Đồng Văn ơi, nghèo đói đến bao giờ?

Một xã có 9 thôn thì có tới 8 thôn nằm trong diện đặc biệt khó khăn; nhiều nơi chưa có đường ôtô, có bản cứ mưa là bị chia cắt; nhiều chương trình đầu tư, hỗ trợ đã triển khai nhiều năm... nhưng xã nghèo vẫn hoàn nghèo! Đó là câu chuyện buồn ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh).

Ở bản “3 nhất”

Từ thị trấn Bình Liêu tới trung tâm xã Đồng Văn mất chừng 25km. Đi tiếp 12km nữa, qua 7 cột mốc biên giới là tới bản “3 nhất” (xa nhất, cao nhất và nghèo nhất) – bản Phạt Chỉ. Dãy núi Cao Ba Lanh ấp ôm Phạt Chỉ có lúc tưởng như gần lắm, nhưng để chạm được vào những phiến đá thần bí trên đó (dân Đồng Văn truyền rằng: Núi Cao Ba Lanh nổi tiếng với “đá thần”, khi gõ vào một phiến đá tạo thành âm thanh cộng hưởng cùng các phiến đá khác như tiếng nói đầy huyền bí của các thần linh...), đường đi còn đầy gian nan, chỉ dân bản địa mới có thể đến được.

Trong căn nhà trình tường có 3 thế hệ sinh sống của gia đình Tằng Dảu Lềnh. Ảnh: N.Q

Theo số liệu thống kê cuối năm 2016 của UBND huyện Bình Liêu: Tổng số hộ nghèo là 2.449 hộ, số hộ cận nghèo là 1.229 hộ. Có 2/8 đơn vị xã, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50% là Đồng Văn và Húc Động. Có 6 thôn, bản có tỷ lệ hộ nghèo trên 90%. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo của các hộ chủ yếu là do thiếu vốn đầu tư sản xuất và thiếu đất sản xuất.

Đến Phạt Chỉ, tôi không phải mất công tìm hộ nghèo, bởi theo lời Chủ tịch UBND xã Đồng Văn Lý Văn Bình: “Bản Phạt Chỉ có 31 hộ, 100% là người dân tộc Dao, thì có tới 25 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo”.

Vợ chồng Tằng Dảu Lềnh hôm nay đi vắng, chỉ còn ông Dồng (bố Lềnh) đang co ro trong nhà, bên chén rượu đã ngả màu. Căn nhà trình tường rộng chưa đầy 40m2, nhưng có tới 3 thế hệ với 7 nhân khẩu đang sinh sống. Ông Dồng lơ đãng nói: “Nó (Lềnh – PV) đi rừng từ sáng. Vợ nó đi Trung Quốc làm thuê, mấy hôm lại về. Hôm nay mưa, chúng nó (các con của Lềnh – PV) nghỉ học, chắc cũng đi rừng rồi”.

Cũng như nhiều hộ khác ở Phạt Chỉ, gia đình Tằng Dảu Lềnh chỉ có 2 lao ruộng (1 lao bằng 1.200m2), 1 thửa ngô trên nương, nuôi 2 con lợn trong cái chuồng gỗ nhầy nhụa, hôi thối và vài đàn gà chạy quanh nhà. Hôm nào Lềnh cũng lên rừng. Mùa măng thì đi mót măng, mùa thu hoạch keo thì đi chặt thuê cho chủ, hết vụ lại lên rừng bắt tổ ong, hay vào khe bắt ếch. Công việc nặng nhọc, nhưng thu nhập cao nhất cũng chỉ được 300.000 đồng/ngày, còn lại thì cứ 100.000 đến 150.000 đồng/ngày, nhiều bữa còn về tay trắng. Đặng kiếm tiền chi tiêu cho gia đình, vợ Lềnh 3 năm nay thường xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê cho những ông chủ rừng, có lần đi cả mấy tháng không về.

Tôi ghé căn nhà tranh mái nứa của Chìu Quay Phốc ở lưng đồi. Căn nhà có vẻ mới dựng, bởi màu vỏ xanh của tre và cật trắng của nứa còn tươi rói. Phốc 24 tuổi, mới lấy vợ và có 1 con nhỏ, được bố mẹ cho ra ở riêng từ tháng 11 năm ngoái. Phốc không mấy ngạc nhiên khi có người khách lạ bước vào nhà, cũng không hỏi khách là ai, từ đâu tới. Cậu chàng chỉ cười, rồi trả lời tất cả những câu hỏi của khách bằng vốn tiếng Việt phổ thông còn ngọng nghịu. “Phốc làm nghề gì?” – tôi hỏi. “Làm rừng thôi!” – Phốc đáp. “Làm rừng là làm gì mới được chứ?”. “Thì trên rừng có gì làm đấy ớ” – Phốc cười lấp lửng. “Sao hôm nay không đi làm?” – tôi lại hỏi. Phốc trả lời: “Mưa này ở nhà chơi thôi”. “Thế vợ con đâu?”. “Đi chăn trâu rồi ớ”.

Tôi nhìn ra ngoài cửa, trời vẫn đổ mưa phùn và sương mù ken dày đặc. Bất giác rùng mình nghĩ tới cảnh người thiếu phụ địu con nhỏ đi chăn trâu, trong những cánh rừng vi vút gió.

Nhiều chương trình – ít hiệu quả

Phụ nữ Dao ở bản Khe Tiền, xã Đồng Văn chế biến củ cải khô. Ảnh: N.Q

Ngoài các chương trình 135, 120, Xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, gần đây nhất, huyện Bình Liêu triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, khi đánh giá về “Chương trình giảm nghèo bền vững” này, chính lãnh đạo huyện lại cho rằng: “Thiếu bền vững” (!?)

Tại xã Đồng Văn, theo kết quả rà soát cuối năm 2016, số hộ nghèo là 539/658 hộ; hộ cận nghèo là 135/658 hộ. Nghèo khó, theo ông Lý Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn – cũng có nguyên nhân từ xuất phát điểm của xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK): Đặc thù về vùng miền núi địa hình bị chia cắt, mật độ dân cư thưa thớt nên việc đầu tư tập trung phát triển hạ tầng gặp nhiều khó khăn, một số hộ dân ở phân tán chưa có điện lưới. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều khó khăn, nên năng suất, sản lượng vật nuôi cây trồng chưa cao.

Ông Hoàng Ngọc Ngò - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện Bình Liêu, cũng nhận định: “Nhiều chương trình giảm nghèo đã triển khai trên toàn huyện nói chung và xã Đồng Văn nói riêng, nhưng đến nay khó khăn nhất vẫn là làm sao thúc đẩy sản xuất; tạo sự chuyển biến về ý thức vươn lên của người dân; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm”.

Qua tìm hiểu, từ nhiều năm nay, nguồn thu nhập chủ yếu của người dân Đồng Văn là trồng hồi, quế (trên 2.000ha, chiếm 1/3 diện tích tự nhiên của xã), nhưng 5 năm trở lại đây, năng suất và sản lượng hồi, quế liên tục giảm, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn rất ít. Hiện mới chỉ có 1 HTX đầu tư nuôi cá nước lạnh và 1 tổ hợp tác trồng và chế biến củ cải với quy mô nhỏ.

Đầu năm 2017, huyện Bình Liêu đưa ra Đề án “Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017 – 2020”. Đồng thời, Đề án đưa xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK và hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 (giai đoạn 2017-2020) của xã Đồng Văn cũng đang chờ Hội đồng nhân dân huyện phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đến hết năm 2019 sẽ đưa hết 8 thôn của xã Đồng Văn ra khỏi diện ĐBKK và hoàn thành Chương trình 135. Đây là lộ trình cần thiết phải đặt ra để thực hiện những giải pháp giảm nghèo bền vững. Nhưng thực hiện nó như thế nào, câu hỏi đang chờ các nhà hoạch định chính sách và quản lý ở huyện Bình Liêu cũng như tỉnh Quảng Ninh.

Nguyễn Quý

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/dong-van-oi-ngheo-doi-den-bao-gio-754732.html