Đột phá về giải pháp và trách nhiệm

(HNM) - Hôm qua 16-11, lần đầu tiên Học viện Cảnh sát nhân dân đứng ra tổ chức hội thảo khoa học với sự tham gia của hàng chục chuyên gia, học giả, nhà quản lý nhằm tìm lời giải bài toán chống ùn tắc giao thông đô thị. Dẫu đã có nhiều ý kiến sắc sảo, tâm huyết, nhưng bài toán chống ùn tắc giao thông đô thị quả thực rất hóc búa, nhất là khi việc thực thi các giải pháp đã có còn chưa quyết liệt...

Chưa thực hiện hết giải pháp đã có

Đoạn video clip do ông Saiko Takesh, chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trình chiếu tại hội thảo cho thấy cảnh một tuyến đường hai chiều tại Hà Nội nhanh chóng bị ùn ứ chỉ vì một đoạn dải phân cách được mở ra cho xe quay đầu. "Hiện tượng phương tiện giao thông quay đầu gây ùn tắc rất phổ biến tại Hà Nội"- ông Saiko Takesh nhận xét.

Lực lượng tham gia giữ gìn TTATGT quá mỏng so với số nút giao thông trên địa bàn thành phố. Ảnh: Đàm Duy

Chuyên gia Saiko Takesh cũng có một nghiên cứu chứng minh rằng, các nút giao thông đều nên lắp đèn tín hiệu thay vì để người dân tự do đi lại. Nếu có đèn tín hiệu, nút giao thông chỉ có 4-5 luồng phương tiện giao cắt, nhưng không có đèn, số này lên tới cả chục. Lý thuyết khoa học tưởng chừng đơn giản như vậy, trên thực tế lại không được vận dụng triệt để. Ngay tại Hà Nội, nhiều nút giao thông chưa được lắp đèn tín hiệu; nút có đèn nhưng không có điện dự phòng, nên khi mất điện lưới, giao thông nhanh chóng trở nên hỗn loạn. Ngay như nút giao rất đẹp ở đầu Đại lộ Thăng Long - Phạm Hùng, theo ông Saiko Takesh, lẽ ra có những dòng phương tiện phải tạm dừng thì thực tế lại không, gây ra những xung đột giao thông không đáng có.

Đại tá Bùi Bá Mạnh, Phó Trưởng phòng CSGT - CATP Hà Nội cho biết, mặc dù đã cố gắng khắc phục, nhưng Hà Nội hiện có 6-7 điểm ùn tắc giao thông nặng và 5-6 điểm chỉ cần mưa trung bình cũng trở nên ùn tắc. Nguyên nhân là do hạn hẹp về quỹ đất giao thông, mặt khác Hà Nội đang phải chịu gánh nặng phương tiện chiếm dụng lòng, lề đường cản trở giao thông rất khó xử lý. Cũng theo ông Mạnh, Phòng CSGT - CATP hiện có hơn nghìn cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên địa bàn, cộng với khoảng 600 người của 29 quận, huyện, thị xã; cảnh sát cơ động; cảnh sát trật tự và lực lượng của tổ dân phố, tình nguyện viên… Chỉ cần so với số nút giao thông trên địa bàn là 2.150 cũng đủ thấy lực lượng này là quá mỏng. Chưa kể, việc bố trí, phân công, điều hành, phối hợp các lực lượng chưa thực sự ăn ý, hiệu quả, đôi khi xảy ra hiện tượng "nơi cần không có, nơi có không cần".

Thanh niên tình nguyện ĐH Quốc gia tham gia phân luồng giao thông tại ngã tư Cầu Giấy - Nguyễn Phong Sắc. Ảnh: Bảo Đức

Cần có giải pháp đột phá

Chống ùn tắc giao thông đô thị hiện nay, không riêng gì Hà Nội, về giải pháp, quả thực không thiếu. Một người nghiên cứu bình thường cũng có thể đọc ra cả chục giải pháp. Nên vấn đề không nằm ở giải pháp chống ùn tắc giao thông là gì, mà là hiệu quả thực hiện các giải pháp đến đâu. "Chủ trương, giải pháp của chúng ta thì đúng, nhưng tổ chức thực hiện thường không đến nơi đến chốn, nên giải pháp bị phá vỡ" - Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính và TTATGT (Bộ CA) nhận xét. Theo Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, sắp tới không chỉ điều chỉnh giờ học, giờ làm, Chính phủ cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ nghiên cứu, áp dụng nhiều biện pháp rất mới. Trước hết ngay trong tháng này, Chính phủ sẽ nghe Hà Nội và TP Hồ Chí Minh báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Chính phủ về giảm thiểu ùn tắc giao thông; ngày 28-11, Hội nghị ATGT toàn quốc cũng sẽ được tổ chức với trọng tâm là bàn các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Năm 2012 sẽ là Năm ATGT, trong đó trọng tâm các hoạt động rất có thể sẽ tập trung vào việc giải quyết tình trạng chiếm dụng lòng, lề đường. Các bộ, ngành sẽ tập trung nghiên cứu, áp dụng các biện pháp nhằm giảm số phương tiện cá nhân như tăng phí, lệ phí đăng ký xe, thậm chí là phí lưu hành với các mức dự kiến như xe dưới 1 tỷ đồng nộp 20 triệu đồng/năm, xe từ 1-2 tỷ đồng nộp 30 triệu đồng/năm… Tại các khu vực trung tâm, các đô thị lớn lượng phương tiện nhiều, phí trông giữ xe sẽ thu rất cao. Ngoài ra, các biện pháp mang tính cưỡng chế cũng sẽ được tăng cường. Trước hết, có thể sẽ áp dụng việc cấm lưu hành trên một số tuyến phố trong 2 giờ buổi sáng và 2 giờ vào buổi chiều. Mức phạt các trường hợp vi phạm cũng sẽ được điều chỉnh tăng cao hơn, thậm chí còn có hình thức phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe, thu giữ phương tiện.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Đức Bình, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng, cần phải trao quyền và ủng hộ những người chỉ huy thực thi các giải pháp chống ùn tắc giao thông, nhất là những người dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ông cho rằng, Chủ tịch UBND TP phải có toàn quyền điều hành, quyết định có thể thực hiện các giải pháp chống ùn tắc giao thông hiệu quả. Ý kiến này nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu. Hội thảo cũng thống nhất cho rằng, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đô thị, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện nay, không chỉ cần tập trung nghiên cứu các giải pháp cụ thể, mà cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan và đặc biệt là nâng cao trách nhiệm tổ chức thực hiện các giải pháp, thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/khoa-hoc/530303/%c4%91ot-pha-ve-giai-phap-va-trach-nhiem.htm/