Du lịch ĐB sông Hồng:Phát triển chưa xứng “tầm”!

(Toquoc)-Có lợi thế lớn về tiềm năng du lịch, nhưng du lịch vùng sông Hồng vẫn chưa phát triển xứng tầm.

(Toquoc)- Không chỉ có bề dày lịch sử văn hóa, vùng châu thổ sông Hồng còn có lợi thế khi sở hữu 6 trên tổng số 21 khu du lịch trên cả nước. Tuy nhiên, phát triển du lịch của vùng vẫn chưa xứng với tiềm năng. Giàu bản sắc Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 10 tỉnh, thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, là cửa ngõ thông thương đường biển và hàng không của các tỉnh miền Bắc. Toàn vùng chiếm 4,5% diện tích cả nước, dân số 18,2 triệu người, chiếm 21,6% dân số cả nước. Lượng khách du lịch hàng năm đến vùng chỉ ¼ lượng khác du lịch cả nước, năm 2008 toàn vùng đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế (chiếm 20,7% so với cả nước). Khu du lịch Cát Bà (Hải Phòng) Là vùng đất có tài nguyên phong phú với địa hình núi non, đồng bằng, biển đảo… với bề dày văn hóa nổi bật đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Bên cạnh các tài nguyên thiên nhiên tiêu biểu như Tam Cốc, Bích Động; Hương Sơn; Tràng An; khí hậu Tam Đảo; Ba Vì, Cúc Phương…các bải biển nổi tiếng như Đồ Sơn; Hải Thịnh; Quất Lâm… các dòng sông lớn trong vùng, đặc biệt là hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình đã tạo nên nhiều cảnh quan đẹp và tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các tuyến du lịch nổi tiếng Bạch Đằng, Phố Hiến, Kiếp Bạc. Các dòng sông, mặt nước còn được sử dụng trong các kỳ lễ hội và tổ chức các môn thể thao nước như hát Quan họ, rối nước, bơi, lặn, đua thuyền… Cùng với nét đẹp còn nhiều vẻ hoang sơ của nông thôn tại các làng quê “thuần Việt”, các tỉnh đồng bằng sông Hồng còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa được cả thế giới công nhận là Ca trù và Quan họ. Đặc biệt, các khu di tích lịch sử như Hoàng Thành Thăng Long; Cổ Loa; Hoa Lư; Côn Sơn- Kiếp Bạc; Đền Trần… Tất cả đều là cơ sở để khẳng định Đồng bằng sông Hồng có giá trị văn hóa lịch sử đậm đặc hơn so với các vùng khác ở VN. Đánh giá lợi thế của vùng ông, Lưu Nhân Vinh- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch VN Hà Nội cho biết: “Vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay có đầy đủ các loại hình du lịch như: Du lịch biển đảo (các chương trình du lịch thường được tổ chức đi đến các nơi như Đồ Sơn, Hải Thịnh, Cát Bà, Quất Lâm, Đồng Châu…; Du lịch Văn hóa (trong đó gồm Du lịch tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, danh lam thắng cảnh; Du lịch lễ hội: du khách tận mắt chứng kiến cà tham gia trực tiếp các lễ hội; du lịch tâm linh: chùa Hương, chùa Bái Đính, Đền Trần, Phủ Giầy…); Du lịch ẩm thực truyền thống (những món đặc sản nổi tiếng như Cơm cháy Ninh Bình; nhãn lồng Hưng Yên; Bánh Cáy Thái Bình… thu hút du khách); Du lịch làng nghề truyền thống (để du khách chứng kiến các nghệ nhân làm nên những sản phẩm độc đáo mang sắc thái riêng của mỗi địa phương: Lụa Vạn Phúc; Nón làng Chuông; gỗ Đồng Kỵ; tranh Đông Hồ; gốm Bát Tràng…); Du lịch cộng đồng (home stay tại những nơi chưa phát triển tốt cơ sở hạ tầng, còn đậm nét văn hóa Việt) Du lịch sinh thái (các khu du lịch sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên hay vườn quốc gia Vân Long, Cúc Phương, Ba Vì…); Du lịch kết hợp thể thao mạo hiểm (leo núi, xe đạp địa hình…); Du lịch mua sắm (phố cổ Hà Nội; Hải Dương); Du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh (các khu vực biển như Cát Bà, Đồ Sơn, Kim Bôi, Tiền Hải, Tam Đảo..); Du lịch hội nghị hội thảo tại Hà Nội, Hải Phòng… Tuy nhiên, so với nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, du lịch vùng đồng bằng sông Hồng chưa phát triển xứng với tiềm năng to lớn của vùng, cá biệt, một số nơi còn chưa phát triển được du lịch. Ông Vinh cho rằng: “Lý do là chất lượng sản phẩm du lịch tại một số địa phương còn chưa cao, sản phẩm không đặc trưng độc đáo, chưa phù hợp với từng loại đối tượng du khách, các sản phẩm chồng chéo giống nhau giữa địa phương này với địa phương khác. Một nguyên nhân quan trọng nữa là do các công ty lữ hành trong khu vực còn ít về số lượng, nhỏ về quy mô và yếu về nghiệp vụ”. PGS.TS Phạm Trung Lương- Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cũng nhận định: “Vị trí của du lịch khu vực này chưa được phát triển đúng tầm của các địa phương. Nguyên nhân là do nhận thức xã hội; Tính liên kết trong phát triển du lịch giữa các địa phương còn rất thấp, chưa có chiến lược quy hoạch tổng thể chung đối với phát triển du lịch của vùng; Năng lực quản lý còn hạn chế trong khi tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch chưa ổn định và đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.” Liên kết vùng để phát triển du lịch Để phát triển du lịch các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng, giải pháp đưa ra vẫn là các giải pháp cần thiết, quen thuộc như đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án du lịch; đầu tư xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch; đẩy mạnh đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch… thì giải pháp liên kết vùng để phát triển du lịch được xem là mới mẻ, táo bạo. Ông Lưu Nhân Vinh cho rằng: “Một địa phương riêng lẻ có thể không đủ tài nguyên du lịch hay điều kiện để xây dựng nên các tuyến du lịch hấp dân nhưng nếu biết kết hợp tốt với nhau, hợp tác với nhau thì có thể tạo ra được những chương trình, những sản phẩm du lịch hoàn hảo, hấp dẫn, độc đáo, tránh trùng lặp”. ThS Lê Văn Minh- Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch cũng cho rằng: “Sự phát triển du lịch tại vùng đồng bằng sông Hồng vẫn chỉ mới dừng lại ở việc khai thác những tiềm năng sẵn có ở quy mô hạn chế, chưa tạo ra được sản phẩm du lịch có chất lượng và sức cạnh tranh cao, thiếu sự phối hợp ở tầm vĩ mô giữa các địa phương trong vùng cũng nhưng với các địa bàn khác theo một chính sách nhất quán, một chiến lược chung để gắn du lịch vùng đồng bằng sông Hồng với du lịch cả nước”. Một thực tế đã được Hải Phòng chứng minh từ sự liên kết, hợp tác xây dựng tuyến du lịch khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà và châu thổ đồng bằng sông Hồng khi lượng khách du lịch nội vùng tăng lên đáng kể. Ông Phạm Trung Dũng- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hải Phòng cho biết: “Hải Phòng có khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà với cảnh đẹp hoang sơ, kỳ thú; Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có khu dự trữ sinh quyển thế giới đồng bằng châu thổ sông Hồng…Để xây dựng thành công và khai thác có hiệu quả tuyến du lịch này các sở trong vùng cần tham mưu, đề xuất nội dung hợp tác như: Xây dựng tuyến du lịch sinh thái nhằm khai thác tài nguyên của các Khu dự trữ sinh quyển thế giới để định hướng xây dựng sản phẩm mới; công bố quy hoạch khai thác các điểm đến và đầu tư xây dựng hạ tầng; phối hợp trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trong tổ chức các đoàn Famtrip để xây dựng tour; phối hợp quảng bá, tuyên truyền về tuyến du lịch đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu hợp tác xây dựng thành công tuyến du lịch các khu dự trữ sinh quyển thế giới và Di sản thiên nhiên thế giới mỗi địa phương phải chọn một số chương trình, điểm đến cụ thể có tính khả thi cao để triển khai thực hiện trong năm 2010. Bên cạnh đó, việc chọn Hà Nội là trung tâm phân phối khách du lịch của các tỉnh phía Bắc sẽ cung cấp cho các hãng lữ hành tuyến du lịch này theo hành trình Hà Nội- Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà- Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng châu thổ sông Hồng và ngược lại. Cũng theo ông Dũng, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình là 4 tỉnh thành nằm cách Hà Nội không quá xa và dọc theo trục đường quốc lộ 10 có thể phát triển được thành một tour nhằm nối dài hành trình, nâng cao chất lượng các tour và đa dạng sản phẩm du lịch. Trong khuôn khổ ngày hội VH, TT&DL các tỉnh đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất đã diễn ra hội thảo: Phát triển du lịch khu vực đồng bằng sông Hồng. Hội thảo do Tổng Cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL phối hợp với UNBD tỉnh Thái Bình tổ chức). 13 tham luận của các lãnh đạo ngành du lịch đến từ 10 tỉnh trong khu vực đã nêu lên thực tế chưa phát triển hết tiềm năng du lịch của đồng bằng sông Hồng. Phát biểu tại hội thảo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng thực hiện tốt quy hoạch phát triển du lịch, làm sao để phát huy được di sản và tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa sẵn có để có được những sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao. Thứ trưởng cũng đề nghị các tỉnh trong khu vực, sau hội thảo sẽ có những bước đi cụ thể để phát triển du lịch vùng, đề xuất những kiến nghị lên Bộ. Thứ trưởng cho biết, Bộ VH, TT&DL sẵn sàng lắng nghe, giải quyết và trình Chính phủ giải quyết những khó khăn, cản trở trong phát triển du lịch khu vực nhằm đưa du lịch đồng bằng sông Hồng lên xứng với tiềm năng. Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Diem-Den-Ly-Tuong/Du-Lich-Db-Song-Hongphat-Trien-Chua-Xung-Tam.html