Dự án xây nhà tang lễ ở Hải Phòng: Nên nghe ý kiến nhiều chiều

“Nghĩa tử là nghĩa tận” vốn là những việc làm mang tính đạo lý truyền thống của người Việt từ xưa đến nay. Nhưng tại Hải Phòng, một dự án lớn đang được triển khai với mục đích phục vụ cho những người lìa trần (Nhà tang lễ thành phố) lại không được người đang sống xung quanh khu vực dự án triển khai đồng tình ủng hộ.

Có quá nhiều ý kiến trái ngược nhau, tựu trung thành 2 quan điểm: Người sống hãy vì người chết hay là cần quan tâm hơn đến người đang sống? Nhà tang lễ mới và tính cấp thiết Từ bao nhiêu năm qua, khi khu vực Bệnh viện (BV) Việt - Tiệp chưa phải là trung tâm thành phố thì phía Bắc tiếp giáp với đường Trần Nguyên Hãn đã có một Nhà tang lễ của thành phố (TLTP). Do bối cảnh điều kiện hạn chế về quy hoạch và xây dựng, gọi là Nhà tang lễ nhưng chẳng khác gì một căn phòng rỗng có diện tích chừng 50m2 nằm tiếp giáp với nhà bảo quản thi hài (thường gọi là nhà xác) của BV Việt - Tiệp. Nhưng chỉ ít lâu sau đó, đô thị Hải Phòng đã phát triển rất nhanh, trục đường Trần Nguyên Hãn chỉ dài khoảng 500m thôi đã trở thành một trong những đường trục trung tâm quan trọng nhất nội thành, có mật độ dân cư đông đúc, giao cắt với nhiều tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, các phố trung tâm, khu vực công cộng như ngã tư An Dương, ngã ba Cát Dài, ngã tư Tam Bạc và ngã ba Chợ Sắt. Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này thường xuyên trong tình trạng ùn tắc liên tục vào giờ cao điểm hoặc mỗi khi có tàu hỏa chạy ngang qua. Đặc biệt, hầu như ngày nào cũng có tang chủ cử lễ tại Nhà TLTP. Mỗi lần như vậy, nhạc hiếu, cờ tang, tiếng than khóc thảm thương, những vòng hoa ai điếu... hòa lẫn thành không khí u buồn, ảm đạm cả đoạn phố. Không những thế, việc di chuyển của "đoàn tang" đương nhiên là phải thao tác chậm rãi, cẩn trọng theo nghi lễ đã làm gia tăng tính bức bối trên phương diện trật tự giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa xã hội của người dân trong khu vực. Chính vì vậy, từ năm 2003, UBND TP đã có ý định quy hoạch lại khu vực xây dựng Nhà TLTP với quy mô lớn và hạn chế tất cả những nhược điểm nêu trên. Thành phố xác định, dự án tuy không nhằm vào mục tiêu kinh tế những cũng đáng để gọi là dự án trọng điểm, giao cho các ngành hữu quan cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trên mọi phương diện trước khi đề xuất thành phố phê duyệt triển khai. Phải có cách tác động đến lòng dân Đến tháng 6/2009, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của các ngành chức năng, UBND TP đã có quyết định Quyết định số 1178 phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng nhà TLTP với tổng trị giá 11,682 tỷ đồng trên diện tích 1.718m trong khuôn viên BV Việt - Tiệp do Công ty Phục vụ mai táng (PVMT) làm chủ đầu tư. Điều đó có nghĩa là Nhà TLTP sẽ vẫn nguyên vị nhưng với quy mô lớn hơn hiện tại rất nhiều chứ không phải di chuyển đi đâu. Đây chính là điểm mấu chốt khiến cả 6 tổ dân phố với hàng ngàn hộ dân phường Cát Dài sống gần Nhà TLTP tỏ ra bức xúc vì cho rằng thành phố chỉ quan tâm đến người chết mà không nghĩ người đang sống phải chịu đựng nhiều nỗi khốn khổ thế nào khi phải ở gần Nhà tang lễ. Nhà tang lễ thành phố hiện thời trên trục đường Trần Nguyên Hãn. Mặt khác, người dân cho rằng, khi chưa có dự án, hầu như chỉ những ca tử vong tại BV Việt - Tiệp mới làm tang lễ tại đây. Nhưng sau này khi dự án hoàn thành với quy mô lớn hàng chục lần so với trước, có lẽ người chết ở đâu cũng sẽ đưa về đây cử hành tang lễ thì áp lực đối với cung đường Trần Nguyên Hãn sẽ khó mà tưởng tượng hết. Một số ý kiến đề xuất, nếu sự hình thành của Nhà TLTP gắn liền với những ca tử vong trong quá trình điều trị tại BV Việt - Tiệp thì sao không xây dựng cùng với BV mới đang được triển khai tại xã An Đồng với quy mô tới 17ha? Hoặc giả sử, có thể kết hợp xây dựng nhà linh, khu vực cử hành tang lễ tại các nghĩa trang thành phố, nơi không có người dân sinh sống, các nghi thức tang lễ gắn liền với bước tiếp theo là an táng sẽ thuận tiện biết bao nhiêu mà chẳng ảnh hưởng gì tới ai cả. Tuy nhiên, cũng có quan điểm khác với cách nghĩ của người dân các tổ 9, 10, 11, 12, 13 và 14 phường Cát Dài, rằng viếng tang và đưa tang là hai thủ tục khác nhau không thể xây dựng Nhà TLTP ngay nghĩa trang được. Nếu đưa về BV Việt - Tiệp mới ở An Đồng cũng không xong vì BV này quy hoạch theo cấp vùng, là cơ sở khám chữa bệnh và nghiên cứu về y học cho cả vùng duyên hải phía Bắc Vì vậy, việc triển khai dự án tại địa điểm hiện thời chỉ là sự kế thừa, phát triển là hợp lý nhất... Về vấn đề này chúng tôi đã liên lạc với ông Hoàng Văn Kể, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, song vị Phó Chủ tịch hiện đang công cán tại Trung Quốc với Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nên không thể nói được nhiều điều. Tuy nhiên, ông Kể vẫn khẳng định dự án Nhà TLTP tại vị trí BV Việt- Tiệp hiện thời là sự lựa chọn cẩn trọng trên quan điểm vì cái chung nhất của cả thành phố chứ không thể vì một bộ phận dân cư. Cũng có thể người dân chưa biết được quá trình xây dựng dự án thành phố cũng đã tính đến mọi khía cạnh liên quan đã, đang tồn tại và sẽ phát sinh. Theo đó, với quy mô rộng lớn và sâu vào bên trong, việc cử hành tang lễ hầu như không ảnh hưởng gì đến khu vực bên ngoài... Cũng theo ông Hoàng Văn Kể, từ ngàn năm qua, người Việt luôn thường trực với tư duy mang tính đạo lý: "Nghĩa tử là nghĩa tận", hãy làm những gì có thể làm thật trang trọng lần cuối cùng cho người đã chết cũng là vì người đang sống

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/10/121260.cand