Dòng vốn Hàn Quốc và Đài Loan đổ mạnh vào chứng khoán Việt Nam

Trong khi vốn ngoại ồ ạt rủi khỏi Việt Nam, dòng vốn Đài Loan, Hàn Quốc qua ETF đang vào ròng mạnh...

Số liệu thống kê từ FiinTrade cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trong tháng 4, nhưng giá trị bán ròng giảm một nửa. Đáng lưu ý, dòng vốn Đài Loan, Hàn Quốc qua ETF vào Việt Nam ghi nhận tăng.

GIÁ TRỊ BÁN RÒNG SUY YẾU

Giá trị bán ròng của khối ngoại tính trên 3 sàn (HOSE, HNX và UPCOM) đạt hơn 5,3 nghìn tỷ đồng trong tháng 4/2024. Đây là tháng thứ 3 liên dòng tiền ròng ở trạng thái âm, tuy nhiên, quy mô bán ròng đã giảm -52,8% so với tháng 3/2024. Gần 81% giá trị bán ròng của khối ngoại trong tháng 4/2024 được thực hiện qua khớp lệnh.

Lũy kế 4 tháng năm 2024 khối ngoại bán ròng tương đương 73,9% cả năm 2023: Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 16,8 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 73,9% giá trị bán ròng trong năm 2023 (hơn 22,8 nghìn tỷ đồng).

Xét khung thời gian 1 năm, lực bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng. Lũy kế 12 tháng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 45,3 nghìn tỷ đồng, tập trung bán mạnh trong tháng 12/2023 và tháng 3/2024.

Cá nhân trong nước là bên mua ròng đối ứng với lực bán ròng của nước ngoài từ tháng 4/2023 đến nay trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng về vùng dưới 5%/năm.

Tháng 4/2024, tổ chức nước ngoài duy trì bán ròng, chủ yếu đến từ nhóm Chủ động: Tổng giá trị bán ròng của tổ chức nước ngoài ghi nhận 5,8 nghìn tỷ đồng, đây là tháng thứ 3 liên tiếp dòng tiền ở trạng thái âm. Cụ thể, nhóm chủ động chiếm 87% giá trị bán ròng trong tháng và phần còn lại đến từ các quỹ ETF.

Lũy kế 4T2024, tổ chức nước ngoài bán ròng tương đương 76% cả năm 2023: Tổng giá trị bán ròng của tổ chức nước ngoài đạt hơn 19 nghìn tỷ đồng tương đương 76% tổng mức bán ròng trong năm 2023. Trong đó, nhóm chủ động bán ròng 15,7 nghìn tỷ đồng và các quỹ ETF chiếm phần còn lại (3,3 nghìn tỷ đồng).

DÒNG TIỀN ĐÀI LOAN, HÀN QUỐC ĐỔ MẠNH VÀO VIỆT NAM

Xét khung thời gian 1 năm, xu hướng bán ròng liên tục gia tăng ở nhóm chủ động. Trong khi đó, dòng tiền ETF ít biến động hơn nhưng bắt đầu xuất hiện xu hướng bán ròng. Lũy kế 12 tháng, nhóm Chủ động đã bán ròng tổng cộng 41 nghìn tỷ đồng.

Nhóm Chủ động mua ròng Bán lẻ trong khi bán ròng mạnh Bất động sản, Dịch vụ Tài chính: Trong tháng 4/2024, nhóm Chủ động mua ròng ngành Bán lẻ (MWG) và bán ròng mạnh ở ngành Bất động sản (VHM, VIC), Dịch vụ Tài chính (VCI, VND, và SSI).

Trong khi đó, nhóm quỹ ETF tập trung bán ròng mạnh Ngân hàng: Nhóm quỹ ETF bán ròng mạnh ngành Ngân hàng, tập trung vào những cổ phiếu đã kín "room ngoại" thuộc rổ VNDiamond như TCB, MBB, và ACB.

Nhóm quỹ ETF ngoại ghi nhận rút ròng hơn 365 tỷ đồng trong tháng 4/2024. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp nhóm quỹ này chịu áp lực rút ròng với giá trị lũy kế từ đầu năm 2024 là hơn 3,3 nghìn tỷ đồng, so với mức vào ròng 4,1 nghìn tỷ đồng của năm 2023.

Hoạt động rút ròng chủ yếu đến từ quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF (-408 tỷ đồng) và quỹ iShares MSCI Frontier and Select ETF (-201 tỷ đồng).

Tín hiệu tích cực hơn ở một số quỹ ngoại như Fubon FTSE Vietnam ETF (+55,7 tỷ đồng), KIM Growth (+176 tỷ đồng), KIM Kindex (+149 tỷ đồng).

Nhóm quỹ ETF nội tiếp tục rút ròng mạnh: Trong tháng 4/2024, giá trị rút ròng ở các quỹ ETF nội ở mức 2,4 nghìn tỷ đồng, giảm so với mức rút ròng của tháng 3/2024. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là tháng thứ 9 liên tiếp nhóm quỹ này chịu áp lực rút ròng. Lũy kế 4 tháng năm 2024, tổng giá trị rút ròng các quỹ ETF nội là 7,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,37 lần giá trị rút ròng trong năm 2023).

Phần lớn giá trị rút ròng ghi nhận ở 2 quỹ thuộc DC là VFMVN Diamond ETF (-1,8 nghìn nghìn tỷ đồng) và VFM VN30 ETF (-181 tỷ đồng). Ngoài ra, quỹ SSIAM VNFIN LEAD ETF cũng bị rút ròng hơn 559 tỷ đồng.

Dòng vốn vào các quỹ ETF trong tháng 4/2024 chủ yếu đến từ Hàn Quốc (KIM GROWTH VN30, KIM ACE Vietnam VN30), Đài Loan (Fubon FTSE Vietnam ETF). Danh mục nắm giữ của các quỹ này chủ yếu là Thép (HPG), Công nghệ thông tin (FPT), và Thực phẩm và đồ uống (VNM, MSN).

Ngược lại, dòng vốn từ Châu Âu (Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF), Mỹ (iShares MSCI Frontier and Select EM ETF), Châu Á (quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND, quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD) tiếp xu hướng rút ròng.

Quy mô bán ròng ở nhóm Chủ động nước ngoài đã giảm nhưng vẫn ở mức cao: Trong tháng 4/2024, giá trị bán ròng của nhóm Chủ động nước ngoài là 5,4 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 43,4% so với mức bán ròng của tháng 3/2024. Tuy nhiên, xem xét khung thời gian 1 năm vừa qua, giá trị bán ròng trong tháng 4/2024 vẫn tương đối cao. Lũy kế 4 tháng năm 2024, nhóm chủ động bán ròng 15,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 38% tổng giá trị bán ròng trong năm 2023 (41,3 nghìn tỷ đồng).

Quỹ chủ động ngoại là quỹ VEIL ghi nhận rút ròng hơn 116 tỷ đồng trong khi quỹ PYN Elite tiếp tục vào ròng tháng thứ 2 liến tiếp, với hơn 75 tỷ đồng trong tháng 4/2024.

Tuệ Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dong-von-han-quoc-va-dai-loan-do-manh-vao-chung-khoan-viet-nam.htm