Đưa tàu cá xuất ngoại “chui”- tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thời gian gần đây, việc đưa tàu ra nước ngoài khai thác thủy sản theo đường “hợp đồng” do thủ tục đơn giản hơn dạng hợp tác theo kiểu “nhà nước” đã trở thành “trào lưu” của các tàu cá “đại gia” trong làng đánh bắt cá ở Tiền Giang. Theo thông tin ban đầu, thu nhập thì khá nhưng cách làm này được các cơ quan chức năng khuyến cáo là rất rủi ro.

Tàu đang sơn lại màu vàng - sọc xanh cho phù hợp với quy định của nước ngoài Con đường xuất ngoại Gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số chiếc tàu có màu sơn mới với thân màu vàng - xanh, có chiếc vẫn còn mang biển số “lạ lùng”. Theo anh Nguyễn Thanh Tùng - thuyền trưởng đi trên tàu “lạ” ấy (xã Bình Đông-TX Gò Công-Tiền Giang), cho biết: “Đó là tàu của “ông chủ” vừa đi hợp đồng đánh bắt ở Malaysia về, đang chờ các anh đăng kiểm trên tỉnh xuống để đăng kiểm”. Theo anh Tùng thì, “ông chủ” này có 3 chiếc tàu (1 chiếc của “ông chủ” còn 2 chiếc kia của chị và em giao “ông chủ” quản lý) đang tu sửa và sơn lại màu vàng - sọc xanh cho phù hợp với quy định mà phía bạn yêu cầu. Vì ở Malaysia, các tàu đánh bắt cá chỉ được khai thác một vùng biển nhất định và có đăng ký trước. Vùng biển được phép đánh bắt cá phải cách bờ ít nhất 30 hải lý đối với đất liền, 15 hải lý đối với đảo và trong vùng biển đó chỉ có một số lượng tàu nhất định được khai thác (mỗi vùng biển một màu khác nhau). Cơ quan quản lý của Malaysia quản lý các tàu khai thác thủy sản trên biển bằng chíp điện tử và khi có tàu nào vi phạm thì mức phạt đưa ra là rất nặng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Anh Tùng cho biết thêm, thủ tục để đưa tàu cá sang Malaysia cũng không mấy phức tạp. Theo hướng dẫn của người môi giới, chủ tàu phải photocopy, công chứng giấy đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, giấy an toàn kỹ thuật... của tàu. Tiếp đó là làm đơn xin xác nhận ngành nghề đánh bắt thủy sản, rồi xin tạm ngưng hoạt động tàu tại Việt Nam. Nhờ một người có quốc tịch Malaysia nhận ủy quyền để đứng tên trên các giấy tờ; nhờ một công ty môi giới ký hợp đồng với đối tác Malaysia. Khi nhận được hồ sơ đăng ký, đăng kiểm từ nhà chức trách nước bạn, tàu cá từ Việt Nam có thể yên tâm sang Malaysia đánh bắt, tại một vùng biển cụ thể theo hợp đồng. Thông thường các “chủ tàu” giao toàn bộ công việc “chạy giấy” này cho người môi giới lo, với chi phí từ 15.000 đến 18.000 USD mỗi chiếc. Công việc còn lại của “chủ tàu” là sơn lại tàu cho phù hợp với quy định của Malaysia, giúp các thuyền viên làm hộ chiếu để xuất cảnh. Ông Nguyễn Văn Khánh, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông có tàu sang đánh bắt ở Malaysia cho biết, tuy hằng tháng phải đóng phí cho chính quyền sở tại số tiền khoảng 2000 USD, nhưng do nguồn cá ở đây còn dồi dào, giá dầu lại rẻ bằng một nửa ở Việt Nam, nên sau khi trừ hết chi phí cho mỗi chuyến biển, ngư dân vẫn có lãi cao hơn 30% so với đánh bắt ở vùng biển trong nước. Hiện nay, Tiền Giang có khoảng 15 tàu “hợp đồng” khai thác thủy sản với Malaysia tập trung ở xã Tân Phước (huyện Gò Công Đông) và phường 2 (TP. Mỹ Tho). Chỉ có 2 tàu xuất ngoại theo chương trình hợp tác giữa 2 nước. Tiềm ẩn nhiều rủi ro Theo ông Huỳnh Hữu Trí - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang, cách mà anh Tùng gọi là “làm thủ tục” nói trên để đưa tàu sang Malaysia thực ra là bán khống tàu cho một người nào đó mang quốc tịch Malaysia. Tàu của ngư dân Việt Nam sau đó sang lãnh hải Malaysia lại với tư cách là tàu của Malaysia. Đến đây, một lời cảnh báo được đưa ra, nếu nhà chức trách Malaysia ngăn chặn không cho tàu mang quốc tịch Malaysia được rời khỏi lãnh hải nước mình thì liệu những tàu của ngư dân Việt Nam “trong vai” tàu nước bạn có về nước được không?! Theo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thực chất của hình thức hợp tác này là ngư dân đã bán tàu cho một công ty bên Malaysia có chứng thực của Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP.Hồ Chí Minh nhưng không có cơ quan chức năng nào của Việt Nam chứng nhận. Nếu công ty bên phía Malaysia làm ăn gian dối, ngư dân ta sẽ bị mất tàu. Bên cạnh đó, các công ty Malaysia chỉ mua một số sản phẩm đánh bắt có chất lượng cao, hàng kém chất lượng rất khó tiêu thụ. Việc hợp tác khai thác thủy sản với các nước bạn trong khu vực nhằm gia tăng lợi nhuận, tăng hiệu quả kinh tế là điều đáng khuyến khích. Tuy nhiên, việc đưa tàu ra nước ngoài khai thác thủy sản theo con đường bất hợp pháp là rất nhiều rủi ro, chủ tàu có thể “mất cả chì lẫn chài”, ảnh hưởng đến danh dự quốc gia và mối giao hảo giữa hai nước. Vì vậy, để tránh những những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, trước mắt các cơ quan chức năng phải thực hiện các biện pháp như: Sở NN&PTNT các tỉnh, thành ven biển cần thông báo, giải thích và động viên bà con nông dân hiểu rõ tình hình. Chính quyền các địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có giải pháp và tạo điều kiện giúp ngư dân “hợp tác” tránh được các rủi ro có thể xảy ra. TRÍ QUANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=16849&menu=1368&style=1