ĐT Việt Nam: Giá trị cộng đồng

Làng trẻ em SOS Gò Vấp - TPHCM hiện đang duy trì 7 đội bóng, hàng năm đều tham gia giải dành cho 17 làng SOS trên toàn quốc. Theo lãnh đạo của trường, bóng đá là một trong những hoạt động quan trọng nhằm giúp các em có thêm định hướng cho tương lai, bên cạnh việc học văn hóa. Vì thế, khi đội tuyển Việt Nam ghé thăm hôm 14-10 vừa qua, các em nhỏ tại đây rất vui khi được gặp những thần tượng của mình.

Rất lâu rồi, có lẽ là từ nhiệm kỳ của HLV Calisto cách đây 6-7 năm, đội tuyển Việt Nam mới có những hoạt động xã hội ý nghĩa như vậy. HLV Nguyễn Hữu Thắng cho biết, nếu ông còn làm việc ở đội tuyển quốc gia, nhất định thầy trò của ông sẽ có thêm những hoạt động tương tự. HLV Hữu Thắng bày tỏ: “Bên cạnh sự chia sẻ với các em, chính tôi và các cầu thủ cũng cảm thấy mình có thêm động lực để cống hiến trên sân cỏ. Các cầu thủ là những người có ảnh hưởng với các em nhỏ, việc san sẻ chút ít vật chất và tinh thần với các em là trách nhiệm và qua đó cũng cảm thấy giá trị của công việc mình trên sân cỏ”.

Các em làng SOS Gò Vấp hồ hởi xin chữ ký thần tượng Công Vinh.

Cũng cần phải nói rằng, gắn kết bóng đá với cộng đồng là điều rất quen thuộc ở bóng đá chuyên nghiệp. Ở giải số 1 thế giới như ngoại hạng Anh, ngoài việc trích một số phần trăm từ doanh thu hàng chục tỷ bảng Anh để đầu tư cho các cơ sở vật chất phục vụ cộng đồng, các CLB còn phải có trách nhiệm tham gia các buổi huấn luyện, nói chuyện nghề nghiệp tại địa phương nơi họ đang đóng quân. Các cầu thủ khi bị kỷ luật trong quá trình thi đấu, ngoài tiền phạt thì hoạt động quen thuộc là phải đi dạy bóng đá miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Các nhà quản lý bóng đá thế giới quan niệm rằng: chỉ khi nào tìm được các giá trị cộng đồng cho công việc của mình thì bóng đá chuyên nghiệp mới thực sự có ý nghĩa.

Với bóng đá Việt Nam, việc khơi dậy các giá trị từ cộng đồng còn nhiều ý nghĩa hơn. Phần đông cầu thủ bóng đá chuyện nghiệp hiện nay đều xuất thân từ gia đình nghèo, nhiều người trong số họ nhờ bóng đá mà xây dựng được tương lai. Hơn ai hết, họ hiểu rất rõ những gì mà bóng đá có thể mang lại, ít nhất là về khía cạnh cuộc sống. Trong lần đến thăm các trẻ em đang điều trị ung thư cách đây vài năm, nhiều tuyển thủ quốc gia đã không kìm được nước mắt khi nghe các em nói về mơ ước được đá bóng, được giống như các anh. Đó là một câu chuyện giàu ý nghĩa đối với bóng đá.

Nhiều năm qua, BTC giải thưởng Quả bóng vàng (QBV)Việt Nam - Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng trăn trở về điều này. So với các danh hiệu ở các lĩnh vực khác, giới cầu thủ và thể thao nói chung vẫn còn đang đứng lên lề cuộc sống, trong khi đa số những cầu thủ đoạt giải thưởng QBV trong gần 20 năm tổ chức đều công thành - danh toại, có được sự nổi tiếng và cả tương lai bền vững. Theo thống kê, có 70% các danh hiệu trong giải thưởng đã chuyển sang làm công tác huấn luyện, tiêu biểu như chính HLV Hữu Thắng của đội tuyển Việt Nam hiện nay từng là QBB năm 1997, trong khi người từng đoạt 3 QBV Việt Nam là Lê Công Vinh hiện vẫn đang là thần tượng của nhiều em nhỏ mê đá bóng. Điều đó cho thấy, vượt qua ý nghĩa đơn thuần là tôn vinh các cá nhân, giải thưởng QBV còn là biểu tượng của một người thành đạt trong thể thao.

Vì lẽ đó, việc kết nối với cộng đồng, xây dựng các hoạt động thiết thực mang tính thiện nguyện trước và sau lễ trao giải QBV, hoặc tổ chức những chương trình bóng đá cộng đồng có sự tham gia của những cầu thủ đoạt giải là các hình thức mới mà giải thưởng QBV Việt Nam đang hướng đến.

Theo SGGP

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/tuyen-quoc-gia/dt-viet-nam-gia-tri-cong-dong-292-203253.html