Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ xoay trục từ NATO sang Nga

Trong một động thái rõ ràng nhất về ý định chuyển hướng xoay trục từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và phương Tây sang Nga, hôm 13-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thông báo nước này đã đạt được thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không của Nga.

Hệ thống tên lửa S-400 trong dịp lễ diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga năm 2015. Ảnh: Sputnik

Trước bối cảnh mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trở nên căng thẳng, thỏa thuận ngày 13-9 đã khẳng định mối quan hệ gần gũi gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, bất chấp một số quan điểm trái chiều giữa hai nước trong cuộc chiến Syria. Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra nhiều quan ngại đối với Washington và NATO bởi các nước này vẫn đang cố gắng giữ Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên lâu năm của NATO (Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO năm 1952) và đang là ứng cử viên xin gia nhập EU - tránh xa phạm vi ảnh hưởng của nước Nga.

Thỏa thuận mua tên lửa được ký kết khi quan hệ giữa Nga và phương Tây cũng đang ở mức thấp nhất. Căng thẳng leo thang vào năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea, các nước phương Tây còn cáo buộc Nga ủng hộ cuộc nổi dậy tại miền Đông Ukraine và can thiệp vào cuộc bầu cử tại một số quốc gia.

Việc mua tên lửa của Nga đã được Thổ Nhĩ Kỳ công bố từ vài tháng trước, đến ngày 13-9, Tổng thống Erdogan cho biết hợp đồng mua bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 trị giá 2.5 tỷ đô-la Mỹ đã được ký kết và Thổ Nhĩ Kỳ đã trả khoản tiền đặt cọc cho Nga.

Theo hãng tin TASS (Nga), tên lửa S-400 tên gọi “Triumf” của Nga là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tiên tiến nhất được đưa vào sử dụng từ năm 2007. Hệ thống được thiết kế nhằm phá hủy các tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa tầm trung, đồng thời có thể sử dụng để chống lại các mục tiêu dưới mặt đất. S-400 có thể nhận diện mục tiêu ở khoảng cách 400km và độ cao lên tới 30km. Hệ thống còn được trang bị radar và phần mềm hiện đại để có thể chống lại các mục tiêu ngoài khí quyển. Phó Tư lệnh lực lượng Không gian vũ trụ Nga, tướng Viktor Gumenny cho biết hệ thống tên lửa S-400 đã bắt đầu tiến tới khả năng hủy diệt các mục tiêu ngoài vũ trụ.

Mặc dù NATO không cấm các thành viên mua bán thiết bị quân sự từ các nhà sản xuất ngoài liên minh, nhưng tổ chức không khuyến khích thành viên mua bán thiết bị không tương thích với thiết bị quân đội các nước thành viên khác đang sử dụng. Một quan chức tại trụ sở của NATO ở Brussels, Bỉ cho biết hiện các thành viên NATO đều không sử dụng hệ thống tên lửa của Nga, đồng thời liên minh không được thông báo chi tiết về thỏa thuận mua bán tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó vào năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng lên kế hoạch mua tên lửa phòng thủ FD-2000 của Trung Quốc. Nhưng sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy bỏ hợp đồng mua bán trị giá 3,4 tỷ đô la với Trung Quốc dưới áp lực từ phía Mỹ. Các nhà sản xuất vũ khí phương Tây đều tích cực vận động cho sự mở rộng của NATO tại các quốc gia thuộc Liên xô cũ. Bên cạnh đó, NATO cũng vận động các thành viên không nên mua bán vũ khí ngoài liên minh do ảnh hưởng đến việc kinh doanh vũ khí của NATO.

Tuy nhiên, ông Erdogan đã bác bỏ những quan điểm về địa chính trị trong việc mua bán vũ khí. Tờ Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn lời ông Erdogan “Không ai có quyền thảo luận các nguyên tắc độc lập hoặc các quyết định độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ về ngành công nghiệp quốc phòng. Chúng tôi có nghĩa vụ đưa ra các biện pháp an ninh và an toàn để bảo vệ đất nước”.

Một số chuyên gia nhận định thỏa thuận mua bán tên lửa với Nga là cách Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện thái độ “giận dữ” với phương Tây. Bà Asli Aydintasbas, thành viên Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại cho biết ông Erdogan đã không còn tin tưởng phương Tây kể từ cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ thất bại; ông Erdogan cáo buộc đây là âm mưu của một số nước phương Tây muốn lật đổ ông. Thông báo về thỏa thuận với Nga còn được ông Erdogan đưa ra sau khi Đức tuyên bố sẽ đình chỉ tất cả các hoạt động xuất khẩu vũ khí chính cho Thổ Nhĩ Kỳ do quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

Cả Ankara và Moscow đều đang muốn báo hiệu với phương Tây về tương lai hợp tác quân sự giữa hai nước thông qua thỏa thuận mua bán tên lửa. Về phần Nga, thị trường vũ khí của nước này đã vươn xa tới phạm vi khu vực các nước Tây và Đông Âu. Nga từng bán vũ khí cho Hy Lạp - một thành viên của NATO, và Cộng hòa Cyprus - tuy không phải là thành viên của NATO nhưng là nơi đóng căn cứ của quân đội Anh.

Hà Thu (Tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dong-thai-cua-tho-nhi-ky-xoay-truc-tu-nato-sang-nga/