Đột phá từ khâu tổ chức cán bộ

TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm xây dựng một chính quyền gần dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Để có bước chuyển biến thực chất trong vấn đề này, thành phố xác định tạo đột phá từ khâu tổ chức cán bộ; quyết tâm sàng lọc bộ máy và sẵn sàng tận dụng, bổ nhiệm người tài.

Sàng lọc bộ máy

Ngày 5-7, HĐND huyện Hóc Môn khóa X khai mạc kỳ họp thứ nhất nhằm kiện toàn tổ chức nhân sự các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND huyện nhiệm kỳ 2016-2021. Ông Lê Tuấn Tài, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn dù trúng cử đại biểu HĐND huyện trong kỳ bầu cử vừa qua nhưng đã không được giới thiệu tái cử chức danh Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ mới. Được biết, ông Lê Tuấn Tài có liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn và đang chờ kết luận kiểm tra theo chỉ đạo của Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Trước đó, ông Trần Quang Duy, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hóc Môn cũng đã bị điều chuyển xuống làm chuyên viên Phòng Nội vụ của huyện này theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng bởi "vô cảm" với dân trong quản lý môi trường trên địa bàn.

Sự hài lòng của người dân là thước đo chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền.

Sự việc trên cho thấy, TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức, sẵn sàng loại khỏi bộ máy những công bộc "biến chất" nhằm xây dựng một chính quyền đúng nghĩa "vì dân phục vụ". Thành phố cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trong các tổ chức Đảng, chính quyền. Trong 6 tháng đầu năm 2016, số đảng viên bị kỷ luật tăng cao. Cụ thể, thành phố đã kỷ luật 235 đảng viên, tăng 70 đảng viên so với cùng kỳ; trong đó, khiển trách 168 đảng viên, cảnh cáo 56 đảng viên, cách chức 7 đảng viên và khai trừ Đảng 4 đảng viên. Theo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thành phố rất quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để bổ sung vào bộ máy chính quyền. Công tác này sẽ được thực hiện theo một chiến lược xuyên suốt, quy hoạch cán bộ theo ngành, theo lĩnh vực phù hợp với từng giai đoạn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.

Tận dụng người tài

Một bước đi đột phá trong khâu tổ chức cán bộ là bổ nhiệm ông Lê Nguyễn Minh Quang - một người ngoài Đảng - đứng đầu Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, một trong những đơn vị thu hút nguồn vốn đầu tư thuộc hàng cao nhất cả nước. Trả lời phóng viên Báo Hànôịmới về trường hợp này cũng như quan điểm của Thành ủy TP Hồ Chí Minh trong bổ nhiệm người ngoài Đảng, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, ông Lê Nguyễn Minh Quang là một gương mặt không xa lạ đối với giới trẻ thành phố, một trong những cán bộ giỏi, có năng lực, có phẩm chất đạo đức đã được khẳng định trong quá trình công tác thực tiễn. Do đó, việc thành phố bổ nhiệm ông Lê Nguyễn Minh Quang đứng đầu ngành đường sắt đô thị thành phố là đúng người, đúng việc, minh chứng rõ nét cho việc thành phố sẵn sàng tận dụng người tài. Cũng theo ông Tất Thành Cang, việc bổ nhiệm người ngoài Đảng để giữ vai trò lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị chủ chốt là chủ trương lớn của Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Để có cơ chế tận dụng những người có năng lực, phẩm chất cả trong và ngoài Đảng, TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng Quy trình bổ nhiệm cán bộ bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và sẽ trình Thường trực Thành ủy ngay trong 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ xây dựng quy trình nhận xét, đánh giá cán bộ sao cho sát với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Nhằm tạo nguồn cán bộ, Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 7-2016, Ban Tổ chức Trung ương và Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh sẽ ký kết Chương trình phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ tổ chức xây dựng Đảng, trong đó dự kiến sẽ hợp nhất một số chức danh trong Đảng và chính quyền. “Đây là điểm mới, có những việc thuộc thẩm quyền của Ban Tổ chức Trung ương nhưng trong điều kiện ủy quyền được, Ban Tổ chức Trung ương sẽ ủy quyền cho Thành ủy TP Hồ Chí Minh thực hiện”, ông Tất Thành Cang cho hay.

Đối với các vấn đề bức xúc của người dân hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải tiếp công dân theo đúng luật định. Việc tiếp công dân này sẽ được giám sát chặt chẽ ngay từ cơ sở, quận, huyện, sở, ngành. Đối với lãnh đạo thành phố, những vụ việc lớn cũng phải tập trung tiếp dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, qua đó kịp thời chỉ đạo, xử lý. Để xây dựng chính quyền hiệu quả, gần dân, TP Hồ Chí Minh yêu cầu những "công bộc" phải biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin. Đặc biệt, cán bộ, công chức khi tương tác với người dân phải biết nhận lỗi, biết xin lỗi và biết cảm ơn. "Thành phố đặt ra tiêu chí lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và bộ máy chính quyền", ông Tất Thành Cang khẳng định.

Bài, ảnh: Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/840067/dot-pha-tu-khau-to-chuc-can-bo