Đưa 'hơi thở cuộc sống' vào đề kiểm tra học kỳ

GD&TĐ - Từ ngày 10 – 23/12, HS tại TPHCM bước vào kỳ kiểm tra học kỳ 1 năm học 2016 - 2017. Điều đặc biệt trong đợt kiểm tra này, tại nhiều trường và nhiều quận, huyện đã có sự đổi mới trong việc ra đề kiểm tra cho các môn học khi lồng ghép các vấn đề thời sự từ thực tế vào, khiến phụ huynh HS, thậm chí cả giáo viên cũng thấy bất ngờ và thú vị.

Môn Văn nói về “ông bà anh” và hướng nghiệp

Trong môn đầu tiên của đợt kiểm tra học kỳ 1, HS khối 12 của Trường THPT Trường Chinh (quận Tân Bình) không khỏi bất ngờ khi đề Ngữ văn sử dụng nguyên lời bài hát Ông bà anh của tác giả Lê Thiện Hiếu vào phần đọc hiểu. Đây cũng là bài hát đã gây “bão” trong cộng đồng mạng thời gian qua bởi ca từ và giai điệu mới lạ của nó.

Sau đó, đề đưa ra sáu yêu cầu liên quan để HS làm bài như phong cách ngôn ngữ văn bản, biện pháp tu từ... Đề còn yêu cầu các em nêu sự khác nhau tình yêu giữa hai thế hệ hoặc đề cập đến những hiện tượng trong cuộc sống hiện nay, nêu quan điểm tình yêu xưa và tình yêu ngày nay.

Em Nguyễn Anh Tuấn - Học sinh lớp 12 - cho biết không chỉ em mà cả lớp phải cười ồ lên khi lần đầu tiên thấy đề đưa bài hát đang rất “hot” này vào.

Em thấy cách ra đề thế này rất thú vị, khiến kỳ kiểm tra nhẹ nhàng chứ không bị áp lực về những kiến thức đã ôn tập một cách nặng nề trước đó.

Nói về cách ra đề này, cô Dương Ngọc Yến - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn - cho rằng, quan điểm của tổ khi ra đề kiểm tra là phải ra những nội dung nào mà các em chưa từng học và chưa từng thấy đâu đó. Từ đó, các em sẽ tự nắm bắt, tự hiểu ý nghĩa của nó bằng những kiến thức đã học và vốn sống của các em.

“Đây là bài hát có ca từ đẹp và gần gũi. Nhiều em thuộc và hát nghêu ngao nhưng chưa chắc đã hiểu được nó. Vì thế, chúng tôi muốn gửi đến các em thông điệp về một tình yêu trong sáng, nhân văn, không vụ lợi để các em có ý thức hơn vì các em đã 18 tuổi rồi nên rất cần được trang bị những kiến thức này” – cô Yến nói.

Cũng gần gũi với thực tế nhưng đề Ngữ văn lớp 12 ở Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) lại mang một nội dung có vẻ khô khan nhưng không kém thời sự khi đề đưa ra một đoạn bài viết trên báo Tuổi Trẻ nói về hậu quả việc chọn nghề thụ động để các em suy nghĩ.

Theo lí giải của cô Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trường đã đưa những vấn đề thời sự thực tế vào những đề kiểm tra bởi nó không chỉ là ngữ liệu để các em hiểu thêm kiến thức, cảm nhận sâu sắc hơn để bài làm, mà cách ra đề như vậy sẽ phần nào nhắc nhở, giáo dục và định hướng thêm cho các em về vấn đề hướng nghiệp, vấn đề mà tuổi các em đang quan tâm nhất.

Thú vị với đề thi Giáo dục công dân

Sau khi kết thúc những môn kiểm tra đầu tiên, nhiều phụ huynh HS tại các trường THCS ở quận 3 đều tỏ ra thích thú và bất ngờ khi thấy đề môn Giáo dục công dân (GDCD) đề cập đến nhiều sự kiện thời sự trong cuộc sống thời gian qua. Theo các trường, đây cũng là năm đầu tiên môn GDCD được tổ chức kiểm tra chung trong toàn quận và do Phòng GD&ĐT quận ra đề.

Cụ thể, ở câu 5 trong đề GDCD lớp 7 đã đưa ra hình ảnh về mẩu giấy ghi lời nhắn xin lỗi và kèm số điện thoại của một nam sinh lớp 11 ở Hải Phòng sau khi đâm vỡ gương ô tô.

Nội dung lời nhắn: “Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi ạ, liên lạc với cháu theo số điện thoại để cháu đền ạ (do không biết chủ ô tô là ai) 0949...”.

Đây là sự việc rất được chú ý thời gian qua trên cộng đồng mạng. Rồi đề yêu cầu HS hãy viết đoạn văn (7 - 10 câu) nêu suy nghĩ của em về bạn HS trên và bản thân em sẽ rèn luyện như thế nào để trở thành người trung thực?

Tương tự, đề GDCD ở khối 9 cũng được phụ huynh HS và giáo viên đánh giá cao khi đề cập đến vấn đề thực phẩm bẩn và nạn “hôi của”.

Cụ thể ở câu 4, đề nói về thực trạng hiện nay, một số người kinh doanh buôn bán chú ý đến số lượng mà không quan tâm đến chất lượng như hàng giả, trái cây hóa chất, thực phẩm bẩn....

Từ đó, đề yêu cầu các em suy nghĩ về cách làm đó và đưa ra lời hứa tự trọng của bản thân nếu sau này em trở thành một người kinh doanh, buôn bán thực phẩm.

Còn ở câu 5, đề đưa ra sự kiện: Tại Bình Định, ngày 1/1/2016, trên Quốc lộ 1D, đoạn qua đường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), ô tô tải đang chở hàng gặp nạn bị cháy, nhiều mặt hàng trên thùng xe hư hỏng.

Hàng chục người chạy vào hôi của, họ cầm bao và túi nilon chạy đến lục xới và lấy những vật dụng còn sót lại như bột giặt, bột ngọt, sữa... Tài xế phụ của xe đứng khóc, bất lực nhìn đám đông vơ vét hàng hóa. Rồi đề yêu cầu các em viết đoạn văn ngắn khuyên người dân không nên hôi của khi người khác gặp nạn.

Nhận xét những đề kiểm tra này, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà - Nhóm trưởng môn GDCD của Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) - cho hay, nội dung đề năm nay ở các khối lớp rất hay vì gắn kết giữa lí thuyết và thực tế. Qua đó, các em sẽ hiểu sâu hơn về lí thuyết và biết nó biểu hiện thế nào ở thực tế.

“Cách ra đề này góp phần nâng tầm môn GDCD hơn theo đúng mục đích môn học, không chỉ lý thuyết mà còn dạy kỹ năng sống, ứng xử cho các em trong cuộc sống. Giáo viên đọc và chấm bài cũng thích hơn, hiểu hơn việc nắm kiến thức và ứng xử của các em để giảng dạy phù hợp” – Cô Hà nói.

Không chỉ môn GDCD, đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 8 tại quận này cũng được phụ huynh HS và giáo viên đánh giá cao khi đề cập đến ba anh em sửa xe miễn phí cho bà con khi bị ngập nước ở TPHCM.

Đó là Phạm Như Thắng (25 tuổi), Nguyễn Tài Dũng (28 tuổi, cùng quê Quảng Ngãi) và Nguyễn Mạnh Cường (25 tuổi, quê Bình Thuận). Đây là hình ảnh rất nhân văn thu hút sự chú ý cộng đồng mạng và báo chí trong những đợt mưa lớn tại TPHCM vừa qua.

Qua đó, đề yêu cầu HS nêu lên suy nghĩ bằng văn bản nghị luận khiến các em và cả giáo viên đều thấy thú vị và hứng khởi với đề này.

Tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1), đề Ngữ văn ngoài kiểm tra kiến thức đọc hiểu, nhận biết còn hướng đến việc liên hệ thực tiễn, vận dụng cao khi cho các em đến việc trình bày suy nghĩ của bản thân về ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ hiện nay. Nội dung của đề trích dẫn tin có tựa đề “Thành phố Hồ Chí Minh: Sôi nổi với ngày hội âm nhạc dân tộc” đăng trên báo Giáo dục và Thời đại ngày 14/11, để làm minh họa cho câu hỏi. Học sinh khối 12 của nhà trường tỏ ra rất thích thú với đề Văn và cho rằng, đề bám sát với hơi thở cuộc sống của HS, truyền đi thông điệp cho thế hệ trẻ về việc giữ gìn âm nhạc truyền thống cũng như nét giá trị văn hóa của dân tộc.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dua-hoi-tho-cuoc-song-vao-de-kiem-tra-hoc-ky-2727887-b.html