Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động: Rà soát, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan trong thực hiện chức năng nhiệm vụ Cảnh sát cơ động, đặc biệt, trong quá trình thực hiện biện pháp vũ trang của lực lượng Cảnh sát cơ động.

Cho ý kiến tại Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khai mạc ngày 15/2), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Ủy ban Quốc phòng An ninh đã phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan có liên quan, tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Cảnh sát cơ động tương đối đầy đủ, toàn diện.

Về phương án hoàn thiện dự thảo, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần bám sát Nghị quyết số 40-NQ/TW ngày 8/11/2004 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới. Nhấn mạnh, Nghị quyết số 40-NQ/TW ghi rõ: tăng cường lực lượng Cảnh sát cơ động chống bạo loạn khủng bố, bố trí lực lượng này ở những địa bàn trọng điểm, với trang bị phù hợp và sự chỉ huy thống nhất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát toàn bộ dự án luật này đã đảm bảo được nguyên tắc và yêu cầu đề ra tại Nghị quyết.

Toàn cảnh phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần tiếp tục rà soát tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan trong thực hiện chức năng nhiệm vụ Cảnh sát cơ động, đặc biệt, trong quá trình thực hiện biện pháp vũ trang của lực lượng Cảnh sát cơ động.

“Khi thực hiện các biện pháp vũ trang của lực lượng chức năng nói chung và lực lượng Cảnh sát cơ động nói riêng sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân… Trong đó, có cả trong nước và quốc tế. Do đó, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu có điều khoản quy định về giải thích từ ngữ. Quy định này cần cụ thể, rõ ràng, đảm bảo Luật Cảnh sát cơ động sau khi ban hành có tính khả thi cao, phát huy hiệu quả trên thực tế.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Nhiều ý kiến đề nghị, cần giữ điều khoản về giải thích từ ngữ. Trong đó, cân nhắc quy định rõ về biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, biện pháp vũ trang là biện pháp vô cùng quan trọng thuộc 1 trong 20 nhóm nhiệm vụ quyền hạn của công an nhân dân nói chung được quy định trong Luật Công an nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, các luật có liên quan cũng chưa có quy định cụ thể về biện pháp vũ trang. Bên cạnh đó, các văn bản dưới luật cũng chưa quy định thế nào là biện pháp vũ trang, trong khi đó thì dự thảo luật quy định Cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội,…

"Biện pháp vũ trang rất quan trọng trong Luật Cảnh sát cơ động, tuy nhiên, nội hàm lại không rõ. Cần cân nhắc, nên chăng có quy định cho rõ để các cơ quan có cơ sở yên tâm thực hiện nhiệm vụ và có tính ràng buộc phạm vi áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ, tránh sự lạm dụng nếu có..", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.

N.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-thao-luat-canh-sat-co-dong-ra-soat-dam-bao-thong-nhat-voi-he-thong-phap-luat-post181562.html