Dự án ALMA chậm tiến độ và dấu hỏi về chủ đầu tư

Trong nhiều thông tin quảng bá về ALMA, người đàn ông được cho chủ sở hữu dự án này là một tỷ phú thế giới, tuy nhiên, trong bảng thống kê các tỷ phú thế giới vừa được công bố Tạp chí Forbes đã không nhắc tên nhân vật này.

Dự án của ALMA đang chậm tiến độ so với gì đã quảng cao

Dự án của ALMA đang chậm tiến độ so với gì đã quảng cao

Cùng với đó, nhiều thông tin liên quan đến hoạt động của Công ty Vịnh Thiên Đường (ALMA) ngày ccàng bộc lộ rõ nhiều vấn đề khúc mắc, bất thường.

Dự án nhiều sao vẫn chưa thể hoạt động?

“Timeshare” là loại hình kinh doanh theo mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng trong lĩnh vực du lịch đã có nhiều năm ở các nước phát triển. Thuật ngữ này có nghĩa là thời điểm chia sẻ (tạm gọi là sở hữu kỳ nghỉ) là tài sản có một hình thức sở hữu hoặc quyền sử dụng cụ thể.

Những tài sản này thường là các căn hộ chung cư cao cấp trong đó nhiều bên có quyền sử dụng tài sản và mỗi người chia sẻ được phân bổ một khoảng thời gian (thường là tuần và hầu như luôn luôn như nhau mỗi năm) trong đó họ có thể sử dụng tài sản.Các đơn vị có thể có quyền sở hữu một phần, thuê hoặc “quyền sử dụng” trong đó người chia sẻ không có quyền sở hữu tài sản.

Tuy nhiên, hình thức kinh doanh dịch vụ du lịch mới mẻ này tại Việt Nam có theo đúng nghĩa của nó hay không?

Khảo sát thị trường này cho thấy, Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (ALMA) đã tiên phong tạo cơ hội đó cho người tiêu dùng Việt Nam nhưng hình thức đầu tư lại không rõ ràng, mập mờ, khó hiểu và gặp rất nhiều phản ứng của khách hàng sau khi ký Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với ALMA.

Dự án khu nghỉ dưỡng của ALMA tại Khánh Hòa đang chậm rất nhiều so với tiến độ

Phần lớn khách hàng đều hoang mang sau khi đặt bút ký vào Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của ALMA và khi đưa ra đề nghị về việc chấm dứt Hợp đồng đều được ALMA trả lời tiền đã nộp vào là không lấy lại được !

Hiện nay, ALMA vẫn tích cực tiếp cận với khách hàng quảng bá rầm rộ về Dự án theo mô hình sở hữu kỳ nghỉ tại Bãi Dài, Cam Ranh, Khánh Hòa với hàng loạt các cơ sở hạ tầng qui mô và hiện đại để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp của khách hàng.

Tuy nhiên, trên thực tế tiến độ của Dự án hết sức chậm chạp, trên trang web của ALMA cập nhật đến tháng 01/2017 công trình xây dựng khiêm tốn với hạng mục ở phần thô lên sàn tầng 3, 4 của tòa nhà chính.

Với tiến độ như vậy liệu ALMA có thể gấp rút hoàn thành ALMA Resort với 200 biệt thự và 400 căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp với tổng số tiền đầu tư 300 triệu đô la như dự kiến vào năm 2018? Điều đó đồng nghĩa với việc khách hàng chưa nhìn thấy những tài sản mà mình có quyền sử dụng theo “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với ALMA” và luôn trong tâm trạng lo lắng vì nguy cơ “mất trắng” số tiền đã nộp cho ALMA!

Chân dung tỷ phú thế giới "rót" tiền vào ALMA

Theo thông tin được ALMA khẳng định và cung cấp cho báo chí, nhà đầu tư lớn nhất của Dự án của ALMA là ông Igal David Ahouvi (Igal Ahouvi), tỉ phú Israel.

Tuy nhiên khi chúng tôi tìm hiểu thông tin về vị tỉ phú người Israel này trên trang web Forbes.com là một trang web quốc tế uy tín tạo ra nhiều danh sách với nhiều chủ đề khác nhau trong đó có Danh sách tỉ phú thế giới thì thông tin về ông Igal Ahouvi không hiển thị bất cứ một thông tin, dữ liệu nào.

Trên trang của Forbes hoàn toàn không có thông tin về ông chủ của ALMA

Cũng trên trang Forbes, chúng tôi có thể tìm kiếm và thấy ngay việc Forbes cập nhật Danh sách tỉ phú đô la của thế giới người Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng - ông chủ tập đoàn Vin Group trên giao diện này của Forbes.

Trong khi đó thông tin về ông Phạm Nhật Vượng lại hết sức đầy đủ

Như vậy, có thể thấy rằng một phần thông tin về tỉ phú Israel Igal Ahouvi là không có thật như ALMA đã cung cấp thông tin với truyền thông và khách hàng của mình.

Việc tự phong danh hiệu tỉ phú thế giới Israel Igal Ahouvi chỉ là “chém gió” của ALMA gây niềm tin rất lớn cho khách hàng về chủ đầu tư có năng lực tài chính lớn mạnh để dễ dàng “xuống tiền” với một khoản “đặt cọc” không nhỏ từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng tiền Việt Nam và ký Hợp đồng trong thời gian ngắn.

Chỉ sau khi khách hàng đọc kỹ lại Hợp đồng mới thấy mình bị “hớ” vì những điều khoản “có một không hai” đặc biệt là việc khách hàng không có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng hoặc những điều khoản hạn chế quyền khiếu nại và khởi kiện của khách hàng!

Quá trình tìm hiểu được biết, ALMA là Công ty kinh doanh dịch vụ du lịch theo mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” của nước ngoài. Tuy nhiên, Dự án của Alma trên thực tế chưa hoàn thành (trong tương lai quí IV/2018). Do đó, theo qui định của pháp luật hiện hành, ALMA chưa được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản có trong Dự án này khi đảm bảo các điều kiện nhất định.

Vì vậy, trường hợp khách hàng muốn hủy hợp đồng và yêu cầu ALMA bồi thường thiệt hại theo luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội, là hoàn toàn có căn cứ khi chứng minh được các dấu hiệu lừa đảo của nhân viên ALMA. Việc vi phạm các cam kết của ALMA với khách hàng chính là vi phạm các cam kết đối với người tiêu dùng cho những sản phẩm dịch vụ ALMA sẽ cung cấp trong “tương lai”. Do đó khách hàng có quyền yêu cầu hoàn trả số tiền đã nộp và bồi thường thiệt hại trong trường hợp ALMA cố tình không hợp tác.

Ngoài ra, Hợp đồng ALMA ngay từ tên gọi “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” là có dấu hiệu không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng vì tưởng đây là một loại hình kinh doanh bất động sản để đầu tư sinh lợi nên ký Hợp đồng nhưng bản chất đây chỉ là Hợp đồng kinh doanh dịch vụ du lịch thông thường. Khách hàng hoàn toàn không có quyền sở hữu đối với các căn hộ cho thuê trong thì tương lai này.

Cũng theo các luật gia, đã đến lúc cơ quan quản lý tại địa phương như UBND tỉnh Khánh Hòa cần có chỉ đạo kịp thời Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Khánh Hòa kiểm tra Dự án và yêu cầu ALMA giải quyết đảm bảo quyền lợi của khách hàng đã ký Hợp đồng có khiếu kiện.

Ngày Nay tiếp tục cập nhật thông tin.

Ngọc Cương

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/dia-oc/du-an-alma-cham-tien-do-va-dau-hoi-ve-chu-dau-tu-42728.html