Đưa Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII vào cuộc sống: Phải ngăn chặn, xử lý 'bệnh' thành tích, háo danh

Ông Lê Văn Cuông (ảnh) - nguyên Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa - đã nói với Lao Động như vậy về giải pháp để ngăn chặn những biểu hiện mắc “bệnh” thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm... được nêu rõ trong Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ông Lê Văn Cuông cho biết:

- Bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, đánh bóng tên tuổi... đã có từ lâu chứ không phải bây giờ mới diễn ra. Tuy nhiên, trong thời buổi cơ chế thị trường hiện nay thì “căn bệnh” này càng có cơ hội để phát triển. Bởi vì cơ chế thị trường có những mặt tích cực, nhưng cũng có mặt tiêu cực ở phía sau, tính cạnh tranh dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh trên nhiều lĩnh vực kể cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.

Những biểu hiện của căn bệnh thành tích, thổi phồng thành tích, phô trương, đánh bóng tên tuổi đã tạo cơ hội cho những người hám danh, trục lợi ngày càng nhiều lên, mỗi việc làm của họ đều có động cơ, mục đích. Nhưng mục đích chủ yếu của họ là trục lợi và làm thế nào để tạo cho mình có những lợi ích chính trị, lợi ích kinh tế nhiều nhất. Để ngăn chặn “căn bệnh” này thì những người cán bộ đảng viên cần phải gương mẫu, tuy nhiên hiện nay một bộ phận cán bộ, đảng viên lại là người mắc phải “căn bệnh” này, thậm chí mắc bệnh rất nặng là đằng khác.

Vậy theo ông, để ngăn chặn “căn bệnh” thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, đánh bóng tên tuổi... cần phải có giải pháp như thế nào?

- Tôi cho rằng muốn ngăn chặn “căn bệnh” trên, trước hết phải chấn chỉnh lại vai trò của người đứng đầu trong các cơ quan đơn vị, cấp có thẩm quyền, tức là phải đề cao vai trò trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu trong việc công nhận thành tích, hay khen thưởng hoặc những người quản lý lĩnh vực này. Một khi người đứng đầu mà nghiêm túc thì cấp dưới không dám qua mặt. Cho nên vai trò của cấp trên là rất quan trọng trong việc xác định khen thưởng. Nếu để xảy ra tình trạng lãnh đạo ký quyết định khen thưởng không đúng thì phải xử lý người ra quyết định khen thưởng.

Một giải pháp tôi cho là rất quan trọng nữa, đó là cần đề cao vai trò của cơ quan báo chí và người dân trong việc phát hiện ra căn bệnh thành tích tại các cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân của từng cán bộ đảng viên. Vì theo tôi không ai qua mắt được người dân và người dân sẽ cung cấp cho cơ quan báo chí những vi phạm, sai trái của các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Báo chí là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan nhà nước biết và vào cuộc xử lý những vụ việc báo chí phản ánh. Ngoài ra, cần đề cao chức năng của các cơ quan thanh tra, giám sát. Khi có các thông tin người dân, báo chí phản ánh thì phải vào cuộc một cách công khai và những người làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát phải có đầy đủ phẩm chất, năng lực nghiệp vụ để làm việc khách quan, trung thực và xác định kịp thời, đúng đắn những thông tin mà cơ quan báo chí và nhân dân cung cấp để làm rõ đúng-sai.

3 vấn đề trên là giải pháp để chữa “căn bệnh” thành tích, háo danh, phô trương, đánh bóng tên tuổi... thưa ông?

- Đúng vậy. Tôi nhắc lại nếu phát huy được ba mũi giáp công như: Thứ nhất là phát huy vai trò nghiêm minh của người đứng đầu trong cơ quan đơn vị trong việc khen thưởng, xử phạt; Thứ hai là phát động người dân và cơ quan báo chí cùng tham gia giám sát trong việc phản ánh “căn bệnh” thành tích tiêu cực, tìm hiểu cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề; Thứ ba là cơ quan thanh tra, kiểm tra phải nhanh chóng vào cuộc để xử lý nghiêm những vấn đề mà người dân và báo chí phản ánh. Tôi cho rằng nếu làm chặt chẽ như vậy thì “căn bệnh” thành tích, háo danh, phô trương sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi.

Nói đến “căn bệnh” thành tích, háo danh, phô trương, đánh bóng tên tuổi nhiều người cho rằng Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - là một ví dụ điển hình, thưa ông?

- Dư luận họ nói như vậy là đúng. Việc Trịnh Xuân Thanh xin biển số xanh cho xe riêng lúc đó ông Thanh đang sử dụng có giá trị tiền tỉ thực ra là để phô trương đánh bóng thương hiệu, muốn thể hiện đẳng cấp, trở thành người háo danh, phô trương tiềm năng sức mạnh, thể hiện sự quen biết cấp trên mới được những cái đó. Tuy nhiên, tôi cho rằng những người như thế nếu tìm hiểu sâu là những con người giả dối, cơ hội và vụ lợi.

Tôi cũng cho rằng, chính việc cổ xúy của xã hội đối với việc phô trương, bệnh thành tích đã khiến cho căn bệnh này tồn tại và phát triển. Cho nên, để kiến tạo một Chính phủ liêm chính thì phải xử lý triệt để, đến nơi đến chốn những cá nhân háo danh, phô trương, mắc bệnh thành tích, có những hành vi, việc làm không đúng với đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước. Nếu phát hiện ra trường hợp sai phạm thì phải cách chức, có như vậy mới đủ sức răn đe để không ai dám tái phạm. Do vậy, để thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII và xây dựng Chính phủ liêm chính thì phải có chế tài xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, kể cả đối với trường hợp cán bộ lãnh đạo đã về nghỉ hưu.

- Xin cảm ơn ông!

XUÂN HẢI thực hiện

XUÂN HẢI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-tu-4-khoa-xii-vao-cuoc-song-phai-ngan-chan-xu-ly-benh-thanh-tich-hao-danh-636840.bld