Dư âm trận Đức vs Italia: Như một thói quen...

Đức và Italia đã cùng nhau tạo nên 1 màn so tài đầy kịch tính và cảm xúc tại sân Bordeaux. Chất liệu tạo nên nó chính là thói quen đã trở thành bản sắc truyền thống của họ…

Nuối tiếc là cảm giác chung của người hâm mộ khi trò đùa của số phận đã tạo ra một nhánh đấu quá khắc nghiệt ở EURO 2016 cho cả Đức và Italia. Để rồi khi dõi mắt về SVĐ Stade de Bordeaux, nhiều người đã không đủ mạnh mẽ để chứng kiến tận cùng cuộc đấu cân não giữa 2 đội trên loạt đấu súng. Nó kịch tính và nghẹt thở chẳng khác một bộ phim hành động.

Ở đó hội tụ tất cả những cảm xúc thăng hoa nhất của trái bóng tròn, từ tiếc nuối, hy vọng, hụt hẫng rồi vỡ òa. Và tất nhiên, nó xuất hiện cả những giọt nước mắt, của người bại trận và của cả kẻ chiến thắng. Đã lâu lắm rồi người ta mới thấy Buffon khóc! Anh đã rơi lệ khi không thể chữa cháy cho sai lầm của Darmian và các đồng đội. Những hy vọng cuối cùng của tifosi cũng đổ sập theo pha ngả người đầy kinh nghiệm nhưng thiếu sự nhanh nhạy của thủ thành đã bước sang tuổi 38.

Chứng kiến giọt nước mắt của Buffon, đâu chỉ NHM Italia, đến cả các cầu thủ Đức cũng phải nhói lòng. Họ quá thấu hiểu nỗi đau của đội bóng đã kiên cường chống đỡ suốt 120 phút nhưng vẫn phải ra về vì sự kém duyên. Khoảnh khắc Muller ôm vai an ủi Buffon sau trận chính là hình ảnh đẹp nhất ở trận tứ kết đêm qua. Đó chỉ là 1 trận đấu thuộc vòng tứ kết nhưng xứng đáng là trận chung kết của những người thích sự kịch tính…

Nếu nói bàn thắng là nét đẹp của bóng đá thì trận tứ kết giữa Đức và Italia khó có thể xem là trận đấu mãn nhãn khi nó diễn ra quá chặt chẽ. Nhưng đấy lại chính là điều thú vị nhất bởi cả Đức và Italia đều thể hiện được sự khoa học, kỉ luật về đấu pháp. Họ hiểu nhau và dè dặt tới mức đã phải thay đổi chính mình để có cơ hạ đối thủ.

Chẳng bởi thế mà HLV Joachim Low đã phải cất Draxler trên băng ghế dự bị, đồng thời trao cơ hội cho Howedes và chuyển sang áp dụng sơ đồ 4-4-2. Đơn giản bởi Đức không dám mạo hiểm trước Italia, đội bóng đã thể hiện lối chơi phòng ngự - phản công vô cùng hiệu quả trước Bỉ và Tây Ban Nha.

Bên kia chiến tuyến, Antonio Conte cũng chẳng phải dạng vừa. Ông đã lường trước sự thận trọng của ĐT Đức và đã không yêu cầu các học trò chơi bùng nổ trong hiệp 1 như 2 trận gặp Bỉ và Tây Ban Nha trước đó. Bởi vậy, 45 phút hiệp 1 đã trở thành màn đấu trí của 2 nhân vật bên ngoài đường pitch. Còn trận đấu thì bản thân nó đã được định đoạt bởi thói quen của 2 đội bóng.

Thói quen của người Đức chính là sự run rẩy trong mỗi lần đụng độ Italia. Thậm chí, đến “Hoàng đế” Franz Beckenbauer còn khẳng định Đức thường đánh mất mình khi đối đầu chất quái của Italia. Trận đấu đêm qua không phải trường hợp ngoại lệ khi Đức đã phải thu mình, áp dụng 1 đấu pháp thận trọng hơn. Joachim Low chắc chắn đã phải nghiên cứu rất nhiều về bóng đá Italia khi lịch sử chứng minh rằng Đức chưa từng đánh bại Italia ở các giải đấu lớn.

Người Ý vẫn thế, luôn ngạo nghễ và hiên ngang ở thời điểm khó khăn. Khi bị dẫn bàn, đội bóng của Antonio Conte đã thể hiện được tinh thần và bản lĩnh vượt khó của mình. Họ đã khiến Đức run rẩy và mắc sai lầm bởi tình huống để bóng chạm tay trong vòng cấm của Jerome Boateng. Chỉ cần như thế là đủ để Azzurri tiếp tục nối dài mạch không thua trước Đức ở thời gian thi đấu chính thức.

Lịch sử bóng đá sinh ra Italia để chinh phục. Nhưng khi đã chinh phục được tất cả những thử thách gian nan, cam go nhất thì họ lại thất bại trong khoảnh khắc đối diện với...chính mình. Đấy là thói quen đáng buồn nhất của người Ý.

Họ đã có cơ hội thuận lợi để đánh bại ĐT Đức khi Muller và Ozil liên tiếp thất bại trên chấm 11m. Nhưng đúng ở thời điểm mà Italia nắm lợi thế, họ lại đánh mất mình như một thói quen. Kết quả, họ đã bị Đức ngược dòng trên loạt đấu súng. Thất bại này khiến người ta có cảm giác rằng người Ý chỉ thực sự lạnh lùng và tỉnh táo khi bị đẩy vào thế khó khăn mà thôi. Nó cũng giống với hình ảnh của họ ở 2 kì EURO gần nhất, bị đánh giá thấp, chơi bùng nổ nhưng rốt cuộc vẫn không thể đi tới tận cùng niềm vui.

Cũng bởi thói quen ấy mà Italia đã có tới 7 lần thất bại trên loạt đấu súng cân não ở các giải đấu chính thức, hơn bất cứ đội bóng nào khác. Nhắc tới thất bại nổi tiếng nhất của Azzurri trên chấm 11m, phải kể tới cú sút hỏng ăn của Roberto Baggio khiến họ tuột chiếc cúp vàng thế giới 1994 vào tay Brazil.

Người Ý đã phải về nước vì thói quen đáng buồn của mình nhưng họ có thể ngẩng cao đầu rời cuộc chơi bởi tinh thần hiên ngang, ngạo nghễ của mình trên đất Pháp. Nói như HLV Antonio Conte, Italia chẳng có gì phải hổ thẹn khi thất bại trên loạt đấu súng cả. Hãy cứ coi đó là tiếng nói của định mệnh.

Sau cùng thì màn so tài giữa Đức và Italia vẫn vậy, kịch tính, nóng bỏng và nghẹt thở chẳng khác lịch sử đối đầu giữa họ. Tất cả được tạo nên bởi thói quen dường như đã trở thành bản sắc của họ…

(Bongdaso)

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/euro-2016/du-am-tran-duc-vs-italia-nhu-mot-thoi-quen-293-190603.html