Đủ điều kiện nghỉ hưu sớm không được trợ cấp thôi việc

Bà Kiều Thị Thùy Dương (Lâm Đồng) vào biên chế năm 1982, đến nay đã đóng BHXH được 35 năm 8 tháng. Tháng 6/2017, bà làm đơn xin nhà trường ký để giám định y khoa lý do vì sức khỏe và xin vể hưu trước tuổi. Tháng 8/2017, bà nhận kết quả giám định suy giảm 82% sức lao động.

Ảnh minh họa

Bà Dương đã làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi vì lý do sức khỏe và có đề nghị người sử dụng lao động cho bà được hưởng trợ cấp thôi việc, nhưng nhà trường cho biết, trường hợp của bà không được trợ cấp thôi việc. Bà Dương hỏi, như vậy có đúng quy định không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Dương hỏi như sau:

Theo Khoản 2, Điều 187 Bộ luật Lao động, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định.

Khoản 2, Điều 16 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và nam đủ 50, nữ đủ 45 tuổi.

Theo Khoản 1, Điều 45 Luật Viên chức, khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về BHXH, trừ trường hợp viên chức chấm dứt hợp đồng làm việc khi có quyết định nghỉ hưu theo Khoản 5, Điều 28 Luật Viên chức.

Khoản 4, Điều 36 Bộ luật Lao động quy định, hợp đồng lao động được chấm dứt khi người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.

Theo Khoản 1, Điều 48 Bộ luật Lao động thì, trường hợp chấp dứt hợp đồng lao động để hưởng lương hưu (theo Khoản 4, Điều 36 của Bộ Luật này) không được hưởng trợ cấp thôi việc.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp bà Kiều Thị Thùy Dương công tác tại một cơ sở giáo dục (trường học), khi chấm dứt hợp đồng làm việc (nếu là viên chức) hoặc hợp đồng lao động (nếu là người lao động) để hưởng lương hưu thì không được hưởng trợ cấp thôi việc.

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Theo Chinhphu.vn

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/du-dieu-kien-nghi-huu-som-khong-duoc-tro-cap-thoi-viec.html