Du khách 'đánh cược' tính mạng với hà bá khu sinh thái Thung Nham

Mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách đến khu du lịch sinh thái Thung Nham (Ninh Bình) “đánh cược” mạng sống trên những con đò mỏng manh để tham quan, vãn cảnh.

Cách trung tâm thành phố Ninh Bình 12 km là khu du lịch sinh thái Thung Nham. Đây là nơi thu hút khá đông khách du lịch bởi sự hoang sơ, yên bình. Đặc biệt, để tham quan được các địa điểm ở vườn chim, du khách sẽ phải di chuyển ra đảo trên những con đò mỏng manh, thiếu sự an toàn.

Theo quan sát của phóng viên, đò được làm bằng tôn với chiều rộng khoảng 1m, chiều dài khoảng 4 m và khá chông chênh. Mặc dù thấy rõ sự nguy hiểm nhưng có trường hợp, du khách và lái đò lại không hề có biện pháp phòng hộ nào như sử dụng áo phao. Bất chấp mực nước sâu ra sao và đò có thể lật bất cứ lúc nào, du khách vẫn thản nhiên đùa giỡn, reo hò.

Du khách liều mình không mặc áo phao khi ngồi trên những con đò bằng tôn mỏng manh.

Không chỉ người lớn mà các bậc phụ huynh cũng không cho con mình mặc áo phao và để các bé ngồi ngay mép thuyền.

Mặc cho sự nguy hiểm "rình rập", du khách vẫn nô đùa trên đò.

Điều đáng nói là những người lái đò chẳng buồn để tâm du khách có mặc áo phao hay không, đồng thời, ban quản lý cũng không hề có sự kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho du khách.

Tình trạng trên không chỉ diễn ra tại vườn chim Thung Nham mà còn xảy ra tại bến đò vào Hang Bụt. Kỳ lạ là những chiếc áo phao được treo ở một góc gần đó nhưng không được phát cho du khách. Thử hỏi, những chiếc áo phao này dùng để “trưng bày” hay để qua mặt cơ quan chức năng?

Thực tế, mực nước càng gần Hang Bụt càng sâu, trong hang lại rất tối, vậy mà các bậc phụ huynh vẫn chủ quan để con mình lên đò trong tình trạng không mặc áo phao. Khi được hỏi thì một phụ huynh đã trả lời: “Nước nhìn vậy thôi chứ nông lắm, không có gì nguy hiểm cả, mà căn bản là chúng tôi kiểm soát được nên không có chuyện gì xảy ra đâu”.

Phụ huynh đã vậy, người lái đò lại còn rất thờ ơ. Một người lái đò cho hay: “Nước thế này việc gì mặc áo phao cho nóng. Mực nước thấp ấy mà!”.

Trước đó đã có khá nhiều vụ tai nạn không mặc áo phao khi đi trên đò để ngắm cảnh như vụ vào ngày 11/6/2013, tại TP.HCM, ba cậu cháu nhà anh Hoàng Văn Minh, cùng hai cháu H. (SN 2001) và L. (SN 2003) ở TP.HCM đi thuyền vào hang động trên một đầm nước ở địa phương chơi. Sau đó anh Minh đã mượn một chiếc thuyền tôn và chở các cháu vào hang động trên đầm ngắm cảnh, không ngờ thuyền bị chìm khiến cả ba cậu cháu thiệt mạng.

Áo phao là một dụng cụ cứu sinh rất cần thiết trên bất cứ phương tiện đường thủy nào, nó đã trở thành yêu cầu bắt buộc trên tàu, thuyền và đặc biệt là phương tiện chở khách trên sông. Nhưng dường như, mặc áo phao lại là sự “xa xỉ”, không cần thiết với những người đi trên đò như thế này? Và những cái chết thương tâm đã xảy đến. Nguyên nhân chung của các vụ đuối nước này đều là do các nạn nhân chủ quan không mặc áo phao.

Theo Thông tư số 15/2012 của Bộ Giao thông vận tải, quy định “Từ ngày 15/7/2012, tất cả hành khách, người lái phương tiện vận tải hành khách sang sông phải mặc áo phao trong suốt hành trình di chuyển đến khi cập bến an toàn...” và tại Nghị định 132 của Chính phủ quy định: “Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa” bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, người lái phương tiện, thuyền viên có trách nhiệm phát, hướng dẫn cách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho hành khách.

Trường hợp không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ an toàn cho người, hành khách trên phương tiện bị cảnh cáo hoặc phạt tiền (từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với phương tiện chở đến 12 khách). Hành khách nếu không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng”.

Luật là vậy nhưng vẫn không được thi hành, áp dụng đối với những người lái đò nơi đây và dường như họ đang cố tình quên. Phải chăng ban quản lý đã “phớt lờ”, bỏ mặc tính mạng của du khách?

Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm du khách đến tham quan khu du lịch sinh thái Thung Nham (Ninh Bình) bỏ qua các quy định về an toàn và ban quản lý tại đây cũng chưa đưa ra bất kỳ biện pháp nào phù hợp nào để chấm dứt tình trạng trên.

Một câu hỏi đặt ra là nếu không may xảy ra tai nạn thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

H.T

Nguồn : Tin Nhanh Online

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/du-khachdanh-cuoc-tinh-mang-voi-ha-ba-khu-sinh-thai-thung-nham-p45448.html