Đồng Tháp tạo đột phá từ cải cách môi trường đầu tư

(baodautu.vn) Ông Lê Vĩnh Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư xung quanh định hướng thu hút đầu tư vào địa phương giai đoạn 2011-2015.

Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua, cũng như định hướng phát triển 5 năm tới (2011-2015)? Nét nổi bật trong 5 năm qua (2006-2010) là kinh tế Đồng Tháp liên tục đạt mức tăng trưởng cao, bình quân tăng trên 14%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện (thu nhập bình quân đầu người năm 2010 gấp 1,9 lần so với năm 2005), các lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước tiến bộ, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện. Tổng vốn đầu tư phát triển huy động trong 5 năm đạt trên 27.200 tỷ đồng, chiếm 27,7% GDP, tăng bình quân 15,8%/năm. Đặc biệt, môi trường đầu tư của tỉnh thời gian qua không ngừng được cải thiện. Trong năm 2009, Đồng Tháp đã vươn lên thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam tổ chức thực hiện. Đây là sự nỗ lực phấn đấu chung của toàn tỉnh với sự cộng tác và hợp tác chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Phát huy những thành quả đạt được, trong 5 năm tới, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và từng bước hiện đại hóa nông thôn. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Xây dựng, tạo lập đồng bộ các yếu tố văn hóa - xã hội theo hướng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân dân. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 13%/năm, GDP bình quân đầu người đạt trên 1.500 USD vào năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10% (chuẩn mới). Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Đồng Tháp có những giải pháp gì mang tính đột phá? Đồng Tháp sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và cải cách hành chính để tạo môi trường và điều kiện tốt nhất phục vụ nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế phát triển. Ngoài việc vận dụng linh hoạt chính sách của trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật, tỉnh sẽ xúc tiến nhanh việc cải cách thủ tục hành chính, nhằm hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục trong thời gian sớm nhất, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng nhất, đáp ứng mặt bằng nhanh nhất… Công tác thu hút nguồn vốn đầu tư vào Đồng Tháp trong giai đoạn 2011- 2015 được tỉnh định hướng như thế nào, thưa ông? Với thế mạnh về nguồn nguyên liệu nông, thủy sản dồi dào, Đồng Tháp đã hình thành được một số vùng chuyên canh tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, đạt chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu cho công nghiệp chế biến, như: vùng chuyên canh lúa với sản lượng hàng năm trên 2,5 triệu tấn, trong đó có khoảng 80% đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, vùng nuôi cá tra, tôm càng xanh, vùng chuyên canh cây ăn trái (chủ yếu là cam, quýt, bưởi, nhãn, xoài), vùng chuyên canh rau, màu và cây công nghiệp ngắn ngày, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung..., nên rất cần hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tạo ra sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất nguyên liệu đến khâu bảo quản, sơ chế và chế biến thành phẩm đạt giá trị gia tăng cao có sức cạnh tranh trên thị trường. Với lợi thế đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia dài gần 50 km và một số điểm du lịch văn hóa, thiên nhiên hấp dẫn, Đồng Tháp mong muốn được hợp tác đầu tư vào 2 cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng), khu di tích Gò Tháp (huyện Tháp Mười) với nền văn hóa Óc Eo rất có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử và khảo cổ học, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh), vườn hoa kiểng Sa Đéc nổi tiếng khắp cả nước... Tiềm năng thị trường tiêu thụ hàng hóa ở Đồng Tháp khá lớn với dân số gần 1,7 triệu người, thu nhập người dân ngày càng tăng và hệ thống đô thị như TP. Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự... đang trên đà phát triển sẽ là địa bàn lý tưởng để các nhà đầu tư triển khai các dự án xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị... Ngoài ra, tỉnh đặc biệt khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông dưới nhiều hình thức như BT, BTO, BOT...

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/chuyende/d6d258737f000001000d3b239fe2c744