Đua nhau xin mở sân bay: Cảm tính và bất chấp hệ lụy

Nhiều địa phương đang đề xuất với Chính phủ và Bộ GTVT cho mở sân bay với lý do để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch.

Các chuyên gia cho rằng, đây là những ý kiến còn nhiều cảm tính, thiếu cơ sở khoa học nếu nhìn vào hiện trạng thua lỗ của hàng loạt sân bay hiện nay.
Hầu hết đang chịu lỗ
Theo thống kê của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, đơn vị này hiện đang quản lý và khai thác 22 cảng hàng không, sân bay trên cả nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 2 sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất kinh doanh có lãi, còn lại đều trong tình trạng hòa vốn hoặc thua lỗ, nhất là những sân bay ở các địa phương chưa thực sự phát triển về du lịch. Thế nhưng, nhiều địa phương vẫn “đắm đuối” với viễn cảnh có sân bay riêng, viện dẫn đủ loại lý do như: Tỉnh vùng núi khó khăn; có nhiều di tích lịch sử, thậm chí là địa phương anh hùng trong thời kỳ kháng chiến... để kiến nghị, đề xuất. Thậm chí, đại diện Sở GTVT TP Cần Thơ còn đưa ra ý tưởng dùng ngân sách để bù lỗ cho các hãng hàng không mở đường bay tới đây với mức hỗ trợ có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng/năm. Song thực tế, từ ngày sân bay Cần Thơ được nâng cấp lên sân bay quốc tế đến nay chưa thu hút được hãng bay quốc tế nào đến khai thác, và công suất khai thác cũng mới chỉ đạt 20%.

Sân bay Cát Bi, Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Tương tự, sân bay Chu Lai (Quảng Nam) có công suất thiết kế 500.000 lượt khách/năm nhưng thực tế chỉ đạt trên 8%; sân bay Tuy Hòa, Liên Khương, Cà Mau, Rạch Giá, Điện Biên, Đồng Hới... công suất hoạt động cũng mới đạt 11 - 37%... Trong khi đó, theo quy hoạch, sẽ có thêm một loạt các sân bay ở nhiều địa phương nữa như Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Kon Tum, An Giang…
TS Thạch Minh Quân - Khoa Kinh tế vận tải & du lịch, Đại học GTVT nhìn nhận: “Khó có thể đồng tình với ý tưởng lấy ngân sách bù lỗ cho các hãng hàng không mở đường bay mới nhằm thu hút du lịch. Làm như vậy sẽ khiến thị trường méo mó, các địa phương đua làm sân bay để rồi bù lỗ, trong khi chưa biết hiệu quả đến đâu”. Ông Quân lấy ví dụ, đơn cử như sân bay Lào Cai, trong khi đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai chỉ mất 3 tiếng ô tô, chi phí thấp hơn nhiều, vậy bao nhiêu người sẽ lựa chọn đường bay Nội Bài - Lào Cai?
Hãy thận trọng khi chi tiền
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT Lưu Bích Hồ chia sẻ: “Hàn Quốc là nước khá đồng bộ và hiện đại về giao thông cũng phải 300 - 400km mới có một sân bay nho nhỏ, trong khi nước ta còn khó khăn nhiều bề lại tỉnh nào cũng muốn có sân bay lớn”. Ngay như Singapore, đến nay cũng mới chỉ có 8 cảng hàng không, còn Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, sân bay và theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ có 81 dự án về sân bay được triển khai. Ông Lưu Bích Hồ đặt câu hỏi: “Bài toán khoa học về lưu lượng hành khách qua lại và khả năng hoàn vốn sẽ tính thế nào? Hiệu quả đầu tư có xứng đáng hay không?”.
Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhìn nhận, trên thế giới, thông thường trong cự ly 400km, người ta đi lại bằng ô tô và các phương tiện cao tốc khác. Ở nước ta thậm chí chỉ cách 200km cũng mở đường bay, ví như TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Tiếp đó, 2 tỉnh sát vách nhau Hải Phòng - Quảng Ninh cũng đang có những tính toán bất hợp lý: Hải Phòng tính mở rộng sân bay Cát Bi, còn Quảng Ninh thì đang chuẩn bị hoàn thành sân bay Vân Đồn với tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng. “Tư duy tỉnh nào cũng muốn có một sân bay là rất lãng phí, có thể do tâm lý “người khác có gì thì mình phải có cái đó”; hoặc cũng có thể do có lợi ích nhóm trong đầu tư sân bay nên chỗ nào cũng muốn đầu tư” - ông Nga đặt vấn đề.
Tại bản góp ý về Quy hoạch mạng lưới GTVT hàng không, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng nhận định, kinh nghiệm tại một số nước cho thấy, không phải cứ xã hội hóa đầu tư xây dựng sân bay là mang lại hiệu quả kinh tế. Cụ thể như Campuchia, dù thực hiện rất triệt để xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không nhưng đã tạo ra gánh nặng về chi phí cho người dân và sự kiểm soát hạn chế của Nhà nước đối với khu vực này.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dua-nhau-xin-mo-san-bay-cam-tinh-va-bat-chap-he-luy-288691.html