Du ngoạn trên đường sắt Đà Lạt - Trại Mát

Nếu có dịp tới thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), du khách đừng bỏ lỡ cơ hội du ngoạn trên tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát để được hòa mình vào không gian thơ mộng, cổ kính và trải nghiệm cảm giác đi “hỏa xa” của người Việt cách đây gần một thế kỷ.

Nếu có dịp tới thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), du khách đừng bỏ lỡ cơ hội du ngoạn trên tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát để được hòa mình vào không gian thơ mộng, cổ kính và trải nghiệm cảm giác đi “hỏa xa” của người Việt cách đây gần một thế kỷ.

Tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm (Ninh Thuận) dài 84km, được khởi công từ năm 1908, nằm trong "chương trình đ­ường sắt xuyên Đông Dương" của Toàn quyền PaulDoumer. Năm 1928, nhà ga Đà Lạt do 2 kiến trúc sư­ ngư­ời Pháp là Moncet và Revéron cùng thiết kế cũng được khởi công xây dựng. Năm 1936, tuyến tàu lửa Đà Lạt - Tháp Chàm bắt đầu đi vào hoạt động. Hành trình từ Tháp Chàm lên tới Đà Lạt, tàu sẽ đi qua 9 ga với độ cao tăng dần từ 0-1.500m với nhiều cung đường, hầm xuyên núi quanh co, phức tạp, độ dốc lớn, nhiều đoạn tàu phải chạy trên những đường sắt răng cưa.

Trong một thời gian dài, đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm là tuyến giao thông quan trọng chuyên chở khách và hàng hóa khắp nơi trong cả nước tới Đà Lạt và ngược lại. Tuy nhiên, từ năm 1972, do chiến tranh ác liệt nên nhiều đoạn của tuyến đường bị phá hủy, phải dừng hoạt động. Sau năm 1975, một đoạn đường sắt dài 7km từ nhà ga Đà Lạt đi Trại Mát được khôi phục nhằm phục vụ du lịch. Hiện nay, nhà ga Đà Lạt vẫn còn 2 đầu máy xe lửa, trong đó 1 chiếc là đầu máy hơi nước cổ và 2 toa xe đã ngừng hoạt động, chỉ để trưng bày cho du khách tham quan, 1 đầu máy đi-ê-zen cùng 4 toa tàu khác đang hoạt động phục vụ du khách.

Ấn tượng đầu tiên khi du ngoạn trên tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát là khung cảnh nơi đây mang đậm vẻ cổ kính, thơ mộng. Nhà ga Đà Lạt được thiết kế với phong cách kiến trúc giống các nhà ga đường sắt ở châu Âu, ga có 3 mái hình chóp, lợp ngói đỏ, vươn cao lên trời xanh tựa như đỉnh núi Langbiang, chiếc đồng hồ lớn đặt trên đỉnh tháp giữa đã mãi dừng lại ở mốc thời gian 17 giờ 50 phút. Trong nhà ga, mọi nội thất như gạch lót sàn, ghế chờ, phòng bán vé, trần ga, những ô kính màu và cả những dòng chữ Quốc ngữ “đời đầu” như “cáo thị giờ tàu”, “lý trình hỏa xa” đều được giữ nguyên như lúc ga mới khánh thành. Trong sân ga, chiếc đầu máy chạy bằng hơi nước cồng kềnh, phủ màu đen, đỗ trên đường ray như “chứng nhân” lặng lẽ của ga Đà Lạt; cạnh đó là những toa tàu thô sơ, dãy nhà kho, nhà nghỉ làm nơi cất giữ hàng hóa hoặc chốn nghỉ qua đêm cho hành khách cũng nhuốm màu rêu phong. Tất cả khiến cho du khách cảm giác như thời gian nơi đây đã dừng lại từ lâu lắm và trước mắt họ là một nhà ga với những chuyến tàu và những hành khách của một thời xưa cũ.

Sau khi mua vé tham quan, con tàu sẽ kéo một hồi dài và chậm rãi chuyển bánh đưa du khách đi về phía ngoại ô Đà Lạt. Dọc hai bên đường là màu vàng rực của hoa dã quỳ vào cuối thu, nhuộm hồng hoa anh đào vào đầu xuân, du khách sẽ bắt gặp nhiều hình ảnh đặc trưng và xưa cũ của Đà Lạt, đó là những ngôi nhà gỗ màu xám ẩn hiện giữa những khu vườn bát ngát; những thung lũng phủ đầy sương, rừng thông xanh ngắt và ở cuối cung đường là một ga xép nhỏ nhoi, cô đơn, cũ kỹ như chính hình ảnh của nó cách đây gần một thế kỷ. Tại đây, du khách có thể tham quan phố chợ Trại Mát, vãn chùa Linh Phước có kiến trúc rất độc đáo do được làm từ những mảnh vỡ của sành sứ hoặc ghé thăm vườn rau, hoa ôn đới của nông dân Đà Lạt, sau đó lên tàu trở về nơi xuất phát.

Chuyến hành trình trên đường sắt du lịch Đà Lạt - Trại Mát chính là chuyến đi ngược thời gian để trở về với vẻ đẹp rất xưa, rất đỗi giản dị mà nên thơ của phố núi Đà Lạt./.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=40&itemid=33402