Dự báo kinh tế 2012: Lợi thế nông sản, thực phẩm

(Dân Việt) - Dù đang đối diện với rất nhiều khó khăn, tuy nhiên những doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, thủy sản... được cho là sẽ cầm chắc phần thắng trong năm 2012.

Nhiều cơ hội mới

Năm 2012 sẽ là năm nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (DN) Việt Nam nhưng cũng sẽ là năm có nhiều cơ hội cho các ngành lợi thế của Việt Nam (VN). Trong đó chủ yếu là sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2012 – Những thách thức, cơ hội và giải pháp tài chính cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu”. Hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hôm qua (16.11) tại TP.HCM.

Người dân tham quan cửa hàng giới thiệu các giống lúa, gạo chất lượng cao tại Festival Lúa gạo lần 2 ở Sóc Trăng.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong – Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KTXH Hà Nội cho rằng, việc tiếp tục triển khai sâu rộng các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, ASEAN+… trong năm 2012 sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn nữa giữa các DN.

Theo đó, giá một số mặt hàng sẽ phải giảm, thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm cũng sẽ phải giảm theo cam kết khiến DN trong nước khó cạnh tranh với DN nước ngoài. Tuy nhiên, đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, năm 2012 sẽ là năm có nhiều cơ hội.

“Thiên tai xảy ra liên tục trong thời gian qua khiến vấn đề an ninh lương thực thế giới bị đe dọa, nhưng tạo ra nhiều cơ hội cho VN. Theo đó, lương thực, thực phẩm sẽ là những mặt hàng “ăn chắc” và là lợi thế của DN nước nhà trong thời gian tới” - ông Phong khẳng định.

Cần tận dụng cơ hội

Theo ông Phan Thế Hào - đại diện Cục Xúc tiến thương mai (Bộ Công Thương), lưu chuyển hàng hóa trong nước năm 2011 tăng 25%, tuy nhiên nếu trừ phần lạm phát từ 18 – 19% như vừa qua thì tăng trưởng bán hàng trong nước cũng chỉ ở mức 5 – 6%. Điều này cho thấy thị trường trong nước vẫn còn rất rộng lớn cho các DN.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, hiện các DN VN đang lơ là đối với thị trường trong nước, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Để tiếp tục tăng trưởng, phát triển trong năm mới, các DN cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, đặc biệt coi trọng thị trường nội địa. Chương trình “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng là một lợi thế lớn mà DN cần tận dụng để phát triển thị trường trong nước.

Cần có chính sách hợp lý để hỗ trợ các vùng đồng bằng chuyên tâm sản xuất, chế biến lúa gạo và các mặt hàng nông sản khác, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu.

TS Nguyễn Minh Phong

Ngoài ra, theo ông Phong cần nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, có kỹ thuật cao, gắn kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, chế biến, phân phối, hình thành chuỗi giá trị và đảm bảo phân phối hợp lý lợi ích giữa các công đoạn trong chuỗi giá trị đó. Một khi coi vấn đề này là định hướng cơ bản để hiện đại hóa nền nông nghiệp nước nhà và đảm bảo lợi ích của nông dân, nền kinh tế nông nghiệp nước nhà sẽ được phát triển bền vững.

Giải đáp những thắc mắc của các DN xung quanh vấn đề định hướng phát triển kinh tế trong năm 2012, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Bộ Công Thương sẽ cố gắng hỗ trợ DN, giúp mở ra các thị trường mới cho các DN xuất, nhập khẩu, tuy nhiên DN phải biết nhìn nhận thời cơ và nắm lấy cơ hội của chính mình thì mới mong tiếp tục phát triển được”.

Thuận Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/65926p1c25/du-bao-kinh-te-2012-loi-the-nong-san-thuc-pham.htm