DRDO yêu cầu quân đội hạn chế nhập khẩu vũ khí

Cố vấn khoa học của Bộ Quốc phòng, Giám đốc Cơ quan phụ trách nghiên cứu và thực nghiệm quốc phòng Ấn Độ (DRDO) Vijay Kumar Saraswat đã lên tiếng yêu cầu quân đội nước này nên hạn chế nhập khẩu các tổ hợp vũ khí tiên tiến mới.

Theo lời Giám đốc DRDO, nếu quân đội tiếp tục nhập khẩu vũ khí mới thì các cơ quan phát triển trong nước sẽ không thể tự mình phát triển các “công nghệ quốc phòng” chủ lực cho Ấn Độ. Trong khi đó, việc hạn chế nhập khẩu vũ khí sẽ bổ sung ngân sách cho các dự án nghiên cứu vũ khí mới trong nước. “Quân đội cần hiểu rằng, trước khi quyết định nhập khẩu bất kì tổ hợp vũ khí nào, họ cũng phải nghĩ tới ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế quốc gia và vì quá trình “tự lập” công nghệ quốc phòng của Ấn Độ’, ông V. Saraswat nhấn mạnh. Theo ông V. Saraswat, không một sản phẩm vũ khí nhập khẩu nào có thể thay thế được khả năng tự cung ứng các sản phẩm quốc phòng của Ấn Độ trong các kế hoạch dài hạn. Ngoài ra, việc lựa chọn các sản phẩm nội địa cũng là vì lợi ích lâu dài cho không chỉ riêng ngành sản xuất quốc phòng của nước này. Trong vài năm trở lại đây, quân đội Ấn Độ đã mở một loạt các gói thầu tìm nhà cung cấp vũ khí mới từ nước ngoài. Thậm chí, chính phủ Ấn Độ cũng cho phép quân đội đặt mua các sản phẩm quân sự trực tiếp từ các hãng sản xuất nước ngoài. Điển hình là các hợp đồng mua máy bay tuần tra biển (P-8I Poisedon), máy bay tiêm kích (gói thầu 126 máy bay tiêm kích hạng nhẹ), máy bay huấn luyện, pháo binh và xe tăng. Gần đây nhất là kế hoạch nâng tổng số máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-30MKI lên 230 chiếc và xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S lên 2.000 chiếc cho tới năm 2015. Cũng cần nhấn mạnh rằng, quân đội Ấn Độ trong thời gian gần đây luôn lên tiếng chỉ trích DRDO vì các dự án với tiến độ “rùa bò”. Điển hình là dự án phát triển xe tăng Arjun đã kéo dài trong 36 năm và dự án máy bay tiêm kích Tejas tính tới mùa thu 2010 là 35 năm. Ngoài ra, các sản phẩm do DRDO phát triển cũng không đáp ứng được yêu cầu của phía quân đội như việc lực lượng lục quân trong suốt hàng chục năm đã từ chối tiếp nhận xe tăng Arjun vì trục trặc kỹ thuật. Tuấn Sơn (theo Lenta)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/115/115/115/113438/Default.aspx