Đột nhập làng "tăm tre tình thương": “Phố” nhà lầu giữa xã thuần nông

GiadinhNet - Như số trước đã nói, trong quá trình tiếp xúc với các “nhân viên” tăm tre tình thương, chúng tôi thấy âm điệu giọng nói của họ rất giống dân ở Lê Thanh, Mỹ Đức (nay thuộc Hà Nội).

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, kết quả cho thấy những phán đoán của chúng tôi là đúng. Hai thái cực của một xã thuần nông Hóa ra những “nhân viên” tăm tre trên sinh sống tại hai thôn giàu nổi tiếng là Áng Thượng và Áng Hạ thuộc xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức thật. Dù đã biết tiếng nơi đây nhà cao, cửa rộng nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ trước những dãy nhà cao tầng mọc san sát cùng nhiều hàng quán cắt tóc, gội đầu, ảnh viện, áo cưới... bên con đường bê tông rộng thênh thang, phẳng lì, còn “xịn” hơn mấy khu dân cư trong nội đô. Một bức tranh, 2 mảng màu, 2 thái cực biệt lập! Đó là nhận xét của những ai có dịp đặt chân lên xã Lê Thanh. Toàn xã có gần 12.000 dân sống trên 4 thôn Lai Xá, Áng Hạ, Áng Thượng và Đức Thụ. Chưa có đường lớn, để vào xã phải men theo triền đê sông Đáy rải cấp phối xóc đến lộn ruột, hoặc phiêu lưu hơn có thể đi qua cầu phao dã chiến dập dềnh bắc qua sông Đáy nối xã Lê Thanh với huyện Ứng Hòa. Cách trở vì giao thông, biệt lập do thiếu đường sá, khác hẳn với nhiều làng xã khác trên địa bàn Hà Tây cũ vốn giàu lên nhờ các nghề phụ, nghề truyền thống, thì xã Lê Thanh tuyệt nhiên không có bất kỳ nghề nào ngoài làm nông. Chạy dọc triền đê rải cấp phối gồ ghề là thôn Lai Xá với trên 4.500 nhân khẩu, chiếm gần 50% dân số toàn xã, sống chủ yếu vào đồng ruộng. Một vòng quanh thôn lâu lâu mới "điểm danh" được vài căn nhà xây kiên cố, cao tầng. Cùng cảnh "nghèo" và thuần nông như Lai Xá là thôn Đức Thụ, bà con cũng dựa vào làm nông là chính. Vậy nhưng khi đến Áng Hạ, người ta như đặt chân vào chốn "thiên đường". Sự so sánh không quá lời khi tới đầu thôn Áng Hạ, chiếc xe máy không phải oằn mình, chồm lên tránh những hòn đá xô bồ, rải cấp phối như đoạn đường trước đó. Đoạn đường bê tông phẳng lỳ chạy dọc 2 thôn Áng Hạ, Áng Thượng mà theo lãnh đạo xã Lê Thanh, phần lớn kinh phí là do nhân dân đóng góp. Người ta càng "choáng" hơn khi san sát 2 bên đường là những căn nhà cao tầng mang dáng dấp của những căn "biệt thự" kín cổng cao tường, có đoạn nối tiếp nhau thành dãy dài hoành tráng. “Nghề phụ” là... “đi làm ăn xa”?! Mép đường qua 2 thôn Áng là những cửa hàng rửa xe, sắp dài những chiếc mô tô đắt tiền. Cùng đó là các cửa hàng cắt tóc, gội đầu, tạp hóa, ảnh viện... tô thêm vẻ trù phú. Người đến đây ngỡ như lạc vào một khu phố nào đó trên thành phố chứ chẳng phải một làng quê vốn được coi là nông thôn đặc sệt. Ở 2 thôn Áng này, nhiều căn nhà cao tầng sang trọng đã và đang được xây cất. Ban ngày, hầu hết những ngôi nhà cao cửa rộng này đóng im lìm, khi hỏi được biết họ đang đi "làm ăn xa". Vậy nhưng khi đêm về, ánh điện sáng trưng, tiếng loa đài rộn rã, cảnh người vào ra, quây quần trong những căn nhà nội thất sang trọng. Cuộc sống của những hộ thuần nông, không nghề phụ nơi đây chẳng khác nào gia đình công chức chốn thị thành. Phó Chủ tịch xã Lê Thanh cho hay, dân 2 thôn Áng Thượng, Áng Hạ buổi nông nhàn kéo nhau đi làm thuê, buôn bán. Khi được hỏi về việc xã có biết ngoài buôn bán, người dân 2 thôn Áng còn đi "làm từ thiện" bán tăm tre tình thương hay không? ông Phó chủ tịch xã khẳng định là "có" và chua thêm đầy tự hào: "Dân các thôn khác có muốn cũng khó làm được". Không úp mở như vị lãnh đạo xã, một nông dân Lai Xá khi được hỏi, khẳng định: "Mang tiếng là thuần nông nhưng nông dân 2 thôn Áng Thượng, Áng Hạ cho dân làng khác mướn ruộng, họ đổ xô đi bán tăm tre. Nói là bán tăm tre tình thương nhưng là đi "xin tiền". Bán tăm kiếm đâu ra lắm tiền để cất nhà to vật cả trăm triệu đến tỉ bạc. Cho thuê đất, ruộng mỗi sào tối đa cũng được trả 60kg thóc, năm 2 vụ, khéo chỉ đủ ăn". Công an xã và vụ điều tra “siêu tốc” Trong quá trình tiếp xúc với các "nhân viên bán tăm" tìm hiểu con đường để gia nhập đội ngũ bán "tăm tre tình thương", chúng tôi được rỉ tai về một "ông trùm" chuyên cung cấp giấy tờ liên quan, làm thẻ thành viên với giá 500.000-600.000 đồng/bộ. Một phụ nữ bán "tăm tre tình thương" tuổi ngoài 45, thường xuyên túc trực tại cổng bưu điện Hà Đông cho biết, để có đầy đủ giấy tờ đi bán tăm tre hãy tìm gặp ông Mạnh. Ông này chuyên giới thiệu, làm hồ sơ cho các thành viên. Chị này nhấn mạnh "Không phải ai muốn cũng trở thành "nhân viên tăm tre" được đâu, chỉ có qua ông Mạnh mới được đi bán hàng". Trong lần đột nhập làng "tăm tre tình thương" tại xã Lê Thanh sáng 17/3, "ông trùm tăm" tên Mạnh lại nhiều lần được người dân ở đây nhắc đến. Thông tin cho biết, ông Mạnh sống tại thôn Áng Thượng, chuyên giới thiệu, làm mọi thủ tục hồ sơ liên quan cho tất thảy các "nhân viên tăm tre" trong xã Lê Thanh. Để tìm hiểu về "ông trùm tăm" chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Văn Lợi, Trưởng công an xã Lê Thanh. Mặc dù nhà ông Lợi cũng ở thôn Áng Hạ, sát kề những dãy nhà cao tầng được cho là của các "nhân viên tăm tre" nhưng ông không nắm được bất kỳ thông tin gì ngoài việc "chỉ thấy họ sáng đi, tối về, làm gì ở ngoài ai mà biết được". Các thông tin về "ông trùm tăm" tên là Mạnh cũng không được ông Lợi đề cập. Chiều cùng ngày, nhóm PV chia làm 2 tổ, một tổ tìm cách tiếp cận nhà "ông trùm" Mạnh tại thôn Áng Thượng để làm rõ thực hư. Nhóm thứ hai gặp trực tiếp Chủ tịch xã Nguyễn Ngọc Tươi để nắm tình hình. Sau khi phóng viên đề cập vấn đề, ông Tươi đã yêu cầu ông Lợi, Trưởng Công an xã tiếp chúng tôi. Trong lúc PV đang trao đổi với nhau, ông Lợi bước vào phòng và vô tình nghe nhắc tên ông Mạnh. Ngay lập tức, ông Trưởng công an xã cho biết, sau khi tiếp chúng tôi ở nhà, công an xã "đã kịp thời điều tra ra ông Mạnh chuyên tuyển người, làm hồ sơ cho "nhân viên tăm tre"... ngay trong buổi trưa nay". Điều này thật khác lạ bởi vào buổi sáng cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, ông Trưởng Công an xã chẳng biết gì về "ông trùm" Mạnh. Nếu đây là một vụ điều tra của Công an xã thì quả là "siêu tốc". Vậy ông Mạnh là ai, có thật là người chuyên cung cấp giấy tờ để làm thẻ “thành viên” cho các “nhân viên” tăm tre hay không? Quá trình điều tra cho thấy, thông tin mà các những người bán tăm tình thương “rởm” đưa ra có nhiều chi tiết cần phải làm rõ. (Còn nữa) Công Tâm - Lê Hường

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20100326080155599p0c1000/dot-nhap-lang-tam-tre-tinh-thuong-pho-nha-lau-giua-xa-thuan-nong.htm