Dư luận truyền thông TQ nói gì khi Mỹ nới bán vũ khí cho Việt Nam?

(GDVN) - Các bài viết quan tâm đến nội dung, nguyên nhân dỡ bỏ cấm vận, khả năng tác động đến Trung Quốc, chủng loại vũ khí Mỹ mà Việt Nam có thể sở hữu...

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Pham Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Washington ngày 2 tháng 10 năm 2014

Vừa qua, Mỹ chính thức tuyên bố dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, động thái này đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, nhất là Trung Quốc, quốc gia có ý đồ độc chiếm Biển Đông, bất chấp quyền lợi của Việt Nam và các nước khác cũng như bất chấp luật pháp quốc tế.

Dư luận Trung Quốc đã đăng nhiều bài viết liên quan đến sự kiện này, báo GDVN tổng hợp một số bài viết, giới thiệu cho độc giả tham khảo, hiểu rõ bản chất kiểu tuyên truyền cực đoan chủ nghĩa, tuyên truyền kiểu giật dây của TQ.

Mỹ quyết định dỡ bỏ một phần cấm bán vũ khí sát thương

Nhiều tờ báo điện tử Trung Quốc như Tân Hoa xã, Tân Kinh báo… Trung Quốc ngày 4 tháng 10 đưa tin, Chính phủ Mỹ ngày 2 tháng 10 tuyên bố, Mỹ sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam để giúp Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải. Điều này có nghĩa là từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc gần 40 năm đến nay, Mỹ sẽ lần đầu tiên bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Trong cuộc họp báo thường lệ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng ngày thông báo với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đang áp dụng biện pháp “cho phép trong tương lai chuyển nhượng cho Việt Nam hàng hóa quốc phòng liên quan đến an ninh hàng hải”.

Người phát ngôn Jen Psaki nói: “Chính sách này ủng hộ các nỗ lực nâng cao năng lực cảnh báo sớm vùng biển và năng lực an ninh hàng hải cho Việt Nam”.

Mỹ thông báo dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam

Theo bà Jen Psaki, Mỹ đang hủy bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Bà cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo quyết định này cho Quốc hội Mỹ, nhấn mạnh, Mỹ sẵn sàng duy trì quan hệ hợp tác quốc phòng với Việt Nam, nhưng Việt Nam phải đồng thời tiếp tục cải thiện tình hình trong nước. Bà nói, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói rõ lập trường này khi hội đàm với nhà lãnh đạo Việt Nam.

Tối cùng ngày, khi tham gia tiệc tối của Ủy ban thương mại Mỹ-ASEAN, Ngoại trưởng John Kerry cho biết, từ khi bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt gần 20 năm đến nay, sự chuyển biến của Việt Nam gây ngạc nhiên, Việt Nam đã trở thành quốc gia hiện đại và đối tác quan trọng của Mỹ.

Trước khi Mỹ đưa ra quyết định trên, gần đây, các quan chức Chính phủ và Quốc hội Mỹ đã nhiều lần cho biết, Mỹ sẽ dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Đặc biệt, thông điệp này đã được nhắc lại nhiều lần khi các quan chức Mỹ đến thăm Việt Nam trong thời gian qua.

Diễn biến Mỹ nới lỏng cấm bán vũ khí cho Việt Nam

Quyết định bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là một bước chuyển ngoặt mang tính lịch sử. Được biết, lệnh cấm vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam bắt đầu từ kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975.

Năm 1984, Mỹ chính thức thông qua lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, lý do đưa ra là không hài lòng với biểu hiện của Chính phủ Việt Nam trên 1 phương diện.

Tháng 7 năm 2013, Việt-Mỹ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện

Nhưng, sau khi quan hệ Mỹ-Việt thực hiện bình thường hóa vào năm 1995, cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam bắt đầu từng bước xuất hiện dấu hiệu nới lỏng. Từ năm 2000 trở đi, quan hệ Việt-Mỹ được cải thiện rất lớn. Năm 2006, Chính phủ Mỹ phê chuẩn bán vũ khí không sát thương cho Việt Nam.

Sau khi ông Barack Obama lên cầm quyền, quan hệ Việt-Mỹ tiếp tục ấm lên, năm 2013 hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, quan chức chính phủ, quân đội và nội bộ Quốc hội Mỹ đều lên tiếng nới lỏng cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Những năm gần đây, cùng với việc Mỹ quyết định chuyển trọng tâm chiến lược tới châu Á-Thái Bình Dương, quan hệ Mỹ-Việt không ngừng cải thiện. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12 năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, sẽ cung cấp 5 tàu tuần tra tốc độ nhanh không trang bị vũ khí cho Cảnh sát biển Việt Nam, trị giá 18 triệu USD.

Những năm gần đây, Việt Nam cũng tích cực tìm cách để Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí. Tại New York vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, xét tới Việt-Mỹ đã tiến hành bình thường hóa quan hệ gần 20 năm, hơn nữa hai nước đã thiết lập “quan hệ đối tác toàn diện” vào năm 2013, Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam là điều “không bình thường”. Ông cho biết, nếu Mỹ không bán vũ khí cho Việt Nam, Việt Nam vẫn có thể mua của nước khác.

Hãng tin AP Mỹ cho rằng, Nga hiện là nước cung ứng vũ khí chủ yếu của Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã cấp vài trăm triệu USD cho chế tạo tàu chiến, tăng cường khả năng phòng thủ biển.

Quân đội Mỹ mở cửa tàu Aegis cho Quân đội Việt Nam tham quan (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)

Lý do Mỹ nới lỏng cấm vận vũ khí đối với Việt Nam

Quan chức Mỹ tiết lộ với truyền thông, Mỹ lần này quyết định nới lỏng cấm vận vũ khí tuy có liên quan đến Chính phủ Việt Nam gần đây cải thiện tình hình trong nước mà Mỹ quan tâm, nhưng điểm xuất phát chủ yếu vẫn là lợi ích quốc gia của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí đối với Việt Nam cũng đã phản ánh tình hình nhân quyền của Việt Nam đã được cải thiện. Mặc dù vậy, cải thiện quan hệ với Việt Nam cũng phù hợp với chính sách chính trị và quân sự chuyển trọng tâm đến châu Á của chính quyền Obama.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với hãng tin AFP rằng, Mỹ quyết định bán vũ khí cho Việt Nam hoàn toàn không phải là quyết định bất ngờ, mà là tính tới “nhu cầu cụ thể của khu vực này”, bao gồm Việt Nam thiếu năng lực hành động ở “vùng biển tranh chấp” và lợi ích an ninh quốc gia của bản thân Mỹ. Quan chức này cho rằng, tăng cường năng lực quân sự trên biển cho nước đối tác có lợi cho Mỹ xử lý tranh chấp lãnh thổ khu vực Biển Đông.

Theo hãng thông tấn Agencia EFE Tây Ban Nha và hãng tin AFP Pháp, nguồn tin Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, quyết định này chủ yếu “phản hồi một số nhu cầu đặc biệt xuất hiện ở khu vực này”, nó sẽ “tăng cường sự hiện diện quân sự của bạn bè chúng tôi ở khu vực này, từ đó có lợi cho giải quyết tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông”.

Tàu chiến Mỹ thăm Việt Nam (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)

Một quan chức ngoại giao cho biết, chính sách cấm bán vũ khí của Mỹ cần thay đổi, “bởi vì giúp các nước ở khu vực này tiếp tục tìm hiểu tình hình ở vùng biển xung quanh” phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ. Nhưng, Mỹ đồng thời nhấn mạnh “hành động này hoàn toàn không nhằm vào Trung Quốc”.

Một quan chức ngoại giao cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn sẽ không xây dựng bất cứ hệ thống mang tính phá hoại nào ở đây, điều mà chúng tôi nói đến chỉ là sức mạnh phòng thủ”. Quan chức Mỹ nhấn mạnh, quyết định này của Mỹ “đơn thuần là biện pháp phòng thủ”.

Sẽ gây sức ép mạnh và chọc giận Trung Quốc?

Mặc dù quan chức Mỹ nhấn mạnh quyết định bán vũ khí sát thương cho Việt Nam của Chính phủ Mỹ hoàn toàn không nhằm vào Trung Quốc mà “đơn thuần là biện pháp phòng vệ”. Nhưng, theo tuyên truyền của báo chí TQ, việc Mỹ hủy bỏ một phần lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam có thể chọc giận Trung Quốc.

Ở Biển Đông, Bắc Kinh gây tranh chấp lãnh thổ với nhiều quốc gia ven biển. Trong mấy tháng gần đây, quan hệ Trung-Việt rất căng thẳng, do Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan (bất hợp pháp) ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014.

Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan dầu khí nước sâu 981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (ảnh tư liệu)

Tại Diễn đàn khu vực ASEAN tổ chức ở Thủ đô Myanmar vào tháng 8 năm 2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đề xuất “các bên cần xây dựng một khuôn khổ đàm phán mang tính ràng buộc” để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Nhưng phương án “đóng băng” các hành vi khiêu khích trên Biển Đông do Mỹ đưa ra đã bị Trung Quốc từ chối. Trung Quốc còn chỉ trích Washington “cố ý” duy trì tình hình căng thẳng địa-chính trị ở khu vực này.

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 4 tháng 10 cho rằng, hiện nay, tranh chấp biển giữa Trung Quốc với một số nước láng giềng như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam (chủ yếu do Trung Quốc ăn cướp, gây ra tranh chấp) ngày càng trầm trọng.

Tranh chấp chủ yếu xoay quanh các đảo ở Biển Đông và biển Hoa Đông, những vùng biển này giàu nguồn lợi thủy sản và tài nguyên dầu khí.

Theo hãng tin AP ngày 3 tháng 10, Việt Nam đã hoan nghênh quyết định nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Chính phủ Mỹ, cho biết điều này sẽ làm cho hai nước được lợi.

Theo bài báo, Mỹ quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vũ khí cho Việt Nam nhằm giúp Việt Nam bảo vệ quyền lợi của mình ở Biển Đông. Hành động này rõ ràng đã cảnh báo Trung Quốc, quốc gia gây tranh chấp lãnh hải với nhiều nước Đông Nam Á.

Chính phủ Mỹ ngày 2 tháng 10 quyết định nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí đối với Việt Nam, có thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ Việt Nam, nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc.

Đây cũng có thể là xuất phát từ sự cảnh giác cao độ đối với xích lại nhanh chóng giữa Trung Quốc và Nga - quốc gia cung cấp trên 90% vũ khí cho Việt Nam.

Trung Quốc chủ động, hung hăng và ngạo mạn khủng bố Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (ảnh tư liệu)

Mỹ bỏ lệnh cấm Việt Nam có thể bỏ qua Quốc hội

Lệnh cấm được Mỹ thực hiện hiện nay là “mệnh lệnh hành chính”, chứ không phải luật, vì vậy chính quyền Obama có thể bỏ qua Quốc hội để bỏ lệnh cấm. Thượng nghị sĩ John McCain cũng bày tỏ hoan nghênh đối với vấn đề này.

Về chủng loại vũ khí bán cho Việt Nam, có quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ, điều này sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để tiến hành đánh giá từng trường hợp. Nhưng, ông nhấn mạnh, dỡ bỏ lệnh cấm ban đầu chỉ có trang bị hàng hải.

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong tương lai, Mỹ sẽ từng bước xem xét nhu cầu mua vũ khí của Chính phủ Việt Nam và duy trì phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Mỹ. Quan chức Mỹ tiết lộ, chủng loại vũ khí xuất khẩu sẽ gồm có tàu chiến và máy bay quân sự, chủ yếu dùng để trang bị cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Theo quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, trung tâm chú ý của dỡ bỏ lệnh cấm này sẽ là hỗ trợ tuần tra và phòng thủ cho Việt Nam ở Biển Đông, ở đó thách thức trước Trung Quốc ngày càng lớn.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C do Mỹ chế tạo (ảnh tư liệu)

Nguồn tin từ Mỹ cho biết, Chính phủ Mỹ có thể cuối cùng bán máy bay trinh sát P-3C Orion của hãng Lockheed Martin cho Việt Nam. Hiện nay, Quân đội Mỹ đang sử dụng máy bay tuần tra P-8A Poseidon của hãng Boeing thay thế cho loại máy bay này.

Việt Nam mặc dù không nói rõ sẽ nhập khẩu vũ khí từ Mỹ, nhưng truyền thông nhà nước có quan hệ chặt chẽ với Quân đội Việt Nam cũng đã liệt kê ra máy bay tuần tra săn ngầm P-3 và trang bị âm thanh có thể dùng sóng âm đe dọa kẻ thù từ cự ly tương đối xa.

Số lượng tàu chiến của Trung Quốc vượt xa Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam sở hữu 2 tàu ngầm diesel lớp Kilo, trong khi đó Trung Quốc sở hữu gần 70 tàu ngầm.

Được biết, trên 95% vũ khí của Việt Nam đều sản xuất từ Nga, nhưng tính năng tổng thể không thể so sánh với vũ khí do các nước phương Tây như Mỹ sản xuất, tiến hành hiện đại hóa trang bị đã trở thành nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Do vấn đề Ukraine và quan hệ với Âu-Mỹ xấu đi, Nga đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc, đây cũng là một nguyên nhân khiến cho Mỹ bất an.

Nhưng báo Trung Quốc tuyên truyền cho rằng, cho dù nhập khẩu vũ khí tính năng cao của phương Tây cũng khó có thể sử dụng.

Trước hết sở hữu vũ khí có thể phát huy chức năng cảnh giới trên biển, vừa cần phải tiến hành đào tạo nhân lực để tìm hiểu tính năng của vũ khí phương Tây, vừa cần phải lần lượt nhập khẩu các loại vũ khí tính năng cao như máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu - đây phải là chiến lược lâu dài của Việt Nam.

Mỹ đã gần 40 năm không xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam, lần này hủy bỏ một phần cấm vận cũng là tượng trưng quan hệ song phương đạt được tiến triển.

Tàu CSB 8002 của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tại cảng Đà Nẵng (nguồn Tân Hoa xã)

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-quoc-phong/du-luan-truyen-thong-tq-noi-gi-khi-my-noi-ban-vu-khi-cho-viet-nam-post150673.gd