Dự án nước sạch 90 tỷ ở Hà Nam: Bắt quả tang nhà máy nước sạch Đồng Du xả thải ra môi trường

Không chỉ gây khó khăn cho đoàn kiểm tra, trong quá trình vận hành cán bộ nhà máy nước sạch Đồng Du còn xả thải trực tiếp ra ruộng lúa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân cư.

Liên quan đến việc Hà Nam đầu tư 90 tỷ đồng để xây dựng nhà máy nước sạch cung cấp nước cho 5 xã: Đồng Du, Tràng An, Bình Nghĩa, Đồn Xá, An Mỹ của huyện Bình Lục (Hà Nam), thế nhưng dự án này đang có nguy cơ “vỡ trận” vì nhiều người dân từ chối sử dụng nguồn nước này.

Nhiều hộ dân ở đây chỉ sử dụng nước sạch do nhà máy nước cung cấp để rửa ráy tay chân và giặt giũ quần áo. Nước sạch chỉ được người dân dùng để ăn khi nguồn nước mưa (nước được hứng để dùng sau mỗi cơn mưa - PV) cạn kiệt.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân từ chối dùng nước sạch mà nhà máy cung cấp là do nguồn nước này thường xuyên bị nhiễm cặn đục, bẩn, kèm theo mùi lạ.

Trước thực trạng này, ông Vũ Văn Tịnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục cho biết, người dân phản ánh là có cơ sở.

UBND huyện bắt quả tang nhà máy nước sạch Đồng Du xả thải ra ruộng lúa.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, trực tiếp ông Tịnh đã dẫn đoàn công tác của UBND huyện đi kiểm tra. Bước đầu kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện ra nhà máy nước sạch Đồng Du xả thải trực tiếp ra ruộng lúa của dân.

Đoàn công tác đã lập biên bản đối với hành vi này, đồng thời yêu cầu nhà máy chấm dứt việc xả thải.

“UBND huyện có văn bản lên Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường và cả Sở NN&PTNT Hà Nam yêu cầu chỉ đạo các công ty nước sạch cung cấp nước đảm bảo cho nhân dân địa phương. Quá trình kiểm tra phát hiện nhà máy nước sạch Đồng Du xả thải ra ruộng lúa, chúng tôi đã lập biên bản yêu cầu chấm dứt ngay…”, ông Tịnh nói.

Cũng theo ông Tịnh, nước sạch cấp cho dân nếu mang đi xét nghiệm thì nhiều thông số sẽ không đạt. Bởi, chính kết quả kiểm tra giám sát chất lượng nước ăn uống sinh hoạt tại các nhà máy mà Trung tâm y tế dự phòng (Sở Y tế Hà Nam) gửi về UBND huyện Bình Lục và các nhà máy nước cho thấy các thông số đánh giá chất lượng nước sạch không đạt tiêu chuẩn.

Liên quan đến vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Đạt - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam cho rằng, quan điểm của Sở là không cần quan tâm đầu vào của nguồn nước. Nguồn nước vào có bẩn đến bao nhiêu, nhưng khi qua hệ thống xử lý của nhà máy thì nước phải đạt chuẩn. Nếu nước sạch không đạt chuẩn thì trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp, Sở sẽ xử phạt doanh nghiệp nếu để xảy ra nước bẩn mà dân không dùng được.

“Nước đầu vào bẩn bao nhiêu thì bẩn nhưng đầu ra thì phải sạch. Nước sạch nhiễm bẩn trách nhiệm thuộc Công ty, trường hợp để xảy ra nước bẩn Sở sẽ xử phạt doanh nghiệp”, ông Đạt nói.

Trái ngược với quan điểm trên, ông Tạ Đức Thắng - Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường (thuộc Sở NN&PTNT Hà Nam) lại cho rằng, ông Đạt - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam nói năng thiếu hiểu biết và phủi trách nhiệm.

“Anh Đạt nói câu đấy có nghĩa là ông cứ xả ra thoải mái rồi ông bắt tôi xử lý nước phải đạt chuẩn. Ông quản lý nhà nước mà lại nói một câu phủi như thế, nếu như 1 người hiểu biết không thể nói câu đó. Người ta sẽ đánh giá ngay trình độ của người nói câu đấy. Dù anh Đạt là sếp của tôi thật…”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, trách nhiệm xử lý nước sạch thuộc về nhiều cơ quan liên quan khác nhưng dường như tất cả trách nhiệm về nước sạch ở Hà Nam bị các cơ quan dồn hết trách nhiệm về Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường. Bản thân ông đã nhiều ngày nay đã phải trả lời chất lượng nguồn nước trước Hội đồng nhân dân tỉnh.

Đỗ Lực

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ha-nam-bi-cap-duoi-noi-thieu-hieu-biet-giam-doc-so-nnptnt-khang-dinh-se-xu-ly-nghiem-2017062814231095.htm