Đồng Tháp cần gần ngàn tỷ đồng khắc phục sạt lở

Những ngày qua, hiện tượng sạt lở bờ sông (SLBS) tại Đồng Tháp diễn ra nghiêm trọng. Toàn tỉnh có 33 xã phường, thị trấn thuộc 9/12 huyện, thị, thành phố bị ảnh hưởng, tập trung tại huyện Lai Vung, Châu Thành, thị xã Hồng Ngự và TP Cao Lãnh… Có nơi sạt lở sâu vào hơn 20m, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Từ đầu tháng 5-2016 đến nay, Đồng Tháp xảy ra gần 10 vụ sạt lở, làm sụp hàng loạt căn nhà, đe dọa tính mạng, tài sản người dân. Hệ thống giao thông bị ảnh hưởng, nhiều nơi bị tê liệt do sạt lở ăn sâu vào đất liền…

Phập phồng lo “hà bá nuốt chửng”

Cách nay gần 1 tháng, trên địa bàn phường An Lạc (thị xã Hồng Ngự) xảy ra vụ SLBS. Đoạn sạt lở dài khoảng 50m, ăn sâu vào đất liền 15m.

Ông Trương Phi Hải (ngụ khóm Sở Thượng, phường An Lạc), người may mắn thoát chết trong vụ sạt lở kể: “Tôi đang nằm ngủ thì đất sụp ầm ầm, kéo cả người tôi xuống nước. Khi bơi được vào bờ thì toàn bộ ao cá nuôi hơn 1 tấn cá lóc của gia đình chuẩn bị thu hoạch bị trôi xuống sông”.

Sạt lở đất bờ sông tại Đồng Tháp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, đời sống người dân.

4 ngày trước đó, cũng tại khu vực phường An Lạc, đoạn bờ sông Tiền dài khoảng 50m bị sạt lở, ăn sâu vào đất liền khoảng 20m, với tổng diện tích sạt lở khoảng 1.000m². Vụ sạt lở làm ảnh hưởng đến Công ty VLXD Hồng Phúc cùng kho chứa vật liệu, trang trại chăn nuôi.

“Lúc đó khoảng 12h khuya, tôi đang ngủ nghe tiếng rắc rắc nên chạy ra xem thì nguyên khu đất đã sụp xuống sông. Khu vực này có xây dựng bờ kè, khu trang trại nuôi heo gà, kho vật liệu ximăng, sắt nhưng chỉ trong 30 phút đã trôi hết, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng”, ông Nguyễn Thanh Thanh (51 tuổi), chủ doanh nghiệp nói.

Hiện quanh khu vực sạt lở còn nhiều vết nứt, nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở. Dù các vụ SLBS chưa gây thiệt hại về người nhưng những hộ dân sống trong “vùng nguy hiểm” luôn phập phồng lo sợ tai họa ập đến.

Ngày cuối tháng 5-2016, đoạn bờ sông Dưa thuộc ấp Tân Phú (xã An Nhơn, Châu Thành) liên tục xảy ra sạt lở với chiều dài 48m, ăn sâu vào bờ 10m, buộc 6 hộ dân phải di dời nhà khẩn cấp.

Khẩn cấp chống sạt lở

Tháng 6-2016, UBND tỉnh Đồng Tháp ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đất bờ sông Tiền, thuộc khu phường 11 (TP Cao Lãnh). Sở NN-PTNT Đồng Thời phối hợp với các huyện, thị, thành phố xác định vành đai khu vực sạt lở, di dời người dân đến nơi ở mới.

Báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 158km sông Tiền và sông Hậu chảy qua. Diễn biến của biến đổi khí hậu và đập thủy điện ở thượng lưu khiến tình hình SLBS ngày càng phức tạp. Chỉ trong năm 2015, tỉnh có 35 xã bị sạt lở với chiều dài 36km, diện tích sạt lở 4,5ha. Gây thiệt hại 31,1 tỷ đồng.

Đồng Tháp đang triển khai xây dựng các bờ kè chống xói lở ở nhiều địa phương, như: kè chống xói lở giai đoạn 3 (TP Sa Đéc); kè khắc phục SLBS Tiền ở các xã An Hiệp (huyện Châu Thành), Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò), Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự), khu vực Tổng kho xăng dầu và Khu công nghiệp Trần Quốc Toản (TP Cao Lãnh), bờ kè khắc phục sự số SLBS Lấp Vò - Sa Đéc thuộc khu vực xã Tân Dương (huyện Lai Vung).

Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, nguyên nhân SLBS là do động lực dòng chảy kết hợp với cấu tạo nền địa chất yếu và những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra. Xói lở thường diễn ra ở những khu vực cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định.

“Các hoạt động khai thác cát, nuôi trồng thủy sản dọc theo bãi bồi ven sông và xây dựng nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh lấn chiếm mặt sông làm thu hẹp lòng dẫn, sóng gió do các phương tiện thủy gây ra tình trạng sạt lở cục bộ”, lãnh đạo Sở NN-PTNT cho hay.

UBND tỉnh Đồng Tháp đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ nguồn vốn khắc phục sạt lở, ổn định cuộc sống lâu dài của người dân, bảo vệ các tuyến đường giao thông huyết mạch… với tổng số tiền 876 tỷ đồng.

Trong đó, 706 tỷ dùng để phòng chống SLBS, bảo vệ dân cư tại các khu vực xung yếu; 132 tỷ xử lý khẩn cấp SLBS Tiền tại xã An Hiệp (huyện Châu Thành); 25 tỷ xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ sông Tiền tại khu vực Tổng kho xăng dầu và Khu công nghiệp Trần Quốc Toản; 12,8 tỷ xử lý sạt lở khẩn cấp tại khu vực Công ty CP Vĩnh Hoàn (cùng phường 11, TP Cao Lãnh).

Đồng Tháp có hơn 2.000 hộ dân nằm trong vành đai sạt lở nguy hiểm, cần phải di dời đến nơi an toàn. Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, công tác di dời người dân tại các khu vực sạt lở nguy hiểm còn chậm. Những hộ bị ảnh hưởng đều có hoàn cảnh khó khăn, e ngại khi về nơi tái định cư không thuận lợi cho việc mưu sinh. Trong khi đó, các công trình thi công chống sạt lở còn chậm, kéo dài… vì thiếu kinh phí.

Văn Vĩnh – Trần Hùng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/dong-thap-can-gan-ngan-ty-dong-khac-phuc-sat-lo-400560/