Dự kiến cho phép các trường tăng số lượng lớp học, học sinh để giải quyết tình trạng 'quá tải'

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến cho phép các trường mầm non, tiểu học, THPT tăng số lượng lớp học, học sinh...

Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học; kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Dự thảo quy định các trường mầm non đảm bảo quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 30 nhóm, lớp (tăng 10 nhóm, lớp so với quy định cũ). Với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn và các trường dân lập, tư thục có quy mô tối thiểu 5 nhóm, lớp.

Căn cứ điều kiện các địa phương, có thể bố trí các điểm trường ở những địa bàn khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường.

Với các trường tiểu học, quy mô tối thiểu 10 lớp và tối đa 40 lớp (tăng 10 lớp so với quy định hiện hành). Với trường vùng khó khăn có quy mô tối thiểu 5 lớp.

Với các trường THPT, quy mô tối thiểu 15 lớp và tối đa 50 lớp (tăng 5 lớp so với quy định hiện hành). Còn các trường phổ thông có nhiều cấp học, quy mô tối thiểu 9 lớp và tối đa 50 lớp (với trường 2 cấp học), tối đa 75 lớp (với trường 3 cấp học).

Cả 4 cấp học: Mầm non, tiểu học, THCS, THPT, phổ thông nhiều cấp học đều thay đổi quy định tổng diện tích khu đất xây dựng trường (bao gồm các điểm trường) được xác định trên số lớp, số học sinh, tối thiểu 10m2/học sinh. Với các trường ở khu đô thị, nơi đông dân cư bình quân tối thiểu 6m2/học sinh.

Còn với trường tổ chức nội trú hoặc bán trú tập trung, diện tích quy định tối thiểu phải từ 6m2/học sinh trở lên (theo quy định hiện hành, các trường ở đô thị và vùng khó khăn tối thiểu 10m2/học sinh).

Dự thảo cũng yêu cầu các trường xây dựng đủ số lượng khối phòng học tập tối thiểu 3 phòng, phục vụ dạy các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học - Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ. Các trường căn cứ điều kiện thực tế, có thể ghép một số phòng học bộ môn theo nguyên tắc đủ chức năng, đầy đủ thiết bị cho mỗi môn học, bố trí thời gian, không gian học cho các em.

Trong khi đó, quy định hiện hành yêu cầu các trường xây dựng mỗi môn học tối thiểu một phòng riêng. Cụ thể, 1 phòng học môn Âm nhạc, Mỹ thuật, 1 phòng học Khoa học - Công nghệ, 1 phòng học Tin học, 1 phòng học Ngoại ngữ và 1 phòng đa chức năng.

Dự thảo quy định các trường bố trí phòng cho nghỉ giáo viên, đảm bảo điều kiện phòng nghỉ liền kề với khối phòng học tập, bảo đảm 1 phòng nghỉ/10 lớp (phòng nghỉ là nơi làm việc của giáo viên ngoài giờ dạy, trang bị đầy đủ các thiết bị theo quy định hiện hành).

Đối với các cơ sở giáo dục đã được đánh giá tiêu chuẩn cơ sở vật chất khi công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn quốc gia trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục theo cấp độ, mức độ đã được công nhận.

Thời gian chuyển tiếp thực hiện các Quy định này để đánh giá tiêu chuẩn cơ sở vật chất khi công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn quốc gia là 05 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Thời gian lấy ý kiến góp ý từ nay đến hết ngày 11/6.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2030, cả nước thiếu 39.018 phòng học cho trẻ mầm non. Còn tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, tình trạng quá tải trường lớp ở các cấp vẫn diễn ra cục bộ. Do đó, dự thảo được kì vọng sẽ là giải pháp để gỡ vướng cho các địa phương.

Đỗ Như

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/du-kien-cho-phep-cac-truong-tang-so-luong-lop-hoc-hoc-sinh-de-giai-quyet-tinh-trang-qua-tai.htm