Du xuân xứ Bắc Hà

Giờ đón xuân, nhiều bạn trẻ chọn cho mình một cách hào hứng và gần gũi với thiên nhiên. Xứ Bắc Hà (Lào Cai) trở thành một điểm đến hấp dẫn với những món đặc sản quyến rũ, ngày càng thu hút nhiều du khách thập phương. Đến đó, không chỉ được trải nghiệm mà mỗi người còn có cơ hội khám phá, giao lưu và ghi lại những ký ức đẹp về vùng cao nguyên trữ tình đầy hoa này.

Đặc sắc chợ Bắc Hà

1. Bắc Hà không còn xa, bởi đường nhựa uốn lượn theo đèo và dốc đã "bắc nhịp” đến thị trấn và một số xã của huyện. Mỗi dịp cuối tuần, khách dưới xuôi lên rất đông. Thi thoảng lại có những tốp người cưỡi xe máy vén sương mù, bò dốc hướng về miền hoa mận trắng. Thi thoảng họ dừng lại, lưu vào máy ảnh những bức hình mà mảnh đất cùng con người ở đây… làm dáng! Với người thích "phượt” như tôi, năm nào cũng có trải nghiệm như vậy bởi tôi yêu cái vẻ đẹp trắng đến diệu kỳ của hoa mận; bởi yêu những đêm xòe người bản địa hết lòng tổ chức thết đãi khách, yêu thứ rượu uống đến mềm môi mà vẫn tỉnh táo, yêu cả những ánh mắt e ấp của các thiếu nữ chuẩn bị váy áo xúng xính du xuân.

Theo tìm hiểu, loại mận ở Bắc Hà là mận Tam hoa đã được trồng ở đây từ hơn 30 năm trước. Vào mùa hè, mận đã đóng góp một phần rất đáng kể vào thu nhập của người dân địa phương. Mùa xuân đến, muôn hoa đua nở và cùng với hoa cải, hoa mai, hoa đào, hoa mận - thứ đặc sản tuyệt diệu trang điểm cho mảnh đất này trở nên rực rỡ hiếm có. Cũng chính vẻ đẹp này đã khiến biết bao người say mê. Vựa hoa mận tập trung ở các xã Bản Phố, Na Hối, Tả Chải, Lầu Thí Ngài, Nậm Mòn… với hơn 1.000ha. Dưới những tán hoa mận đó là những nếp nhà sàn êm đềm, chứa đựng bản sắc văn hóa độc đáo của bà con dân tộc Mông, Tày, Nùng… Và hơn nữa, những canh hát, những điệu múa xòe mùa xuân đủ níu lòng mỗi ai đến thăm, cũng tạo nên không khí xuân ấm áp, làm cho hoa thêm rộ nở. Nơi phát tích và cũng là nơi làm cho các điệu xòe Bắc Hà vang xa là xã Tả Chải. Xưa, xòe ở đây chủ yếu phục vụ thổ ty, dòng dõi Hoàng A Tưởng, các thống lý thân cận. Đúng đêm 30 Tết, khi tiếng gà gáy đầu tiên của năm mới vang lên cũng là lúc hội xòe bắt đầu. Xòe Tả Chải ngoài bản sắc tự nhiên, lại được kết hợp với điệu valse của Pháp (Trong thời gian giúp xây dựng dinh Hoàng A Tưởng 1914 đến năm 1921) khiến cho điệu múa này càng tăng thêm tính sôi động, vui tươi. Nay, xòe trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng của bà con nơi đây. Mỗi khi có hội, có lễ (lễ lồng tồng, lễ cúng rừng, lễ mừng cơm mới…), người Tả Chải lại tổ chức múa xòe. Xòe để cây lúa thành bông, cây ngô ra bắp, trai gái thành đôi; xòe để quên đi những mệt nhọc của cuộc sống bộn bề hàng ngày. Vào ngày 5-1 âm lịch, hội xòe được tổ chức tại địa phương cầu cho mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà. Đây là dịp mà những hội xòe được tổ chức sôi động nhất, kéo dài nhất và thu hút nhiều thanh niên nam nữ nhất. Cái nhìn của trai gái ngộ nghĩnh, vẻ đẹp của trai gái hoang hoảng và bình dị như cây rừng, tình yêu của họ cũng thanh khiết và men rượu, men tình yêu cứ mềm môi, chảy mãi, ngọt mãi trong suốt mùa xuân ấm.

2. Bắc Hà có thương hiệu rượu Bản Phố độc đáo và là thứ đặc sản mà bất cứ ai đến mảnh đất này cũng muốn thưởng thức. Rượu Bản Phố được ngựa cõng xuống chợ phiên, được các mẹ, các chị, các em bán với một tâm trạng hứng khởi, nhiệt tình. Khách chỉ cần sà vào hỏi cũng được mời nếm thử; nếm nhiều hàng đến say ngất ngư cũng chẳng ai tỏ thái độ khó chịu. Cái lòng của người dân mến khách đã khiến cho hương rượu trở nên nồng nàn hơn. Men rượu Bản Phố được làm từ hạt hồng my, cây hồng my mọc trên núi cao. Cách nấu rượu của người dân không công thức cầu kỳ nhưng có bí quyết riêng, mà nếu mang công thức ấy đi chế biến rượu ở nơi khác sẽ không cho ra thứ rượu ngon như ở nơi này. Nước nấu rượu Bản Phố phải lấy từ suối Hang Dể, phải thấm cái sương núi khí trời ở Bản Phố vào hạt ngô, phải ngấm cái nắng, cái gió của núi rừng Hoàng Liên vào hoa, vào hạt hồng my. Người dân cho biết, ở Bản Phố hầu như mọi phụ nữ đều biết uống rượu nhưng không ham, họ chỉ uống vào dịp đặc biệt hoặc khi có khách. Tất nhiên, vào mùa xuân hương rượu sẽ làm cho má thiếu nữ hồng hơn, để dưới tán mận Tam hoa, màu trắng tinh khôi càng trở nên tinh khôi.

Du xuân vùng cao Bắc Hà sẽ cho du khách nhiều trải nghiệm và thưởng thức thắng cố, tham gia vào phiên chợ xuân sẽ để lại nhiều ấn tượng. Cũng như cách bán rượu, người dân nơi đây cũng biết mặc cả, nhưng chỉ để cho vui. Họ không nói thách, không bán đắt, thứ gì cũng rẻ và thật thà như đếm. Ví như có một vị khách mua mèo hỏi: "Con mèo này có bắt chuột được không?”. Người bán lắc đầu: "Chuột thì không bắt được, nhưng ăn vụng thì giỏi lắm!” Có thể nói, người dân xứ này có một "văn hóa chợ” mà ít nơi có được. Nó được hình thành từ nếp sống, từ cuộc sống bình lặng và được hun đúc từ nhiều đời. Chợ Bắc Hà được chia ra các khu nhỏ mang tính chất đặc trưng như khu ẩm thực, khu thổ cẩm, khu bán ngựa và trâu, khu gia cầm, khu bán chim, khu bán đồ rèn đúc, khu bán thực phẩm… Mỗi khu đều phong phú, đa dạng và mang màu sắc dân tộc địa phương. Chợ không chỉ là nơi giao lưu hàng hóa, mà còn là chỗ sinh hoạt văn hóa, nơi bè bạn gặp nhau trò chuyện, tán gẫu, cùng sà vào quán rượu uống cho say sau một tuần làm việc mệt nhọc. Tan chợ, ai về nhà nấy tiếp tục công việc ruộng nương, chăn nuôi của mình. Trước đây đường xá khó khăn, người dân xuống chợ bằng… hai chân. Nhà nào sang thì có ngựa thồ hàng, chở người. Khách đến đây thường nhìn thấy hình ảnh người đàn ông say rượu, nằm vắt ngang lưng ngựa, còn người vợ thì dắt đi. Hay hình ảnh người chồng uống rượu say nằm ở lề đường, người vợ nhẫn nại, đứng che ô cho chồng ngủ cho hết cơn say mới tiếp tục về nhà. Đây có lẽ là những hình ảnh thuộc diện đẹp và lãng mạng nhất ở vùng cao Tây Bắc. Nó thể hiện người phụ nữ rất cam chịu, thương chồng, yêu con và hết mực chăm lo cho cuộc sống gia đình. Nay đường đã "bò” vào nhiều thôn bản, kinh tế khá hơn, người dân sắm được "thằng xe máy” nên dịp cuối tuần cả gia đình cưỡi xe xuống chợ. Người ở gần thì tiện lúc nào là xuống chợ, có khi chẳng mua gì, chỉ đi ngắm một vòng. Nhưng với bọn trẻ con thì khác, chúng nhem nhuốc nhưng khá năng động và thích chợ. Chủ nhật được nghỉ học, có khi đường xuống chợ dài cả chục cây số, nhưng chúng cứ rủ nhau chạy bộ xuống chỉ để mua một vài cái kẹo, gặm một khúc mía rồi ra về, rất hả hê.

3. Đường xuống chợ mùa này rất đẹp. Đường có sương rơi, phía xa trập trùng núi với những đám mây trắng bao phủ. Trên các con dốc, thi thoảng lại có những cô gái đi thành từng tốp, như hiện ra từ trong sương, như đến từ xứ sở đầy ảo mộng và trên khuôn mặt như rấp rính cánh hoa mận mỏng manh. Các cô ăn mặc đẹp, xòe ô che mái tóc thơm sơn nữ, nụ cười hiền nở trên môi. Cuộc sống hiện đại dần lên, các cô đi chợ, đi chơi xuân không chỉ làm dáng bằng quần áo, đồ trang sức mà mỗi cô còn kèm theo một cái a-lô (điện thoại) rất thời trang. Và sẽ thật hân hạnh nếu được các cô quý mến, tiếp chuyện và mời về nhà. Với người vùng cao này, khách dưới xuôi lên đều là khách quý. Khách đến nhà sẽ được mời uống rượu ngô. Tôi vô cùng ấn tượng với lời mời của cô gái Ma Seo Lý (xã Bản Phố), cách chợ phiên chừng năm cây số. Nhà Lý có cả một vườn mận lớn, nghe đâu ông của cô là một trong những người trồng mận giỏi nhất Bắc Hà. Lý xinh xắn, hát hay và thú thật, cô uống rượu cũng không tồi. Buổi tối gặp mặt, có cả nhiều thanh niên trong xã, cô không chỉ thết đãi mọi người món gà chạy bộ, rượu ngô mà còn những lời ca làm đắm say lòng người. Giọng cô trong trẻo như được pha cả tinh khiết của sương gió vùng cao. Căn bếp bập bùng ánh lửa, ai cũng hào hứng vỗ tay cùng hát. Hát cổ vũ gia chủ, cổ vũ Lý, cổ vũ cho xuân cao nguyên đẹp tuyệt giữa đại ngàn.

Trong nhiều mùa xuân vùng cao, trong nhiều sự trải nghiệm, đây là mùa xuân để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Bởi dường như tôi đã hiểu và nhận được trọn vẹn sự thân thiện của con người xứ sở này.

Diên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=75254&menu=1434&style=1