Dữ ít, lành nhiều

Gulbudin Hekmatyar, thủ lĩnh Hizb-e-Islami - nhóm nổi dậy lớn thứ hai ở Afghanistan - đã trở lại Kabul, chấm dứt nhiều thập kỷ lưu vong và chiến đấu chống lại chính phủ. Động thái này được nhiều người hy vọng có thể thúc đẩy hòa bình và hòa giải quốc gia trong đất nước bị chiến tranh tàn phá nhiều thập kỷ qua.

Trong tuyên bố của mình sau khi trở về Kabul trong buổi lễ được tổ chức tại Dinh Tổng thống, “lãnh chúa” Hekmatyar bác bỏ quan điểm cho rằng, chiến tranh là công cụ giúp đòi lại cuộc sống cho người dân Afghanistan. “Mục đích duy nhất của tôi là thấy hòa bình ở Afghanistan và bất cứ ai muốn hòa bình ở đất nước này, tôi sẽ hợp tác để chấm dứt chiến tranh”, ông này nói. Ông Hekmatyar cũng mô tả các phiến quân Taliban là “anh em”, kêu gọi họ tham gia vào tiến trình hòa bình và đặt ra “phép thử một lần nữa cho hòa bình” để kết thúc cái cớ cho sự hiện diện của lực lượng nước ngoài ở Afghanistan.

Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani hoan nghênh sự trở lại của “lãnh chúa” Hekmatyar và kêu gọi các phần tử nổi dậy Taliban theo bước ông Hekmatyar và bắt đầu đối thoại với chính phủ để khôi phục hòa bình lâu dài ở Afghanistan. Hồi năm 2016, nhóm phiến quân địa phương khét tiếng nhất này đã ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ Afghanistan để từ bỏ cuộc chiến. Theo thỏa thuận, nhóm này sẽ hạ vũ khí, được ân xá và tham gia tiến trình chính trị của đất nước.

Dù có nhiều hy vọng, nhưng thực tế cho thấy, sự trở lại của ông Hekmatyar ít có tác động đến việc chấm dứt chiến tranh và mang lại hòa bình lâu dài ở Afghanistan. Bởi vì không giống như Taliban và nhóm Hồi giáo, ông Hekmatyar không có lực lượng chiến đấu chống lại chính phủ. Dẫu vậy, ánh sáng cho hòa bình Afghanistan ở đây là việc ông Hekmatyar đã trở lại Kabul và được chính phủ chào đón, động thái có thể khuyến khích một số phiến quân Taliban phải tuân theo và tham gia vào tiến trình hòa bình do chính phủ đưa ra.

Ông Hekmatyar được nhiều người Afghanistan gọi là “Người bán thịt của Kabul” vì tham gia vào các cuộc chiến tranh phe phái trong những năm 1990. Sự trở lại của ông ở Kabul gây ra những phản ứng trái chiều. Những người ủng hộ đón chào ông như một người hùng trở về; trong khi những người chỉ trích đòi truy tố về vai trò của ông trong các cuộc giao tranh phe phái và giết người vô số, gồm cả thường dân. Các phần tử Taliban tố cáo ông Hekmatyar tham gia tiến trình hòa bình là “quy phục” chính phủ Afghanistan.

Có thể, sự trở lại của ông Hekmatyar khó có thể khuyến khích Taliban từ bỏ cuộc chiến và đi theo bước này nhưng nó được xem là điềm tốt cho tiến trình hòa bình trong nước.

Thanh Văn

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_166040_du-i-t-la-nh-nhie-u.aspx