Dự thảo Luật về Hội còn nhiều bất cập

Ngày 7/7, tại Hà Nội, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi chính phủ (NGO-IC) tổ chức hội thảo “Môi trường pháp lý cho các tổ chức xã hội, nhu cầu đặt ra đối với Luật về Hội”.

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo.

Đã hơn 20 năm, kể từ khi bắt đầu triển khai năm 1990 đến khi có Dự thảo năm 2006 đến nay, sau nhiều lần dự thảo, trình Quốc hội nhưng cho đến nay, Luật về Hội vẫn chưa được thông qua. Trước yêu cầu cấp thiết, Quốc hội đã đưa Luật về quyền lập hội vào Chương trình xây dựng luật năm 2015, trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ tiếp tục được chủ trì xây dựng Dự thảo Luật lần nữa. Dự kiến cuối năm 2016, Luật về Hội tiếp tục được đưa ra trình Quốc hội.

Theo đa số ý kiến tham gia tại Hội thảo, dù đã tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện hơn so với bản dự thảo 10 năm trước, nhưng Dự thảo luật vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực hiện quyền lập hội của công dân, cũng như yêu cầu của Hiến pháp năm 2013.

Hiện tại, Dự thảo Luật về Hội được chỉnh sửa chủ yếu dựa trên Tờ trình số 578/TTr-CP ngày 27/10/2015 của Chính phủ trình Quốc hội. Chính phủ đã nêu rõ quan điểm về những chính sách phải được thể hiện trong Luật về Hội.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho ý kiến về một số chính sách cụ thể như: Luật về Hội nên hay không nên điều chỉnh các hội không có tư cách pháp nhân (như hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, đồng hương, dòng họ…) ? Quan điểm của Chính phủ là không đưa nhóm các hội này vào đối tượng điều chỉnh. Luật có nên/không nên quy định cho phép người nước ngoài đang sống, làm việc hợp pháp tại Việt Nam lập hội? Quan điểm của Chính phủ là nên cho phép với những điều kiện cụ thể do Chính phủ quy định. Chính phủ đề nghị Luật về Hội áp dụng đối với cả các tổ chức phi chính phủ trong nước (quỹ xã hội, từ thiện, viện nghiên cứu, trung tâm…); đề nghị Luật về Hội quy định theo hướng Nhà nước đảm bảo kinh phí cho các hội quần chúng được thành lập theo nhu cầu của Đảng và Nhà nước; đề nghị Luật về Hội quy định theo hướng người đại diện theo pháp luật của hội phải được Nhà nước công nhận; đề nghị Luật về Hội nên có quy định tổ chức chung của hội, còn cơ cấu tổ chức nội bộ của hội do Điều lệ hội quy định cụ thể…

Hội thảo đề cập đến quyền tự do lập hội của công dân. Theo Luật sư tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao-Viện Chính sách, pháp luật và phát triển: Dự thảo Luật về Hội chưa có quy định hướng tới giải quyết những vấn đề như: giải pháp chính sách nhằm tạo điều kiện để hội có năng lực tài chính, giảm thiểu sự bao cấp; không bao gồm các quy định về cơ chế xã hội hóa dịch vụ công, phân bổ, giao kinh phí nhà nước theo nhiệm vụ các hội; Không bao gồm chính sách thuế đối với hoạt động hội…

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phạm Văn Tân- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA cho biết: Những ý kiến đóng góp của các luật sư, nhà nghiên cứu và các tổ chức sẽ được tập hợp và chuyển tới Quốc hội để góp ý tiếp tục xây dựng Dự thảo Luật về Hội.

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan/du-thao-luat-ve-hoi-con-nhieu-bat-cap/109374