Dự án “Công viên hoa” đang gặp khó

KTĐT - Với kỳ vọng xây dựng một "công viên hoa" giữa lòng Thủ đô, năm 2004, dự án vùng trồng hoa Tây Tựu đã chính thức được UBND thành phố phê duyệt. Đây là dự án duy nhất của ngành nông nghiệp Thủ đô được lựa chọn chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa có mặt bằng để triển khai dự án. Liệu dự án "công viên hoa" giữa lòng thành phố có kịp “đến” với Đại lễ khi thời gian chỉ còn chưa đầy một năm?

Kỳ vọng ở “Công viên hoa” Với mong muốn giữ lại cho Thủ đô ngàn năm tuổi một vùng trồng hoa vừa truyền thống, vừa hiện đại, mang dáng dấp của một "Công viên hoa" giữa lòng thành phố, năm 2004, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án xây dựng khu trồng hoa hàng hóa tập trung với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Sau khi có quyết định phê duyệt dự án, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định giao cho UBND huyện Từ Liêm làm chủ đầu tư thực hiện. Toàn bộ dự án nằm trong địa giới xã Tây Tựu và một phần thuộc xã Liên Mạc với tổng diện tích 526ha, gồm nhiều tiểu dự án như: Quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống điện, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi, các dự án về khuyến nông như tổ chức tập huấn, hỗ trợ, triển khai các giống mới cho nông dân vùng hoa. Đặc biệt, dự án dành ra 10ha để thực hiện phần quan trọng nhất, được coi là điểm nhấn để nâng tầm cho cả vùng hoa, biến Tây Tựu trở thành "Công viên hoa" giữa lòng thành phố, là tiểu dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo quản hoa. Tiểu dự án này do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) là chủ đầu tư. Theo ông Nguyễn Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc HADICO: Mục tiêu của tiểu dự án này hình thành khu công nghệ cao để sản xuất hơn 50 triệu cây hoa giống với công nghệ tiên tiến từ quy trình trồng đến thu hoạch và bảo quản. Bên cạnh đó, dự án còn thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ cho cả vùng hoa về cây giống, kỹ thuật, đào tạo nghề và xúc tiến tiêu thụ. Dự án hoàn thành sẽ góp phần cải thiện chất lượng và nâng cao giá trị cho hoa Tây Tựu phục vụ người tiêu dùng trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Để thực hiện được mục tiêu trên, chủ đầu tư sẽ tiến hành nhập khẩu, khảo nghiệm các giống hoa cao cấp của nước ngoài và tuyển chọn ra bộ giống hoa thích hợp ở Việt Nam nói chung, vùng hoa Tây Tựu nói riêng. Từ đó áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cây giống, cung ứng cho toàn bộ vùng hoa hơn 500ha của Tây Tựu. Chủ đầu tư sẽ xây dựng hàng loạt công trình phụ trợ như phòng nuôi cấy mô, nhà lưới, nhà kính, phân xưởng bảo quản và đóng gói hoa với công suất 30 triệu bông/năm. Ngoài ra, dự án còn trồng hoa thương phẩm ngoài đồng với quy mô 3,5ha nhằm chuyển giao công nghệ và tập huấn kỹ thuật cho nông dân, đồng thời dành 5.000m2 cho sản xuất hoa chậu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đây là dự án duy nhất của ngành nông nghiệp Hà Nội được UBND thành phố lựa chọn để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội Cần sự ủng hộ từ nhiều phía Đến thời điểm này, khi mà chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các tiểu dự án như nâng cấp đường điện, lắp đặt các trạm biến áp, cải tạo hệ thống thủy lợi đã cơ bản thực hiện xong. Tiểu dự án nâng cấp hệ thống giao thông vùng hoa cũng đang được khẩn trương hoàn thành. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất của dự án là tiểu dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo quản hoa do HADICO làm chủ đầu tư hiện vẫn đang bị chậm tiến độ do khâu giải phóng mặt bằng gặp khó. Dù phương án đền bù, GPMB đã được hoàn tất nhưng mới chỉ có hơn 50% số hộ dân nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Nguyên nhân là do từ khi có Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ về bổ sung giá đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư… thì nhiều hộ dân có ý "nghe ngóng" chờ chính sách mới, không chịu nhận tiền đền bù, cho dù chính quyền địa phương và nhà đầu tư đã vận động, giải thích nhiều lần. Nhà đầu tư như "ngồi trên đống lửa" bởi tất cả đã ở chặng nước rút. Theo chủ đầu tư, để có sản phẩm phục vụ đúng dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì trước đó 6 tháng (tức là khoảng tháng 4-2010), Công ty đã phải đưa hoa vào gieo trồng, nếu không thì chẳng có phép màu nào để chỉ trong 1-2 tháng đã có được một lứa hoa như mong muốn. Đại diện nhà đầu tư cho rằng, nếu nhận được mặt bằng, họ phải huy động tổng lực, cùng một lúc đồng loạt khẩn trương triển khai các tiểu dự án như xây dựng hạ tầng, lắp đặt thiết bị, nhập khẩu giống… mới kịp tiến độ. Thực tế, đây là một dự án không chỉ mang ý nghĩa chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà còn là điểm tựa cho sự phát triển bền vững của một vùng hoa lớn nhất của thành phố. Thành công của dự án sẽ mở ra nhiều cơ hội làm giàu cho nông dân trong vùng. Do đó, rất cần sự đồng thuận, chia sẻ của người dân có đất nằm trong dự án và sự kiên quyết trong công tác GPMB của chính quyền địa phương. Trí Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=55&newsid=180640