Đưa kỹ thuật cấp cứu đến người dân

Theo giáo sư Đoàn Đào Viên, ở Việt Nam hiện nay chỉ một vài bệnh viện đạt yêu cầu hồi sức, cấp cứu, còn hầu hết vẫn còn yếu.

Từ ngày 24 đến 26/3, Tổ chức Good samaritan medical and Dental ministry (Mỹ) phối hợp với ĐH Y Dược Huế tổ chức hội thảo huấn luyện cấp cứu đa khoa và đào tạo chuyên khoa sau đại học cấp cứu đa khoa, với sự tham gia của hơn gần 200 đại diện các trường ĐH y khoa trong cả nước, 60 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu đến từ nhiều nước trên thế giới. Đất Việt đã trao đổi với bác sĩ Đoàn Đào Viên, Giám đốc tổ chức Good samaritan medical and Dental ministry, về vấn đề trên. - Thưa ông, qua nhiều năm tham gia hoạt động về công tác cấp cứu và hồi sức cấp cứu, ông đánh giá thế nào về công tác này ở Việt Nam? - Ở Việt Nam hiện nay chỉ một vài bệnh viện đạt yêu cầu hồi sức, cấp cứu, còn hầu hết vẫn còn yếu. Cách đây 30 năm ở Mỹ và nhiều quốc gia khác đã xây dựng và phát triển chuyên ngành đào tạo và dịch vụ cấp cứu đa khoa thành công. Vì vậy để bắt kịp về y học với các nước khác trên thế giới, phải mở đào tạo chuyên khoa về cấp cứu đa khoa, và phát triển lĩnh vực cấp cứu đa khoa trở thành nhu cầu cấp bách hiện nay ở Việt Nam. - Hoạt động của Good samaritan medical and Dental ministry có ý nghĩa như thế nào trong việc nâng cao công tác cấp cứu và hồi sức cấp cứu tại Việt Nam? - Đoàn chúng tôi là những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa về hồi sức, cấp cứu ở nhiều nước, sẽ chuyển giao một số kỹ thuật, huấn luyện một số chuyên đề lý thuyết về cấp cứu, hồi sức cấp cứu; chuyên đề thực hành ở những tình huống thực tế khi cấp cứu…, nhằm nâng cao một số kỹ năng về cấp cứu đa khoa cho các bác sĩ công tác trong lĩnh vực cấp cứu và các chuyên khoa liên quan ở Việt Nam. - Người dân sẽ hưởng lợi ích gì từ hoạt động này? - Chúng tôi sẽ chuyển giao các kỹ thuật cấp cứu đến tận người dân. Cụ thể, chúng tôi sẽ có buổi làm việc với Sở Y tế và nhiều cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế như Đoàn Thanh niên, công an… để tập huấn và chuyển giao các kỹ thuật, đồng thời lập kế hoạch để cán bộ y tế trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cấp cứu và hồi sức cấp cứu cơ bản đển người dân. Việt Nam chưa có lực lượng cấp cứu ở địa phương và việc người dân được trang bị kiến thức cấp cứu sẽ giải quyết được những khó khăn nếu có thảm họa xảy ra ở địa phương.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/doisong/Dua-ky-thuat-cap-cuu-den-nguoi-dan/20103/85796.datviet