Động thái của Mỹ ở Châu Á Thái Bình Dương

Có thể thấy, với những triển khai sôi động trên các mặt song phương và đa phương tại châu Á - Thái Bình Dương, chính quyền Obama đang cho thấy nước Mỹ sẽ tuyên bố đi cùng hành động, tránh đi vào vết xe xao nhãng khu vực này như các chính quyền tiền nhiệm.

>> Mỹ trở lại Thái Bình Dương: Một chính sách, hai cách gọi

>> Tương lai Thái Bình Dương trong tay Mỹ?

Trong quá khứ, những phát ngôn của chính quyền Mỹ về tầm quan trọng của châu Á thường không đi kèm với những chính sách hay hành động tương xứng. Do đó, trong bối cảnh chính quyền Obama đã có rất nhiều tuyên bố về một sự chuyển hướng trọng tâm chính sách sang châu Á - Thái Bình Dương, những triển khai của chính sách này đang thu hút sự theo dõi sát sao của các nước khu vực và các nước liên quan.

Hiện nay, thông qua các cuộc gặp song phương và các diễn đàn đa phương, Mỹ đang củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đó là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Úc. Đồng thời Mỹ cũng tìm kiếm quan hệ với các đối tác mới như Indonesia, Malaysia và Việt Nam nhằm kết nối thêm các "nan hoa" ở khu vực với "đầu trục" Mỹ, bên cạnh "kết nối các nan hoa" qua các đối thoại chiến lược an ninh như đối thoại giữa Mỹ - Nhật - Ấn hay Mỹ - Nhật - Philippines.

Củng cố quan hệ đồng minh

Trong tổng thể chiến lược "tái cân bằng" đối với châu Á - Thái Bình Dương, chính quyền Obama hết sức coi trọng quan hệ với các nước đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Úc. Mỹ coi đây là điểm tựa cho chiến lược do các mối quan hệ đồng minh sẽ giúp Mỹ tăng cường sự hiện diện và duy trì ảnh hưởng.

Trong quan hệ với các nước đồng minh, chính quyền Obama chú trọng ba nội dung cơ bản. Thứ nhất là duy trì sự đồng thuận về các mục tiêu cốt lõi của liên minh. Thứ hai, Mỹ cần linh hoạt và thích ứng nhanh để có thể thành công trong đối phó với các thách thức, cũng như tranh thủ các cơ hội. Cuối cùng, Mỹ cho rằng khả năng phòng thủ và liên lạc của liên minh cần được đảm bảo, nhằm đối phó với những thách thức từ phía các chủ thể nhà nước và phi nhà nước.

Trong chuyến thăm chính thức của Obama tới Nhật Bản vào tháng 11 năm 2009, hai bên nhất trí cam kết phát triển và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật. Cũng trong năm 2009, hai nước đã ký "Hiệp ước quốc tế về đảo Guam" với kế hoạch trong 6 năm tới sẽ chuyển sĩ quan, binh lính và người thân của đội hải quân lục chiến Mỹ đồn trú ở căn cứ Futenma tại Okinawa về đảo Guam. Tiếp đó, trong dịp kỷ niệm 60 năm Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật vào tháng 4 năm 2012, hai nước đã tái khẳng định quan hệ hai nước là nền tảng cho hòa bình và an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đối với Hàn Quốc, Mỹ coi Hàn Quốc là "xương sống" trong chính sách đối với khu vực. Ngoại trưởng Clinton khẳng định liên minh Mỹ - Hàn là "hòn đá tảng cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á", nâng quan hệ hai nước lên tầm "liên minh chiến lược toàn cầu".

Mỹ ủng hộ việc nước này nâng cao vai trò ở khu vực và trên toàn cầu cho tương xứng với vị thế của nền kinh tế sau khi hai nước đã ký kết Thỏa thuận tự do hóa thương mại (FTA). Về mặt quân sự, Washington và Seoul vẫn tiếp tục tiến hành những cuộc tập trận chung, nhằm nâng cao khả năng răn đe và sẵn sàng của lực lượng liên quân, nhằm đối phó với những thách thức an ninh khu vực.

Với Australia, trong chuyến thăm chính thức vào tháng 11 năm 2011, Tổng thống Obama đã tuyên bố "sẽ tăng cường mạnh mẽ" hợp tác quân sự giữa Mỹ và Australia. Theo đó, khoảng 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ sẽ luôn phiên được cử đến căn cứ quân sự ở Darwin, phía Bắc Australia.

Đây là một phần của thỏa thuận, bao gồm huấn luyện và tập trận quân sự chung giữa hai nước. Trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị rút quân khỏi Iraq, Afghanistan và đối mặt với một khoản cắt giảm chi phí quân sự 487 tỷ USD trong 10 năm tới. Thỏa thuận này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, khi Mỹ hướng tới tập hợp lực lượng để chia bớt gánh nặng trong việc duy trì thế cân bằng quyền lực ở khu vực.

Đối với hai đồng minh tại Đông Nam Á là Philippines và Thái Lan, Mỹ cũng đang có hàng loạt các động thái để tăng cường quan hệ. Washington đang tăng cường tần suất viếng thăm của các tàu Mỹ tới Philippines, hỗ trợ Manila trong quá trình hiện đại hóa hải quân và đào tạo lực lượng chống khủng bố. Với đồng minh lâu đời nhất tại châu Á - Thái Lan, hai nước vẫn duy trì sự tham vấn và nhất trí chung về nhiều vấn đề tại khu vực.

Các đối tác tiềm năng

Với mục đích đảm bảo một sự tiếp cận toàn diện đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ cũng hướng tới làm sâu sắc thêm quan hệ với các chủ thể đang nổi lên. Trong các nước này, Mỹ hướng nhiều tới Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam vì vai trò của các nước này tại khu vực đang ngày càng tăng.

Trong những năm qua, chính quyền Obama đã chủ động tăng cường hợp tác với Ấn Độ, thông qua việc ủng hộ chính sách "hướng Đông" của nước này, cũng như mở rộng lĩnh vực hợp tác quân sự thông qua các đối thoại song phương, tập trận chung, trao đổi đoàn, hay mua bán vũ khí. Năm 2008, giá trị các mua bán vũ khí quốc phòng giữa Mỹ - Ấn đã đạt mức 9 tỷ USD.

Sự tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ xuất phát từ lợi ích song trùng của chính hai quốc gia. Đối với lĩnh vực hàng hải, cả hai nước có mối quan tâm sâu sắc tới vấn đề tự do hàng hải, sự liền mạch của các luồng lưu thông hàng hóa trên biển tại Thái Bình Dương cũng như Ấn Độ Dương.

Ngoài ra, do Ấn Độ có vị trí địa lý gần với Trung Đông nhiều bất ổn, nên nước này muốn tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở khu vực để đối phó với với những thách thức an ninh. Trong khi đó, với nhu cầu triển khai chính sách xoay trục một cách toàn diện, Mỹ thấy sự cần thiết phải tăng cường hợp tác với một nước có vai trò chi phối các vấn đề tại Nam Á như Ấn Độ.

Quan hệ với Indonesia được Mỹ coi là "mối quan hệ đặc biệt" và là cầu nối cho quan hệ giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á, cũng như thế giới Hồi giáo. Indonesia nhận được nhiều sự quan tâm từ giới lãnh đạo Mỹ bởi đây là một nước Hồi giáo ôn hòa, một cường quốc kinh tế ở Đông Nam Á và một thành viên của G20. Mỹ và Indonesia đã phục hồi lại hoạt động đào tạo chung lực lượng đặc biệt của Indonesia, ký hàng loạt thỏa thuận về trao đổi trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật và quốc phòng.

Đối với Việt Nam, kể từ năm 2009, các quan chức quân sự Mỹ và Việt Nam bắt đầu tiến hành ngày càng nhiều những cuộc đối thoại, trao đổi, giao lưu về an ninh và quốc phòng. Các lĩnh vực khác như ngoại giao, văn hóa, y tế và hỗ trợ nhân đạo cũng có nhiều bước phát triển mới.

Mỹ thấy sự cần thiết trong việc tăng cường hợp tác do Việt Nam sở hữu vị trí địa lý chiến lược tại một trong các vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới. Ngoài ra, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế về khu vực ngày càng được củng cố do Việt Nam đã đạt được một số thành tựu về đối ngoại như đảm nhiệm thành công vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo An nhiệm kỳ 2008-2009, chức Chủ tịch luân phiên ASEAN 2010. Vì vậy, tăng cường hợp tác với Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho Mỹ khi tham gia các diễn đàn khu vực như APEC, ARF,... từ đó đạt được các mục tiêu mà chính sách "tái cân bằng" đề ra.

Sức bật từ diễn đàn đa phương

Với quyết tâm chuyển hướng trọng tâm chính sách, Mỹ cũng đã có những động thái thể hiện sự nỗ lực tăng cường vai trò của các thể chế đa phương khu vực. Nói cách khác, Mỹ đang cố gắng giúp hình thành cấu trúc khu vực. Rõ ràng, một cấu trúc khu vực hiệu quả sẽ khiến các nước dễ dàng tìm được tiếng nói chung trong việc đối phó với các thách thức.

Năm 2009, khi tham dự Diễn đàn khu vực ARF lần thứ XVI tại Thái Lan, Mỹ đã ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) và tuyên bố trở lại Đông Nam Á, mong muốn củng cố quan hệ với các nước ASEAN và khôi phục vị thế lãnh đạo ở khu vực. Một sự kiện nổi bật khác là năm 2011, Tổng thống Obama trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Indonesia.

Bên cạnh EAS, chính quyền Obama còn tích cực nâng cao chất lượng tham gia các thể chế mà Mỹ đã tham gia từ trước như ARF, APEC,... Tại ARF, Mỹ đã khẳng định mong muốn giải quyết các vấn đề gây căng thẳng về an ninh như vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, vì những lợi ích liên quan tới tự do lưu thông hàng hải và một môi trường hòa bình ổn định ở khu vực.

Đối với APEC, Mỹ cho rằng đây là thể chế kinh tế quan trọng nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh Mỹ vẫn đang cố gắng thoát ra khỏi khủng hoảng, vai trò của Diễn đàn này lại càng gia tăng trong việc giúp mở rộng xuất khẩu và tăng việc làm cho nước Mỹ.

Có thể thấy, với những triển khai sôi động trên các mặt song phương và đa phương tại châu Á - Thái Bình Dương, chính quyền Obama đang cho thấy nước Mỹ sẽ tuyên bố đi cùng hành động, tránh đi vào vết xe xao nhãng khu vực này như các chính quyền tiền nhiệm.

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/tu-lieu-suy-ngam/2013-08-05-dong-thai-cua-my-o-chau-a-thai-binh-duong