ra vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp là không hề… hung hăng.

“Tôi nghĩ ủy ban vận động tranh cử của cô ấy quá điềm đạm” - ông Le Pen nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh RTL.

“Nếu tôi ở vị trí của con mình, tôi sẽ dẫn đầu một ủy ban tranh cử tương tự như ủy ban tranh cử của Donald Trump: Cởi mở hơn, dữ dội hơn với những người phải chịu trách nhiệm vì sự suy yếu của đất nước, bất kể ông ấy là ai – tả hay hữu” - Jean-Marie Le Pen nhấn mạnh.

Tại sao Le Pen phải “tách” khỏi FN?

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng, quyết định tạm thời rời khỏi chức vụ đứng đầu FN của Le Pen xảy ra trong bối cảnh uy tín của đảng này ngày một xuống thấp.

“Việc từ chức tạm thời của lãnh đạo FN Le Pen là nhằm vẽ một ranh giới giữa thương hiệu của đảng và tư cách ứng cử viên Tổng thống của bà” - Giáo sư Đại học Warwick ở Anh, ông Devid Lis nhận định. Với nỗ lực này, Marine Le Pen đang cố gắng hành động một cách tương đối độc lập để thu hút các cử tri cánh tả cũng như những cử tri trung dung.

Đây là một bước đi khôn ngoan của Marine Le Pen. Với bước đi này, một chiến thắng cho Le Pen là khá khó khăn, nhưng tỷ lệ phiếu bầu cho bà ấy tăng lên là chuyện khỏi phải bàn.

Một số nhà phân tích khác cho rằng, Le Pen muốn trở thành một ứng cử viên đứng ngoài các tầng lớp chính trị thông thường.

Trong quá khứ, Marine Le Pen cố tình xa rời những người có quan điểm cực đoan nhất, phân biệt chủng tộc nhất trong đảng của bà để thu hút được nhiều cử tri, những người bị sốc bởi những yếu tố này - Nhà nghiên cứu của Viện Quan hệ quốc tế ở Clingendael (Hà Lan) Michael Lyuning cho biết. Chính vì vậy, việc từ chức Chủ tịch FN của Marine Le Pen là hoàn toàn mang tính biểu tượng.

Theo Michael Lyuning, việc từ chức Chủ tịch FN của Le Pen liên quan trực tiếp đến cuộc chiến chống lại Emmanuel Macron ở vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.

Thực tế Le Pen muốn xây dựng hình ảnh của một ứng cử viên độc lập và như vậy sẽ là một Tổng thống phù hợp với khát vọng thay đổi được chờ đợi từ lâu ở Pháp.

Tiến sĩ Susan Milner thuộc ĐH Bath (Anh) cũng cho rằng, trong bối cảnh kết quả thăm dò chỉ đạt 1/3 phiếu bầu ở vòng 2, chiến thuật từ chức Chủ tịch FN của Le Pen là nhằm mục đích tranh thủ sự ủng hộ từ các cử tri ngoài đảng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/dong-thai-bat-ngo-cua-ung-cu-vien-tong-thong-phap-3220768-b.html