Dư luận Nga về việc khôi phục án tử hình sau vụ khủng bố đẫm máu ở Moskva

Nga đã bỏ án tử hình từ hơn 20 năm trước, nhưng sau vụ tấn công khủng bố nhà hát Crocus City Hall khiến hàng trăm người thương vong, việc khôi phục án tử hình đã trở thành tâm điểm của dư luận.

Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Crocus City Hall ở ngoại ô Moskva, Nga cháy rụi sau vụ tấn công khủng bố, ảnh chụp ngày 26/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ New York Times, một số người Nga nổi tiếng đang kêu gọi xử tử những kẻ chịu trách nhiệm về vụ thảm sát nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Moskva vào tối 22/3 và chấm dứt lệnh cấm thi hành án tử hình kéo dài 28 năm của Nga. Tòa án Hiến pháp Nga ngày 27/3 cũng cho biết họ sẽ xem xét vấn đề này.

Dưới đây là tổng hợp của hãng tin Sputnik về vấn đề án tử hình ở Nga:

Ai ủng hộ hay phản đối án tử hình?

Một số người nổi tiếng ở Nga đã yêu cầu xử tử những kẻ tấn công trung tâm biểu diễn nghệ thuật Crocus City Hall, được giới chức mô tả là phiến quân Hồi giáo từ Tajikistan, vùng Trung Á. Vụ xả súng thảm sát vào tối 22/3 là hành động khủng bố nguy hiểm nhất ở thủ đô Nga trong hơn một thập kỷ qua.

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Dmitri Medvedev – Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga - đã viết trên Telegram: “Có cần thiết phải xử tử họ không? Cần thiết. Và nó sẽ được thực hiện.”

Ông nói thêm rằng tất cả những kẻ liên quan đến các cuộc tấn công, bao gồm cả những người tài trợ và hỗ trợ nhóm khủng bố, đều nên bị xử tử.

Những lời kêu gọi như vậy đã xuất hiện nhiều lần, đặc biệt là sau các cuộc tấn công khủng bố, nhưng không rõ mức độ ủng hộ rộng rãi dành cho chúng. Và cũng có những nhân vật nổi tiếng phản đối ý tưởng khôi phục án tử hình.

Lidia Mikheeva, thư ký Phòng Dân sự, một nhóm cố vấn của chính phủ, nói với hãng thông tấn TASS rằng việc chấm dứt án tử hình là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại. Bà nói: “Nếu chúng ta không muốn quay trở lại thời kỳ man rợ và tàn bạo thì tất cả chúng ta nên dừng lại và suy nghĩ”.

Dalerdjon Barotovich Mirzoyev, nghi phạm vụ tấn công nhà hát trong trung tâm thương mại Crocus City Hall ở ngoại ô Moskva (Nga), tại phiên xét xử của Tòa án quận Basmanny, ngày 24/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Quan điểm của Tổng thống Putin

Tổng thống Nga đã nhiều lần công khai phản đối án tử hình trong nhiều năm qua. Vào năm 2002, ông Putin nói, “chừng nào tôi còn quyết định, sẽ không có án tử hình ở Nga”, mặc dù nhà lãnh đạo cho rằng việc khôi phục án tử hình sẽ được nhiều người đồng ý.

Theo truyền thông Nga, vào năm 2007, ông Putin nói tại một hội nghị rằng hình phạt tử hình một cách chính thức là “vô nghĩa và phản tác dụng”. Vào năm 2022, ông cho biết quan điểm của mình “không thay đổi”.

Về cuộc tranh luận sau vụ thảm sát Crocus City Hall, ông Dmitri Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết: “Chúng tôi hiện không tham gia vào cuộc thảo luận này”.

Lệnh cấm án tử hình đã được đưa ra và thực hiện như thế nào?

Vào năm 1996, để giành được sự gia nhập vào Hội đồng châu Âu, Tổng thống Boris Yeltsin, người tiền nhiệm của ông Putin, đã đồng ý tạm hoãn án tử hình và bãi bỏ hoàn toàn nó trong vòng ba năm.

Quốc hội Nga đã không đồng tình với kế hoạch này. Họ không phê chuẩn Công ước châu Âu về Nhân quyền mà chính phủ của ông Yeltsin đã ký. Quốc hội cũng đã thông qua một bộ luật hình sự mới, trong đó giữ nguyên hình phạt tử hình.

Năm 1999, Tòa án Hiến pháp Nga vào cuộc và ra phán quyết rằng nếu không có các phiên xét xử của bồi thẩm đoàn được tiến hành trên khắp nước Nga, hình phạt tử hình không thể được sử dụng. Vào năm 2009, sau khi các phiên tòa xét xử của bồi thẩm đoàn được tiến hành, tòa án đã ra phán quyết rằng lệnh tạm hoãn án tử hình sẽ vẫn có hiệu lực, tuân thủ các quy định của Hội đồng châu Âu. Quyết định này được đưa ra cũng một phần vì suốt hơn một thập kỷ không có hình phạt tử hình đã khiến nhiều người kỳ vọng rằng nó sẽ không được áp dụng nữa.

Phán quyết của Tòa án nêu: “Những đảm bảo ổn định về quyền con người không phải chịu án tử hình đã được hình thành và một chế độ hiến pháp và pháp lý đã xuất hiện”.

Điều kiện để khôi phục lại án tử hình là gì?

Điều đó không rõ ràng.

Sau khi Nga mở chiến dịch tấn công Ukraine vào năm 2022, Hội đồng châu Âu đã trục xuất Nga, có nghĩa là Moskva không còn được coi là một bên tham gia Công ước Nhân quyền - cơ sở ban đầu cho lệnh đình chỉ án tử hình ở Nga.

Vào thời điểm đó, ông Valeriy Zorkin, người đứng đầu Tòa án Hiến pháp, nói rằng việc áp dụng trở lại hình phạt tử hình sẽ không thể thực hiện được nếu không thông qua Hiến pháp mới.

Ông nói trong một bài giảng tại Diễn đàn Pháp lý Quốc tế St. Petersburg: “Bất chấp tình hình bất thường hiện nay, tôi nghĩ sẽ là một sai lầm lớn nếu từ bỏ con đường nhân đạo hóa chính sách lập pháp mà chúng ta đã đi theo trong những thập kỷ gần đây”. Ông Zorkin nói thêm: “Và đặc biệt, việc bác bỏ lệnh tạm hoãn án tử hình ở Nga, điều mà một số chính trị gia đã kêu gọi, giờ đây sẽ là một tín hiệu rất xấu đối với xã hội.”

Nhưng một số chính trị gia nhấn mạnh rằng nếu không có Công ước Nhân quyền làm rào cản, hình phạt tử hình có thể được khôi phục mà không cần thay đổi hiến pháp.

Quan điểm đó được đưa ra trong tuần này bởi Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện). Ông nói, Tòa án Hiến pháp có thể dỡ bỏ lệnh cấm.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo NYT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/du-luan-nga-ve-viec-khoi-phuc-an-tu-hinh-sau-vu-khung-bo-dam-mau-o-moskva-20240328104840084.htm