Đông Triều (Quảng Ninh): Bảo tồn chèo cổ gắn kết với phát triển du lịch

Đông Triều là vùng đất chèo tiêu biểu của Quảng Ninh. Tuy nhiên, ngay ở vùng đất này, những làn điệu chèo cổ lại đang đứng trước nguy cơ mai một.

Đông Triều là vùng đất chèo tiêu biểu của Quảng Ninh. Tuy nhiên, ngay ở vùng đất này, những làn điệu chèo cổ lại đang đứng trước nguy cơ mai một.

Lớp học hát chèo được TX Đông Triều tổ chức vào tháng 7/2016.

Theo di ngôn của một số cụ cao niên, vào thời kỳ nhà Nguyễn, trên đất Đông Triều đã có những phường chèo, đội chèo hoạt động khá bài bản như: Gánh hát chèo làng An Biên (xã Thủy An), gánh hát chèo làng Mỹ Cụ (phường Hưng Đạo), gánh hát chèo làng Quế Lạt (xã Hoàng Quế) v.v.. Trên địa bàn huyện còn lưu truyền nhiều làn điệu chèo truyền thống: Sa lệch chênh, Tò vò, hát văn, Hề mồi, Đường trường thu không, Đường trường tứ quý, Lới lơ v.v..

Nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Môn, thôn Đình Lục Thượng, xã Hồng Phong cho biết, bà còn lưu giữ được trên 50 điệu chèo tiêu biểu như: Tình thư hạ vị, Đường trường thu không, Đường trường trong rừng, Quân tử vu dịch, Chức cẩm hồi văn v.v.. Những làn điệu chèo cổ đã góp phần tôn vinh, phát huy giá trị loại hình văn nghệ dân gian, bảo lưu tri thức văn hóa và nghệ thuật diễn xướng dân gian.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, chèo cổ Đông Triều dần dần bị mai một. Chèo chỉ còn được diễn thưa thớt trong các lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử văn hóa. Đã có một thời người ta tưởng như chèo cổ chỉ còn sống trong tâm tưởng của các nghệ nhân như: Nguyễn Văn Chược, Nguyễn Ngọc Diệp, Nguyễn Kim Môn, Ngô Thúy Tề, Nguyễn Thị Kim Loan, Nguyễn Thị Kiệm, Minh Tá, Minh Đại, Ngọc Tiếp v.v.. Đến năm 1995, chèo lại được quan tâm trở lại, nhiều làn điệu chèo cổ được sưu tầm, phong trào hát chèo được khôi phục.

Trong khoảng chừng 10 năm trở lại đây, Đông Triều đã mở hàng chục lớp hát chèo cho thanh thiếu niên yêu loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống này. Mỗi khóa học như thế kéo dài từ 10 đến 20 ngày và có từ 35 đến 60 học viên. Tại các khóa đào tạo, học viên được bổ trợ kiến thức hát chèo, luyện thanh, luyện phách, nhịp trống chèo, diễn xuất trên sân khấu. Qua các lớp tập huấn này, huyện nhà đã phát hiện được những hạt nhân và tạo điều kiện cho họ tham dự những hội thi lớn và đạt được thành tích cao.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX Đông Triều, cho biết: Trong tháng 7 vừa qua, thị xã đã tổ chức lớp học hát các làn điệu chèo cho 35 học viên là những hạt nhân văn nghệ nòng cốt của các xã, phường. Học viên đã được các nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật Chèo Quảng Ninh truyền đạt 8 làn điệu chèo, những kỹ năng cơ bản về nghệ thuật hát chèo truyền thống, các thế múa cơ bản, múa quạt trong chèo, làn điệu chèo cổ. Lớp tập huấn này nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa chèo truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Sau khi tham gia khóa tập huấn, học viên sẽ là những cầu nối tiếp tục mang chèo đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị xã, đây là lực lượng nòng cốt trong xây dựng phong trào hát chèo. Đồng thời đưa các làn điệu chèo phục vụ khách du lịch trong các lễ hội truyền thống tạo nên nét độc đáo riêng có của Đông Triều, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu của các tuyến, điểm du lịch tâm linh. Điều này càng thuận lợi khi UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định công nhận 4 tuyến và 14 điểm du lịch trên địa bàn TX Đông Triều. Theo đó, 4 tuyến du lịch gồm: Tuyến du lịch tâm linh di tích nhà Trần; tuyến du lịch tâm linh kết hợp sinh thái; tuyến du lịch khám phá miền quê Đông Triều; tuyến du lịch Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Trong 4 tuyến đó chỉ có tuyến du lịch Đệ tứ chiến khu là khó đưa chèo vào biểu diễn, 3 tuyến còn lại đều rất thích hợp, nhất là chèo cổ hát ở những tuyến du lịch tâm linh. Hầu hết 14 điểm du lịch của thị xã cũng đều có thể đưa chèo vào biểu diễn phục vụ du khách.

Ngoài việc tạo ra môi trường sống cho chèo cổ, gắn kết với du lịch để loại hình nghệ thuật này có chỗ đứng và phát triển bền vững cần một hệ thống giải pháp đồng bộ như: Sưu tầm, rà soát, nghiên cứu, phân loại, giới thiệu các làn điệu chèo. Cũng như tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng và huy động sự góp sức của đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân hát chèo.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=2505&itemid=33392