'Đua nước rút' bồi thường thiệt hại do sự cố Formosa

Hôm nay (30.6) là thời hạn phải hoàn thành chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân, do Formosa gây ra ở 4 tỉnh miền Trung, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.

Chi trả cho người dân bị thiệt hại tại xã Nhân Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình

Cấp nào tồn đọng phải chịu trách nhiệm

Tính đến ngày 26.6, tổng giá trị bồi thường thiệt hại được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt là hơn 1.400 tỉ đồng. Trong đó, cấp huyện đã chi trả 1.266 tỉ đồng, còn 171,2 tỉ đồng chưa chi do mới phê duyệt, một số đối tượng đang soát xét lại do hồ sơ nuôi trồng thủy sản chưa hoàn thiện. Đến nay, còn một số đối tượng chưa được phê duyệt giá trị bồi thường, thuộc các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh, TX.Kỳ Anh. Ngày 26.6, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã yêu cầu việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân phải hoàn thành phê duyệt hồ sơ trước ngày 30.6. Sau ngày này, nếu tồn đọng ở cấp nào, cấp đó phải chịu trách nhiệm.

Tại Thừa Thiên-Huế, đến chiều qua 29.6, cả 5 huyện, thị xã (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc) đã cơ bản hoàn tất việc giải quyết bồi thường cho ngư dân bị thiệt hại. Địa phương được cấp 1.010 tỉ đồng, chia thành 4 đợt chi trả. Thống kê đến chiều 29.6, các địa phương đã giải ngân khoảng 920 tỉ đồng (trong số hơn 950 tỉ đồng được UBND tỉnh phê duyệt chi trả cho 43.573 đối tượng); đang rà soát các đối tượng còn lại để chi trả khoản còn lại.

Tại Quảng Trị, UBND tỉnh đã tạm cấp 679,208 tỉ đồng, đến hôm qua các địa phương đã chi trả hơn 90%. Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, khẳng định đến hết hôm nay 30.6, tỉnh Quảng Trị quyết hoàn tất việc chi trả.

Tại Quảng Bình, trong số hơn 2.571 tỉ đồng đã phê duyệt, địa phương giải ngân hơn 2.352 tỉ đồng. Có 7 địa phương trong diện được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại gồm: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Đồng Hới, Ba Đồn. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên tổ chức họp, hướng dẫn và lập đoàn đi kiểm tra tình hình chi trả ở cơ sở nhằm theo dõi sát sao tình hình, đôn đốc thực hiện.

Người dân xã Vĩnh Thạch (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) nhận tiền đền bù

Vẫn còn vướng mắc

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh), cho hay việc đền bù thỏa đáng và kịp thời đã giúp người dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, có một nhóm đối tượng bị thiệt hại vẫn chưa được Chính phủ đưa vào quy định để đền bù, là nhà hàng, khách sạn ven biển. Theo quy định, đối tượng này nếu ở khu du lịch thì được bồi thường, còn nằm ngoài khu du lịch thì không được bồi thường, nên nhiều người rất khó khăn.

Tại Quảng Trị, trả lời PV Thanh Niên, ông Hà Sĩ Đồng nhìn nhận trong quá trình thực hiện, Quảng Trị cũng gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, có vấn đề về xử lý hải sản tồn kho do chưa có sự thống nhất về thời điểm kiểm kê, mẫu kiểm nghiệm, hướng dẫn tiêu hủy của các bộ Y tế, TN-MT, NN-PTNT nên tỉnh còn tồn 1.200 tấn hải sản đông lạnh chưa tiêu thụ và chưa bồi thường…

Còn tại Quảng Bình, quá trình triển khai thực hiện cũng bị “vướng”, như đơn thư khiếu nại tại một số địa phương còn phức tạp do một số đối tượng không thuộc diện được bồi thường cố tình gây áp lực... Theo UBND tỉnh Quảng Bình, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể việc bồi thường thiệt hại đối với chủ các cửa hàng ăn uống trong các cơ sở lưu trú có địa điểm kinh doanh tại các xã, phường, thị trấn ven biển bị thiệt hại...

Băn khoăn về sinh kế lâu dài

Sau chi trả bồi thường thiệt hại, một số ngư dân Thừa Thiên-Huế đang lo về sinh kế lâu dài. “Nhiều tháng qua, vùng biển đánh bắt truyền thống của chúng tôi nay có rất ít cá. Đi biển trước đây mỗi đêm có 500.000 đồng, nay chỉ còn 70.000 - 100.000 đồng, phần lớn bà con chuyển qua đi câu mực, nhưng được dăm bữa thôi”, ông Nguyễn Xuân Đàn, Trưởng thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc tâm sự. Ông Đàn đề đạt nguyện vọng của nhiều người dân là Chính phủ cần có cơ chế, chính sách cho vay vốn ưu đãi để chuyển đổi sản xuất.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho hay trong quá trình giải quyết bồi thường cho người dân, có ý kiến đề nghị bổ sung các đối tượng lao động bán hàng đơn giản, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng... UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, chính quyền địa phương liên quan giải quyết, trả lời cụ thể cho người dân…

Thực tế, dù đã tới hạn chót 30.6, nhưng một vài nơi đang nghiên cứu đề xuất “gia hạn”. Theo ông Hà Sĩ Đồng, địa phương đề xuất T.Ư có thể cho địa phương “rà soát thêm một lần nữa” sau đợt chi trả này, trong đó có xem xét đến một số đối tượng chưa được đưa vào danh sách được đền bù. “UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan lắng nghe các thắc mắc của người dân, đối chiếu với các quy định, chỉ đạo của Chính phủ để giải thích hoặc giải quyết cho dân. Những thắc mắc này tỉnh sẽ tiếp thu, nếu cần sẽ có báo cáo với Thủ tướng, T.Ư xem xét ngay sau đợt 30.6”, ông Hà Sĩ Đồng khẳng định.

Sự cố môi trường ở miền Trung bắt đầu từ tháng 4.2016, với hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng biển Hà Tĩnh, sau đó lan nhanh đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

- Ngày 22.4.2016, Báo Thanh Niên đăng bài: Vụ cá chết hàng loạt: Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng, nghi vấn sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa (Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh) gây ra.

- Trong ngày 22.4.2016, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình giao cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ thông tin “Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng”.

- Ngày 25.4.2016, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân hải sản chết bất thường tại miền Trung; yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại, đề xuất biện pháp hỗ trợ ngư dân.

- Ngày 1.5.2016, Thủ tướng chỉ đạo làm rõ nguyên nhân cá chết; yêu cầu Bộ TN-MT, UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo việc cấp phép, giám sát hệ thống xả thải của Formosa, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân liên quan và hỗ trợ bằng gạo, tiền, lãi suất cho người dân bị ảnh hưởng.

- Ngày 28.6.2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường; công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân VN; bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỉ đồng (500 triệu USD).

- Ngày 30.8.2016, Formosa đã chuyển đủ 500 triệu USD bồi thường thiệt hại ô nhiễm môi trường.

- Ngày 7.6.2017, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ kê khai, xác định và chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân, hoàn thành trước ngày 30.6.2017.

Ngọc Minh (tổng hợp)

Thanh Niên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/dua-nuoc-rut-boi-thuong-thiet-hai-do-su-co-formosa-850650.html