Dự án BOT giao thông: Nhận diện bất cập, tìm hướng giải quyết

Mang lại cho bộ mặt giao thông Việt Nam một diện mạo mới nhưng các dự án BOT giao thông cũng vấp phải sự phản đối của nhiều người dân và DN đồng thời bộc lộ không ít bất cập. Để có cái nhìn tổng quát về vấn đề này, ngày 5.9 báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.

Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: K.H

- Trong họp báo Chính phủ ngày 29.8.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo kiên quyết không để vấn đề BOT tiếp tục gây bức xúc trong dư luận. Để thực hiện chỉ đạo này, Bộ GTVT sẽ triển khai những biện pháp như thế nào?

Triển khai thu hút đầu tư theo hình thức BOT giai đoạn vừa qua theo đánh giá của nhiều cơ quan nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực, sự đồng tình nhất định của người dân, bên cạnh đó cũng đã bộc lộ các bất cập. Với trách nhiệm là quản lý nhà nước ngành GTVT, Bộ GTVT đã nhận diện rõ các bất cập của các dự án BOT và báo cáo Thủ tướng các giải pháp xử lý như tổ chức quyết toán các dự án, rà soát phương án tài chính các dự án phù hợp với điều kiện thực tế, điều chỉnh mức giá đảm bảo hài hòa lợi ích các bên đồng thời rà soát phương án thu giá dịch vụ, nghiên cứu giải pháp giảm giá đối với các phương tiện xung quanh trạm thu phí để giảm bớt sự mất công bằng của hình thức thu phí lượt.

Bộ đang thúc đẩy triển khai hệ thống thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tự động không dừng, đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát doanh thu thu phí tại các trạm BOT và tăng cường công tác tuyên truyền đảm bảo công khai minh bạch để người dân dễ dàng giám sát, kiểm tra; tạo được sự đồng thuận của người dân.

Ngoài ra, bộ tiếp tục đề xuất, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ưu tiên sửa đổi, hoàn chỉnh các thể chế, chính sách về đầu tư PPP..., đặc biệt là ban hành chính sách, cơ chế tạo nguồn vốn dài hạn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Trong thời gian tới, bộ sẽ chỉ kêu gọi đầu tư các công trình xây dựng mới. Đối với các tuyến đường hiện hữu trường hợp thực sự cấp bách, cần triển khai quy trình tham vấn lấy ý kiến của UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Hiệp hội vận tải và chỉ triển khai khi có sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan.

- Thưa ông tới nay, việc quyết toán để công khai minh bạch các dự án BOT được triển khai tới đâu?

Trong năm 2017, các nhà đầu tư trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thỏa thuận quyết toán 57/58 dự án BOT, còn lại một dự án và một số hạng mục đang trong thời hạn lập báo cáo quyết toán theo quy định. Các Ban QLDA đã kiểm tra quyết toán trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền được 55/57 dự án, còn hai dự án Ban QLDA đang kiểm tra trình Bộ trong tháng 9. Các cơ quan có thẩm quyền đã tích cực tổ chức thẩm tra, thỏa thuận quyết toán hoàn thành, có 54/55 dự án đã được thỏa thuận giá trị quyết toán (trong đó có hai dự án thỏa thuận theo hạng mục).

Trong năm 2017, KTNN lập kế hoạch thực hiện việc kiểm toán đối với 24 Dự án BOT. Đến nay, đã có 13 Dự án đã thực hiện xong việc kiểm toán và đã có kết luận; còn 4 dự án KTNN đã thực hiện chưa có kết luận; 4 dự án đang thực hiện việc kiểm toán, còn lại 3 dự án chưa thực hiện kiểm toán. Đối với 13 dự án đã có kết luận chính thức, Bộ GTVT đã ban hành các văn bản triển khai, yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của KTNN.

- Trong những ngày qua, một số trạm thu phí như ở trạm số 1 trên QL5 có hiện tượng người dân sử dụng tiền lẻ để buộc phải xả trạm, ông đánh giá thế nào về vấn đề này và Bộ có hướng xử lý ra sao?

Trước hết, xin khẳng định việc tổ chức thu phí trên quốc lộ 5 là đúng quy định, mức phí áp dụng đã được Bộ Tài chính phê duyệt và việc người dân dùng tiền lẻ qua trạm là không vi phạm pháp luật và được đơn vị thu phí chấp thuận. Để tránh ùn tắc, Ban Quản lý trạm thu phí sẽ phối hợp với lực lượng chức năng phân luồng phương tiện đỗ vào làn riêng và bố trí người đếm tiền, phát vé cho chủ phương tiện.

Bộ cũng đã chỉ đạo Tổng Cục Đường bộ làm việc với các địa phương để rà soát lại mức độ ảnh hưởng của các trạm thu phí trên cả nước với người dân sống trong phạm vi từ 3-5km quanh trạm để từ đó có đề xuất miễn giảm phí cho phù hợp.

- Bên cạnh việc giải quyết nóng các bất cập, dư luận, các chuyên gia cũng như nhiều quan chức Bộ GTVT cho rằng cần thiết phải sớm xây dựng luật BOT, xin ông cho biết khi nào Luật được hình thành?

Như các bạn đã biết, quy định đầy đủ nhất hiện nay điều chỉnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư mới dừng lại ở dạng văn bản quy phạm pháp luật là nghị định của Chính phủ, trong khi lĩnh vực này cũng bị điều chỉnh bởi nhiều quy định trong các luật khác nên tính ổn định của chính sách không cao.

Nhiều văn bản quy định không cụ thể dẫn đến nhiều cách hiểu, thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các quy định pháp luật có liên quan với đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT gây rất nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư.

Những hạn chế trên đây làm cho hình thức đầu tư BOT/PPP, vốn phức tạp hơn đầu tư công truyền thống, càng gặp khó khăn khi triển khai trên thực tế.

Vừa qua Bộ GTVT đã nhận diện được một số bất cập (đã có nhiều văn bản kiến nghị), Bộ GTVT đã và đang phối hợp với các cơ quan xây dựng luật để góp ý, hoàn thiện thể chế chính sách.

Xin cảm ơn ông!

Khánh Hòa

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/du-an-bot-giao-thong-nhan-dien-bat-cap-tim-huong-giai-quyet-563589.ldo