Dự án Thanh Hà – Cienco 5: Dân đi tìm chủ đầu tư để đòi quyền lợi

Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 (phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội) được khởi công từ đầu năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng hoàn toàn bởi còn hơn 20 hộ dân chưa đồng thuận phương án đền bù.

Nhiều ha đất của người dân trước nay vẫn canh tác đang để hoang hóa…

Dọa nạt dân để cho đơn vị thi công?

Một số hộ dân ở tổ 17, 18, 19, 20, 21 và 22 phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội vẫn chưa đồng thuận với phương án đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án Thanh Hà – Cienco 5.

Từ năm 2010, các hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất đã có ý kiến rằng, chủ đầu tư phải trực tiếp đến để đối thoại, đàm phán với người dân về việc 95% người dân không đồng ý lấy đất dịch vụ; giá cả đền bù cần theo quy định mới của pháp luật, đồng thời phải được thương thảo tại thời điểm lấy đất…

Ông Nguyễn Duy Toàn (tổ 18, phường Phú Lương) cho biết: những ý kiến trên đã được người dân kiến nghị lên UBND quận Hà Đông nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, UBND quận Hà Đông đã ban hành các quyết định thu hồi khiến người dân càng bức xúc.

Theo ông Toàn, liên tục xuất hiện nhiều nhóm thanh niên lạ mặt đến dọa nạt, thậm chí hành hung người dân để cho đơn vị thi công san lấp phần đất mà các hộ dân đang quản lý và sử dụng, khiến người dân hoang mang.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Quý - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương cho biết: Dự án đường trục phía Nam Hà Nội (hay còn gọi là dự án đô thị Thanh Hà – Cienco 5) được thực hiện theo hình thức BT, do Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư với tổng diện tích bị thu hồi để phục vụ dự án là 103ha. Có hơn 1.000 hộ dân thuộc Hợp tác xã Bắc Lãm A và Hợp tác xã Vạn Xuân thuộc diện bị thu hồi đất.

“Khoảng 3, 4 năm qua, một số hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất trong dự án Thanh Hà – Cienco 5 phản ứng gay gắt, khiếu kiện về vấn đề này. Nhưng hiện tại, hầu hết các hộ dân đều đã đồng thuận, bàn giao và nhận tiền đền bù, chỉ còn hơn 20 hộ dân chưa đồng ý. UBND phường đã nhiều lần tổ chức đối thoại, nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ phía người dân. Việc đền bù giải phóng mặt bằng đều được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và của UBND TP Hà Nội. Chính sách và mức giá đền bù cũng được thực hiện theo quy định mà UBND TP đưa ra”, ông Quý cho hay.

Cần tiếp tục đối thoại với dân để làm rõ phương án bồi thường

Luật sư Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Người dân cảm thấy bức xúc một phần là vì hầu hết họ sinh sống dựa vào nghề nông. Nhiều ha đất của người dân trước nay vẫn canh tác đang để hoang hóa, hoặc nếu có làm cũng chỉ mang tính tạm thời, cầm chừng… Nhiều người dân tiếc của tiếp tục trồng trọt thì bị ngăn cản không cho thu hoạch hoặc bị phá hoại. Mặt khác, họ nhận thấy mức đền bù chưa thỏa đáng, việc tính toán và lên phương án bồi thường chưa rõ ràng, minh bạch.

“Đây là một dự án trọng điểm của Hà Nội, nên chính quyền địa phương  (UBND quận Hà Đông, UBND phường Phú Lương) cần tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân để làm rõ các vấn đề. Trong trường hợp cần thiết có thể mời đại diện chủ đầu tư đến để trao đổi với người dân”, Luật sư Tuấn nói.

Được biết, sau 9 năm triển khai dự án, đường trục phía Nam Hà Nội mới chỉ xây dựng được 12km/41km theo cam kết. Dù phần lớn tuyến đường vẫn còn dang dở nhưng khu đất được doanh nghiệp khai thác để làm vốn đối ứng đã sang tên, đổi chủ và đang có nguy cơ “phá sản” khi kết luận mới của Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan, đánh giá lại năng lực nhà đầu tư để quyết định triển khai dự án.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Toàn (tổ 18, phường Phú Lương) cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ dự án nhưng phải cho chúng tôi đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư về mức giá bồi thường, nhằm thể hiện tính minh bạch khi lấy đất của dân để thực hiện dự án kinh doanh thương mại. Đồng thời cơ quan chức năng cần thực hiện đúng trình tự thu hồi đất và quy trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định pháp luật. Đối với khu đất tại kênh Thượng, xã Phú Lương, người dân đề nghị trả lại hiện trạng ban đầu, bồi thường thiệt hại về hoa màu các vụ mùa hàng năm bởi UBND quận Hà Đông đã cưỡng chế để làm đường mà không hề có thông báo thu hồi cho người dân.

Trường Lưu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//tieng-noi-da-chieu/du-an-thanh-ha-cienco-5-dan-di-tim-chu-dau-tu-de-doi-quyen-loi-351047.html