Du lịch thể thao - 'người khổng lồ' đã thức

Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), ở một số nước, du lịch thể thao chiếm tới 25% tổng thu từ du lịch, đặc biệt trường hợp của Úc và một số khu vực tại New Zealand con số này là 55%.

Du lịch – Thể thao: “Xa lộ” lớn để các dân tộc đến với nhau

Được đánh giá là ngành kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất của nhiều quốc gia, du lịch hiện đang đóng góp khoảng 10% GDP và 4% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, cứ 11 việc làm trên thế giới thì có một việc làm liên quan đến du lịch, mang lại giá trị xuất khẩu trên 1,5 nghìn tỉ USD. Tương tự, thể thao được nhìn nhận là ngành công nghiệp giải trí số 1 thế giới, đang có sự phát triển nhanh hơn so với các ngành khác. Với tư cách là một ngành công nghiệp đa dạng, du lịch gắn với thể thao được coi là một cơ hội quan trọng đối với các điểm đến đang nổi và đã phát triển (có thể là quốc gia, vùng, thành phố, khu vực ven biển, vùng nông thôn, miền núi, sa mạc).

Với lý do đó, Hội nghị quốc tế về du lịch và thể thao do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức vừa tổ chức ngày 24/9 tại Đà Nẵng nhằm khẳng địnhtầm nhìn chiến lược quan trọng, coi thể thao là một trong những lĩnh vực kinh tế phát triển du lịch hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: chinhphu)

Đây là lần đầu tiên UNWTO tổ chức Hội nghị quốc tế nhằm đưa ra khái niệm và định hướng chung nhất để phát triển du lịch và thể thao. Khái niệm về du lịch thể thao được chấp nhận rộng rãi nhất hiện nay là “Tất cả các hình thức, từ tham gia chủ động vào các hoạt động thể thao, tham gia một cách tự phát hoặc theo tổ chức, vì những lý do phi thương mại hay thương mại/ kinh doanh mà cần thiết

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau Tuyên bố Barcelona 2001 được phát động bởi UNWTO và Ủy ban Olympic Thế giới, sự gắn kết giữa thể thao và du lịch trở thành động lực phát triển quan trọng, mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia. Khái niệm “du lịch thể thao” bao hàm nhiều hoạt động từ đơn giản như câu cá đến phức tạp như các sự kiện có quy mô lớn, dành cho mọi đối tượng trong xã hội và mang lại cho các điểm đến nhiều cơ hội to lớn.

Riêng với du lịch thể thao, giữa thập niên 90 của thế kỷ trước còn được ví như “người khổng lồ đang ngủ của ngành du lịch” nay đã thức giấc. Theo nghiên cứu của UNWTO, ở một số nước, du lịch thể thao chiếm tới 25% tổng thu từ du lịch, đặc biệt trường hợp của Úc và một số khu vực tại New Zealand con số này là 55%.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sự gắn kết giữa du lịch và thể thao không chỉ “nhịp cầu nối” giữa con người, mà còn là “xa lộ” để đưa các dân tộc lại gần nhau, đem lại hòa bình, thịnh vượng cho thế giới. “Thông qua du lịch, thể thao và sự kết hợp này, mọi người, mọi du khách cùng có cơ hội vươn lên vượt qua chính mình, khám phá thế giới, cùng nhau chinh phục những đỉnh cao mới để có một cuộc sống ý nghĩa hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Du lịch và Thể thao – Hai hiện tượng của thế kỷ 21

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ: Trong qua trình thực hiện chính sách phát triển và hội nhập, Chính phủ Việt Nam luôn xác định Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế của đất nước, tăng cường giao lưu hiểu bết giữa nhân dân các nước, nâng cao vị thế Việt Nam. Bộ trưởng cũng khẳng định, Việt Nam hội đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện thể thao châu lục và thế giới nhằm khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với thể thao. Tuy vậy, du lịch thể thao ở Việt Nam còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và cơ hội rộng mở ngày nay.

"Hoạt động du lịch gắn với hoạt động thể thao, không chỉ đóng góp cho các mục tiêu kinh tế xã hội mà còn mang lại hiệu ứng quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế" -Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho hay (Ảnh: Báo Văn hóa)

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của các sự kiện thể thao lớn và hoạt động du lịch gắn với hoạt động thể thao, không chỉ đóng góp cho các mục tiêu kinh tế xã hội mà còn mang lại hiệu ứng quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng kết quả hội nghị sẽ là cơ sở để Du lịch Thể thao Việt Nam xác định cho mình một kết hoạch, lộ trình để phát huy tôt hơn những hiệu ứng tích cực lan tỏa của loại hình du lịch đã và đang được trông đợi này.

Trong khi đó, Tổng Thư ký UNWTO Taleb Rifai đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với sự phát triển Du lịch và Thể thao trong thời gian qua. Ông Taleb Rifai nhấn mạnh: Những sự kiện thể thao lớn trên thế giới đã tạo ra động lực để du lịch phát triển. Do vậy, sự kết nối giữa Du lịch và Thể thao rất quan trọng. Ông cũng đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ, năng động của Việt Nam những năm gần đây, thể hiện rõ ở việc tổ chức nhiều sự kiện lớn của thế giới và sự chuyển mình đáng ngạc nhiên của Đà Nẵng, biến nơi đây trở thành một điểm đến tuyệt vời, nơi lý tưởng để tổ chức các sự kiện lớn.

Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Đà Nẵng về thúc đẩy Du lịch và Thể thao vì sự phát triển bền vững”. (Ảnh: Báo Du lịch)

Các diễn giả tại hội nghị cho rằng, sự kết hợp giữa du lịch – ngành công nghiệp không khói dẫn đầu – và thể thao – ngành giải trí số 1 thế giới có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Bên cạnh khai thác tích cực các sự kiện thể thao, việc khai thác những yếu tố khác đi kèm để đưa vào sản phẩm du lịch cũng đóng vai trò quan trọng để tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với du khách.

Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Đà Nẵng về thúc đẩy Du lịch và Thể thao vì sự phát triển bền vững”. Đây là văn kiện chính thức của UNWTO nhằm thu hút sự quan tâm của các chính phủ, các điểm đến và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững du lịch và thể thao vì lợi ích của người dân và cộng động./.

Hồng Dương (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/du-lich/du-lich-the-thao-nguoi-khong-lo-da-thuc-212126.html