Dự thảo nên phù hợp thực tế

Để cải thiện môi trường kinh doanh của các NHTM, thời gian qua NHNN đã ban hành nhiều dự thảo Thông tư để thu thập ý kiến. Tuy nhiên, trong đó có nhiều dự thảo vấp phải sự phản đối của dư luận và các chuyên gia.

Chẳng hạn như dự thảo cho phép NH thu phí nộp tiền mặt với mức không quá 0,05% số tiền nộp. Theo cơ quan soạn thảo, lâu nay các NH đã tiến hành thu phí giao dịch tiền mặt nhưng mỗi NH áp dụng một mức phí khác nhau, nên dự thảo này quy định mức trần là 0,05% và NH có thể áp dụng với mọi giao dịch nộp tiền, dù cùng tỉnh, thành hay không và đây cũng là giải pháp đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

Song trên thực tế, các NH chỉ thu phí nếu khách hàng nộp tiền vào tài khoản thanh toán khác tỉnh, thành và mức phí thấp hơn nhiều so với mức 0,05%. Còn nếu áp dụng với mọi giao dịch, điều này sẽ làm cho người dân giảm động lực gửi tiền vào NH, nhất là những người có thu nhập thấp. Ngay cả ở các nước trong khu vực, hiện nay NH cũng chỉ thu phí khi khách hàng chuyển khoản hay rút tiền chứ không thu phí khi người dân nộp tiền mặt vào NH. Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, việc thu phí nộp tiền mặt sẽ gây khó khăn đối với việc huy động vốn, thậm chí có ý kiến cho rằng NH nào thu phí như vậy là tự giết chết mình.

Mới đây, NHNN tiếp tục đưa ra dự thảo về việc yêu cầu NH muốn thực hiện cho vay tiêu dùng phải có công ty tài chính (CTTC) gây ra nhiều lo ngại cho các NHTM. Theo lãnh đạo một NHTMCP, mỗi NHTM phát triển theo một chiến lược riêng, nên để NH nào cần đẩy mạnh bán lẻ thông qua CTTC sẽ mua lại các CTTC, hiện vẫn có những thương vụ tự nguyện như HDBank mua lại CTTC Việt Socíeté Générale (SGVF), hay thương vụ MaritimeBank mua lại CTTC cổ phần Dệt may Việt Nam, VPBank mua lại CTTC Than - Khoáng sản, SHB đề xuất mua lại CTTC cổ phần Vinaconex Viettel và Techcombank đề nghị mua lại CTTC Hóa chất Việt Nam.

Còn mảng tín dụng cá nhân của nhiều NH vẫn đang hoạt động rất tốt, tăng trưởng cao, nợ xấu thấp hơn cho vay doanh nghiệp nên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động NH hay làm tăng tỷ lệ nợ xấu, họ không cần CTTC cũng không nên ép.

Khi dự thảo này đưa ra, không ít NH nghĩ việc do áp lực thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn đang rất lớn, trong khi các CTTC nhà nước yếu kém khó tìm được nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nên dự thảo Thông tư đưa ra nhằm mở lối thoát cho các CTTC? Lãnh đạo một số NH khẳng định, giả sử dự thảo này được thực thi, NH buộc phải thực hiện họ cũng sẽ chọn cách thành lập CTTC mới để nắm quyền chủ động chứ không thể hỗ trợ “dọn dẹp” các CTTC yếu kém.

Sau khi các dự thảo trên được đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo nên đứng ở góc độ người dân, góc độ các nhà kinh doanh để thiết lập các quy định phù hợp. Cho đến nay, CTTC vẫn chưa được quản lý chặt chẽ thông qua hàng loạt quy định như các NHTM, nhiều CTTC chạy theo chỉ tiêu cho vay với lãi suất cao, tiêu chí xét duyệt khách hàng dễ dãi gây ra nợ xấu cao. Còn nếu áp dụng các quy tắc bắt buộc về chất lượng tín dụng dành cho NHTM vào CTTC thì các công ty này lại không thể cho vay được.

HDBank đi tiên phong trong việc mua lại CTTC
nhưng không phải NH nào cũng làm được. Ảnh: LONG THANH

Vì vậy, thay vì vội vã đưa ra dự thảo, trước đó, NHNN thu thập ý kiến của NHTM, CTTC, chuyên gia kinh tế và người dân về nhu cầu thực tế và nghe đề xuất giải pháp để phát triển cho vay tiêu dùng sau đó ban hành dự thảo. Điều này sẽ giúp các dự thảo đưa ra sẽ không chỉ nằm trên giấy và bị quên lãng mà sẽ đi vào thực tế, giúp các NHTM có thể định hướng phát triển bền vững.

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20141004/du-thao-nen-phu-hop-thuc-te.aspx