Đưa doanh nghiệp nhà nước thua lỗ vào giám sát đặc biệt

Đây là nội dung của Nghị định 61/2013/NĐ-CP về Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Đây là nội dung của Nghị định 61/2013/NĐ-CP về Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Nghị định có hiệu lực từ 15/8/2013. Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước bị giám sát tài chính đặc biệt nếu tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm hoặc qua công tác giám sát tài chính, kiểm toán phát hiện có tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc một trong 4 trường hợp sau:

Thứ nhất, kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định.

Thứ hai, có số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu.

Thứ ba, có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.

Thứ tư, báo cáo không đúng thực tế về tài chính, làm sai lệch lớn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Nghị định này được xem là thúc đẩy các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả, tích cực hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc đánh giá một doanh nghiệp sau hai năm làm ăn là thời gian quá ngắn. Do vậy, nếu cố tình để tồn tại, DN dễ dàng dùng thủ thuật để lách luật.

Theo các chuyên gia cần quy rõ trách nhiệm từng cá nhân để thua lỗ

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, chế tài giám sát tài chính mới là một liều thuốc mạnh, thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế còn muôn vàn khó khăn như hiện nay, chế tài này cũng là một "quả tạ" ngàn cân đè nặng lên tâm lý của các doanh nghiệp Nhà nước.

Theo ông Phong, để quy chế giám sát tài chính này hiệu quả hơn ngoài việc gây áp lực đối với các doanh nghiệp Nhà nước nằm trong diện giám sát đặc biệt sẽ phải chuyển đổi, thay thế người đứng đầu doanh nghiệp khi làm ăn thua lỗ trong một khoảng thời gian nhất định thì nên thay thế giám đốc hơn là chuyển đổi, buộc phá sản. Khi giám đốc làm không tốt sẽ có quy chế đấu thầu, kỷ luật, chịu trách nhiệm.

Còn chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành thì cho rằng, cần quy rõ trách nhiệm từng cá nhân để thua lỗ.

Theo ông Thành, một khi doanh nghiệp đã nằm trong diện giám sát đặc biệt thì cần sự quan tâm, quản lý sát sao hơn từ phía Nhà nước và cơ quan chủ quản. Các cơ quan này phải thường xuyên theo dõi sự hoạt động của ban giám đốc, ban lãnh đạo công ty và quy rõ từng trách nhiệm, nhiệm vụ của mỗi người trong ban lãnh đạo.

Hiệu quả kinh doanh, hoạt động của công ty này phải được đánh giá theo từng tháng, quý. Hơn nữa, đối với doanh nghiệp Nhà nước nằm trong diện giám sát đặc biệt, cơ quan chủ quản cần bầu ra một ban giám sát để kiểm tra đường đi nước bước của họ trong từng giai đoạn và có phương hướng điều chỉnh kịp thời và hợp lý. Nếu trong một vài quý mà ban lãnh đạo vẫn không có chuyển biến tích cực thì cần phải thay đổi ngay nhân sự.

Phương Nguyên (Tổng hợp Thời báo ngân hàng, Người đưa tin)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/dau-tu-tai-chinh/201308/dua-doanh-nghiep-nha-nuoc-thua-lo-vao-giam-sat-dac-biet-2351848/