Dự án đường sắt nghìn tỉ bỏ hoang: Quảng Ninh mong muốn gì?

Nếu dự án đường sắt này hoàn thiện, cùng với dự án cảng hàng không Vân Đồn và các dự án đường cao tốc chuẩn bị đi vào hoạt động thì vị thế của Quảng Ninh khác hẳn.

“Nếu dự án đường sắt này hoàn thiện, cùng với dự án cảng hàng không Vân Đồn và các dự án đường cao tốc chuẩn bị đi vào hoạt động thì vị thế của Quảng Ninh khác hẳn, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc của địa phương. Vì vậy Quảng Ninh rất mong muốn tuyến đường sắt này được tiếp tục triển khai”, ông Vũ Văn Hợp – Chánh văn phòng, Người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Ninh mới đây cho biết.

Cũng theo ông Hợp, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều văn bản kiến nghị và tại các cuộc làm việc khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ về làm việc tại Quảng Ninh gần đây cũng đề cập đến vấn đề này.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa biết Chính phủ có đồng ý cho tiếp tục triển khai dự án này hay không.

Việc dừng triển khai tiếp dự án đường sắt Hạ Long – Hà Nội đang gây ra sự lãng phí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho đất nước và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hộ dân đang sinh sống xung quanh dự án.

Theo ông Đại trưởng ga Hạ Long, hệ thống đường sắt không đồng bộ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vắng khách như hiện nay. Ảnh: Lê Cường

Ông Hoàng Quang Hải – Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết, trước năm 2011, UBND TP Hạ Long đã phải đo, vẽ, kiểm kê, lập phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với 721 hộ dân có đất đai nằm trong phạm vi dự án, trong đó đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 615 hộ dân.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, Ban quản lý dự án không giải ngân cho UBND TP chi trả cho người dân, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của trên 600 hộ dân trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, người dân vô cùng bức xúc do không thể xây, sửa chữa nhà vì không biết đến khi nào dự án mới tiếp tục thực hiện và có thực hiện nữa hay không.

Nhà thì xuống cấp dột và ngấm nước, nay ở cũng không yên mà đi cũng không xong. Nếu không triển khai tiếp thì TP phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chúng tôi theo quy định, chứ cứ như hiện nay cuộc sống của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, Ông N.V.H, phường Đại Yên, TP. Hạ Long bức xúc nói.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ngoài 2 tiểu dự án là Ga Cái Lân và Ga Hạ Long đã hoàn thiện, còn tiểu dự án 3 là xây dựng, hoàn thiện hệ thống hành lang đường sắt, hệ thống thoát nước của đoạn tuyến đi qua địa bàn TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chưa hoàn thiện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến địa phương nơi dự án đường sắt đi qua.

Ông Hoàng Quang Hải cũng cho biết thêm, mong muốn của TP Hạ Long là dự án đường sắt nêu trên tiếp tục được hoàn thiện để đưa tuyến đường sắt này vào khai thác, nâng cao hiệu quả dự án, giải quyết dứt điểm những kiến nghị của người dân nằm trong vùng dự án đang bị "treo" suốt nhiều năm qua.

Hơn nữa, cảng biển khu vực Quảng Ninh những năm qua dư thừa khá nhiều năng lực khai thác. Cả cụm cảng có 6 cầu bến, với khả năng khai thác hơn 12 triệu tấn/năm, nhưng hiện mới khai thác khoảng hơn 7 triệu tấn. Lý do cụm cảng Quảng Ninh vắng khách không gì khác do kết nối vận tải yếu, trong đó không loại trừ do tuyến đường sắt chưa hoàn thiện.

Ông Bùi Quang Đạo - Tổng giám đốc Công ty CP cảng Quảng Ninh bày tỏ: “Bất lợi cho cảng là đường sắt đã được nối vào cảng nhưng lại chưa thông. Nếu đường sắt được kết nối tốt sẽ giúp thuận lợi hơn cho cảng trong việc thu hút hàng hóa”.

Những bất cập trong hệ thống đường sắt này đang gây ra sự lãng phí hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước trong những năm qua và khiến cuộc sống của biết bao hộ dân sống quanh dự gặp khó khăn vì những căn nhà xuống cấp mà không thể sửa chữa.

Giải pháp nào cho những bất cập trên? Câu hỏi đang rất cần các nhà quản lý vào cuộc để tháo gỡ.

Trước đó, như DĐDN đã đưa tin, tuyến đường sắt Hạ Long – Hà Nội với chiều dài 113 km có 6 đường ray chờ, với công suất đón tiễn đạt 12 chuyến/ngày. Với việc đầu tư 7.000 tỉ đồng, tập trung thi công xây dựng tuyến đường và các nhà ga đến năm 2014, tuyến đường sắt này đã hoàn tất, đi vào hoạt động.

Tuy nhiên trái ngược với kì vọng ban đầu, tuyến đường sắt này hiện nay gần như không có hàng hóa và hành khách lưu thông. Nguyên nhân là do: Đường sắt ở đây chạy khổ 1,435mm nên chỉ chạy lên được Yên Viên (Hà Nội) hoặc Kép (Bắc Giang). Muốn chuyên chở hàng hóa cũng khó vì toàn quốc đang sử dụng khổ ray 1,000mm, phải mất thêm chi phí bốc xếp chuyển toa.

Cũng chỉ vì đường ray không đồng bộ mà quãng đường từ ga Hạ Long lên đến Yên Viên (Hà Nội) phải đi qua gần 20 ga lớn nhỏ, mất hơn 7 giờ do phải dừng chuyển tàu nhiều lần. Trong khi đó, cũng quãng đường ấy, đi ôtô chỉ mất hơn 3 giờ. “Chỉ mong sao toàn tuyến nhanh chóng được đồng bộ với khổ ray trên toàn quốc, rồi nâng cấp đoàn tàu để giảm thiểu thời gian chạy tàu lúc đấy may ra mới có khách” - ông Nguyễn Đức Đại, Trưởng ga Hạ Long xót xa.

Theo Enternews

Nguồn ANTT: http://antt.vn/du-an-duong-sat-nghin-ti-bo-hoang-quang-ninh-mong-muon-gi-208249.htm