Dư luận về việc nhà mạng đòi tăng cước 3G: Tăng giá, chất lượng có tăng?

GiadinhNet - Dịch vụ OTT (Over the top)- ứng dụng, dịch vụ miễn phí trên Internet đang tăng mạnh khiến các nhà mạng lớn được cho là bị thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng/năm.

Dịch vu OTT (lướt web, chơi game online...) đã thành thói quen của người tiêu dùng, khi cước tăng họ ở thế buộc phải chấp nhận.

Ảnh: T.G.

Để giảm bớt thiệt hại này, đầu tháng 7, nhà mạng lại đề nghị cơ quan chủ quản cho tăng cước sau khi đã tăng cước từ tháng 4 khiến người tiêu dùng ngao ngán.

Âm thầm rồi công khai

Chị Nguyễn Thị Linh Dung (ngõ 189, phố Hoàng Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Nhà mạng âm thầm tăng cước nên tôi không hề biết. Chỉ đến khi tôi phát hiện thấy có sự bất hợp lý trong cước thanh toán phải gọi điện đến tổng đài thì mới hay, giá cước dịch vụ 3G đã được điều chỉnh tăng thêm 25% để tăng thêm 20% lưu lượng sử dụng. Số tiền mất thêm mỗi tháng tuy không quá lớn nhưng cảm giác bị bất ngờ khiến tôi khó chịu, hơn nữa mức tăng của tiền cao hơn mức tăng của lưu lượng sử dụng”.

“Thời buổi cạnh tranh, các nhà mạng phải giảm giá chứ không thể lại tăng giá. Họ không thể lấy lý do dịch vụ OTT gây thất thu để bắt người tiêu dùng phải chịu. Chưa kể, chất lượng dịch vụ 3G vẫn không ổn định, kết nối chập chờn, nhiều khi không vào được Internet. Việc đề nghị tăng cước thêm có phải nhà mạng “trả đũa” với hoạt động “chùa”?, chị Dung phân tích.

Bà Hà Thị Thanh Yên (khu đô thị mới Cầu Bươu, huyện Thanh Trì, Hà Nội) bức xúc: “Cước 3G tăng thêm 10.000 đồng/tháng, không nhiều nhưng không được thông báo khiến tôi cảm thấy bị coi thường. Trong khi đó, nhà mạng lại đang đề nghị tiếp tục tăng thêm cước 3G. Họ cứ thích là tăng, cứ kêu là được tăng thì không thuận lẽ tự nhiên cho lắm. Người tiêu dùng đang bộn bề nỗi lo vì hàng loạt các loại hàng hóa lên giá: giá xăng mới tăng chưa đầy nửa tháng, giá điện lại tăng thêm gần 5% bắt đầu từ tháng 8, rồi giá gas tăng… Cứ nói tăng không đáng kể nhưng mỗi thứ tăng một chút, cộng lại sẽ thành một khoản, một món. Kinh tế đang trong hoàn cảnh khó khăn, người dân đã khổ lắm rồi thì doanh nghiệp cần phải có biện pháp chia khó với người dân chứ”.

Điều chỉnh tăng cước 3G đầu tiên từ các nhà mạng

Bắt đầu từ tháng 4/2013, giá cước dịch vụ 3G trọn gói dành cho thuê bao Internet di động của nhà mạng MobiFone đã tăng thêm 10.000 đồng/tháng: Gói cước Internet không giới hạn MIU của MobiFone sẽ phải trả 50.000 đồng/tháng (trước đây chỉ 40.000 đồng). Gói cước tương tự của nhà mạng Viettel là MiMAX trước đây là 40.000 đồng nhưng khách hàng lại phải trả thêm phí duy trì 10.000 đồng/tháng.

Bà Trịnh Thị Hiền, Luật sư Tòa án cấp huyện tỉnh Hà Nam cho rằng: “Theo luật thì mọi sự mua bán đều theo hợp đồng. Hợp đồng ở đây chính là người tiêu dùng đồng ý sử dụng gói cước 3G không giới hạn với giá 40.000 đồng/tháng. Nên khi điều chỉnh tăng cước các nhà mạng phải tham khảo ý kiến từ phía người tiêu dùng. Tăng không thông báo là độc quyền, không đúng luật”.

Lo cho an ninh quốc gia?

Tuy nhiên, các nhà mạng lại lý giải rằng, những bức xúc từ người tiêu dùng là do người sử dụng chưa hiểu rõ được vấn đề cốt lõi. Đại diện Tổng công ty viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng: “OTT chạy trên nền Internet của các nhà mạng. Nghĩa là doanh nghiệp nước ngoài thu lợi trên nền tảng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, người tiêu dùng đã được hưởng lợi từ dịch vụ 3G khá dài do mức giá 3G của Việt Nam đang rẻ hơn tận 40 lần so với các nước châu Âu. Thời gian đầu các nhà mạng cạnh tranh rất mạnh nên đặt giá cước thấp hơn giá thành để mong lấp đầy lưu lượng đã đầu tư. Mức cước thấp khiến doanh nghiệp không đủ sức để tiếp tục đầu tư mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ”.

Theo ông Nguyễn Trọng Sơn, chuyên viên PR MobiFone , giá cước 3G hiện chỉ bằng 50% so với giá thành dịch vụ, thấp hơn Singapore 30 lần, rẻ hơn cước của Malaysia 5 lần… Vì vậy, MobiFone đã trình Bộ Thông tin - Truyền thông lộ trình điều chỉnh cước 3G trong khoảng 1 năm tới, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của khách hàng và doanh nghiệp.

Vị đại diện Viettel còn cho rằng, vấn đề quan trọng hơn không phải là tiền, mà là những nguy cơ về an ninh, an toàn cho cá nhân người sử dụng nói riêng và với xã hội nói chung.

Một số ứng dụng OTT cho thấy, khi đăng nhập, toàn bộ thông tin trong danh bạ điện thoại của người dùng sẽ được tải lên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ. Thậm chí, họ còn có điều khoản cung cấp những thông tin của người dùng cho bên thứ 3 khi có yêu cầu. Hiện nay cũng đã xuất hiện tin nhắn rác qua các dịch vụ OTT làm phiền lòng khách hàng.

Mai Hạnh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/mua-sam/du-luan-ve-viec-nha-mang-doi-tang-cuoc-3g-tang-gia-chat-luong-co-tang-20130805041857665.htm