Dự thảo "Chuẩn hiệu trưởng": Khó tìm ra hiệu trưởng "xấu"

Giadinh.net - Theo Dự thảo "Chuẩn hiệu trưởng" do Bộ GD&ĐT mới công bố, hiệu trưởng các trường THPT và THCS sẽ được chấm điểm theo 5 tiêu chuẩn với 30 tiêu chí. Nhiều người lo ngại, nếu áp dụng chuẩn này máy móc, có thể không tìm thấy hiệu trưởng "xấu".

Hiệu trưởng phải có "bản lĩnh đổi mới" (?!) Theo dự thảo "Chuẩn hiệu trưởng" mà Bộ GD&ĐT đưa ra mới đây, Hiệu trưởng các trường THPT và THCS sẽ được "chấm điểm" theo 5 tiêu chuẩn: Phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp; Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; Năng lực lãnh đạo; năng lực quản lý; Năng lực xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Thang chấm điểm theo mức tối đa là 300. Trong 5 tiêu chuẩn, dự thảo "Chuẩn hiệu trưởng" quy định 30 tiêu chí. Một số tiêu chí quan trọng liên quan đến đạo đức và giáo tiếp như: Về phẩm chất đạo đức, hiệu trưởng phải yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và vì lợi ích dân tộc; Có khả năng động viên, khích lệ giáo viên, cán bộ, nhân viên và học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ; được tập thể giáo viên, cán bộ, nhân viên tín nhiệm... Về đạo đức nghề nghiệp, phải gương mẫu chấp hành các quy chế của ngành, quy định của nhà trường và kỷ luật lao động; Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; Trung thực, tâm huyết với nghề nghiệp và có trách nhiệm trong quản lý nhà trường; Có lối sống lành mạnh, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập... Về giao tiếp ứng xử, có cách thức giao tiếp, ứng xử đúng mực và có hiệu quả. Về năng lực ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin, hiệu trưởng phải sử dụng được một ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc (đối với hiệu trưởng công tác tại trường dân tộc nội trú, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số)... Về năng lực lãnh đạo nhà trường, yêu cầu mỗi hiệu trưởng phải có khả năng phân tích và dự báo; Nắm bắt kịp thời những chủ trương của ngành; Hiểu biết về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, địa phương; Có tầm nhìn chiến lược; Quyết đoán, có bản lĩnh đổi mới; Có khả năng ra quyết định đúng đắn, kịp thời và dám chịu trách nhiệm về các quyết định nhằm đảm bảo cơ hội học tập cho mọi học sinh, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của nhà trường... Chung chung, thiếu thực tế Theo nghiên cứu của TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (Bộ GD&ĐT), xây dựng chuẩn hiệu trưởng phải đáp ứng được 3 yếu tố: Các giá trị cơ bản hiệu trưởng phải tuân thủ, các công việc họ phải biết và có khả năng thực hiện, sự đánh giá công nhận kết quả của hiệu trưởng. Ở nhiều nước, việc xây dựng chuẩn này được ban hành bởi các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội - nghề nghiệp, không chỉ do các cơ quan nhà nước xây dựng. Vì vậy, chuẩn phải đủ để đào tạo những người muốn làm hiệu trưởng và là căn cứ để đánh giá những người đương nhiệm. Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH) nhận xét, nên đưa đạo đức nhà giáo vào luật nhưng đạo đức được đánh giá như trên không thể định lượng được. Ngoài ra, chuẩn cũng yêu cầu mỗi hiệu trưởng ở trường THPT miền núi phải giỏi tiếng dân tộc là thiếu thực tế. Hiện, chúng ta đang tiến hành luân chuyển giáo viên, hầu hết hiệu trưởng ở trường miền núi đều là người Kinh nên khó đáp ứng yêu cầu. Nên chăng, chuẩn hiệu trưởng cần có quy định cụ thể cho từng vùng riêng biệt. Theo ôngVăn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), dự thảo chuẩn này quá chung chung. Chẳng hạn hiệu trưởng phải "có tầm nhìn chiến lược, quyết đoán, có bản lĩnh đổi mới...". Vậy lấy thước nào để đo những tiêu chí này? Có đến 30 tiêu chí trong bộ chuẩn là quá nhiều và không cần thiết. Tốt nhất nên thu hẹp còn khoảng 10 tiêu chí, tập trung ở các điểm: Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, tư cách đạo đức và hiệu quả giáo dục. Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cho biết, trường đã áp dụng thí điểm việc học sinh đánh giá giáo viên và giáo viên, học sinh đánh giá hiệu trưởng. Tuy nhiên, khi thực hiện, có nhiều tiêu chí chưa cụ thể và rõ ràng. Cứ áp dụng tiêu chí Bộ đưa ra, khó tìm thấy giáo viên và hiệu trưởng "xấu" vì ai cũng đạt loại khá trở lên. Vì vậy, trường phải "biến tấu" theo cách phát phiếu cho từng học sinh, trong đó không ghi tên tuổi, chỉ ghi lớp để đánh giá cách dạy của giáo viên trong năm học. Giáo viên cũng được phát phiếu để chấm điểm hiệu trưởng vào cuối năm học. Cách này có thể tìm thấy giáo viên và hiệu trưởng chưa đạt. Hạnh Nguyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20091016110652884p0c1000/du-thao-chuan-hieu-truong-kho-tim-ra-hieu-truong-xau.htm