Đưa nghị quyết đi vào cuộc sống

Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND TP Hà Nội đã ban hành 49 nghị quyết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Bên cạnh việc xây dựng nghị quyết chặt chẽ, HĐND thành phố thường xuyên giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện để các chủ trương, chính sách được thông qua phát huy hiệu quả trong cuộc sống, bảo đảm chức năng quyết định của mình.

Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội khảo sát công tác xử lý nước thải tập trung tại Cụm công nghiệp Tân Triều (huyện Thanh Trì).

Phối hợp thẩm tra chặt chẽ

Cuối tháng 8 vừa qua, tại cuộc làm việc về việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND TP Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận, HĐND thành phố thực hiện tốt chức năng quyết định, giám sát và chức năng đại diện của HĐND. Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND, các ban HĐND với UBND và các cơ quan chủ trì soạn thảo. Vì thế, các nghị quyết ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, có ảnh hưởng trực tiếp cả trước mắt cũng như lâu dài tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Trước mỗi kỳ họp HĐND thành phố, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đều tổ chức họp thống nhất nội dung và các nghị quyết dự kiến thông qua, báo cáo xin ý kiến Thường trực Thành ủy. Những nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật được các cơ quan thực hiện theo đúng trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, những nghị quyết có nhiều nội dung quan trọng, hoặc những nghị quyết chuyên đề, ngoài việc yêu cầu cơ quan chủ trì báo cáo cụ thể và đề nghị MTTQ thu thập ý kiến phản biện, Thường trực, các ban HĐND còn tổ chức khảo sát thực tế hoặc tiếp xúc cử tri chuyên đề tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý để hiểu rõ hơn tình hình; đồng thời gợi mở để các đại biểu thảo luận, trao đổi sâu sắc, toàn diện tại nghị trường trước khi quyết định.

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, so với trước đây, hiện việc ban hành nghị quyết của HĐND thành phố chặt chẽ hơn. Thời điểm trước, các ban chuyên môn của HĐND thành phố chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung, Văn phòng HĐND thành phố chịu trách nhiệm thẩm tra về hình thức văn bản. Qua các bước thẩm tra, trên cơ sở ý kiến đóng góp của UBND trong quá trình chuẩn bị; tổng hợp ý kiến tại hội trường của kỳ họp… Chủ tịch HĐND thành phố mới ký ban hành nghị quyết. Hiện nay, ngoài những quy trình trên, việc thẩm tra nghị quyết trước khi ban hành được nâng lên một bước, thêm quy trình Ban Pháp chế HĐND thành phố rà lại khâu cuối cùng về nội dung, căn cứ, hình thức văn bản trước khi Chủ tịch HĐND thành phố ký ban hành nghị quyết.

Đơn cử ngay tại kỳ họp thứ tư HĐND TP Hà Nội khóa XV mới được tổ chức, HĐND thành phố đã thông qua một số nghị quyết quan trọng, trong đó nhiều nghị quyết được lấy ý kiến rộng rãi trên các cổng thông tin điện tử thành phố, được thẩm tra kỹ lưỡng như: Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2017; Nghị quyết về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị quyết Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực…

Giám sát sâu, trọng tâm, trọng điểm

Ngoài chức năng giám sát trực tiếp tại các kỳ họp, HĐND thành phố còn thực hiện tốt chức năng giám sát theo chuyên đề. Đây là khâu quan trọng, nhằm bám sát, theo dõi việc triển khai thực hiện nghị quyết, tiếp nhận những bất cập nếu có để xem xét chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực HĐND thành phố tổ chức 4 cuộc giám sát lớn theo nghị quyết; các ban HĐND thành phố tổ chức 34 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề. Các cuộc giám sát được chỉ đạo chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng trước khi triển khai; tài liệu và các nội dung liên quan đến giám sát được tổng hợp gửi tới các thành viên đoàn giám sát để nghiên cứu, cung cấp thông tin.

Bên cạnh các hoạt động giám sát theo kế hoạch, các ban HĐND thành phố còn chủ động giám sát qua báo cáo, tổ chức khảo sát trực tiếp đối với những vụ việc bức xúc được phản ánh qua báo chí theo lĩnh vực phụ trách. “Các cuộc giám sát, khảo sát đều được HĐND thành phố xây dựng kế hoạch ngay từ đầu, lựa chọn đơn vị giám sát bảo đảm được tính đại diện, hạn chế sự trùng lặp, tăng hiệu quả” - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho biết.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Thường trực và các ban HĐND thành phố đã thực hiện giám sát có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm vào những vấn đề bức xúc thực tiễn đặt ra, được cử tri quan tâm. Sau giám sát, các kết luận đã chỉ ra được những khó khăn cần tháo gỡ, hạn chế, yếu kém và đề xuất giải pháp khắc phục. UBND thành phố và các cơ quan có liên quan tiếp thu, triển khai thực hiện, được cử tri và nhân dân theo dõi, đồng tình, ủng hộ.

Trên cơ sở tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát, hôm nay (12-9), Thường trực HĐND TP Hà Nội tiến hành phiên giải trình về việc thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và việc quản lý hồ nước khu vực nội thành trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố và các cơ quan chức năng sẽ giải trình các vấn đề liên quan được cử tri quan tâm.

Việt Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/877605/dua-nghi-quyet-di-vao-cuoc-song