Đưa văn minh, thanh lịch vào trường học

(GD&TĐ) - Trong khi kiến thức các môn học đã được xây dựng thành chương trình hoàn chỉnh, thì vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh vẫn còn những khoảng trống nhất định. Chính vì vậy, việc triển khai giảng dạy “Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh” của ngành Giáo dục Hà Nội 3 năm qua được các nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh đánh giá cần thiết và hữu ích.

Văn minh thanh lịch vào trường học

Theo ông Đoàn Hoài Vĩnh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch – văn minh” đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông ở Hà Nội nhằm khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ học sinh đồng thời kế thừa truyền thống thanh lịch, nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội...

Với ý nghĩa và mục đích lớn như vậy nên việc triển khai biên soạn bộ tài liệu đã được ngành giáo dục Hà Nội vô cùng cẩn trọng. Sở GD& ĐT Hà Nội đã thành lập hội đồng biên soạn và các tiểu ban biên soạn cho từng cấp học. Tham gia biên soạn là các cán bộ quản lý, giáo viên giỏi am hiểu vấn đề được lựa chọn trong các trường phổ thông của Hà Nội. Không những thế, việc biên soạn được thực hiện đúng quy trình từ xây dựng đề án, khung chương trình; lựa chọn tên bài; thống nhất về cấu trúc, nội dung, biên soạn, góp ý… Công tác biên soạn làm sao phải đảm bảo được tính đồng tâm và tiệm tiến; phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông, thực hiện lâu dài trong các trường phổ thông Hà Nội.

Bên cạnh đó, trong quá trình biên soạn hội đồng biên soạn đã chủ động liên hệ xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Hà Nội để kịp tiếp thu chỉnh sửa đảm bảo đúng định hướng và bổ sung thông tin cho bộ tài liệu...

Để triển khai giảng dạy đại trà bộ tài liêu này, ngành giáo dục Hà Nội cũng xác định công tác bồi dưỡng giáo viên là khâu quan trọng. Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch và chương trình bồi dưỡng cán bộ, giáo viên tham gia dạy bộ tài liệu; chuẩn bị xây dựng và hoàn thiện kế hoạch, chương trình bồi dưỡng cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy ở tất cả các cấp học, khối học...

Mặt khác, các trường triển khai giảng dạy quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến đến phụ huynh học sinh để tạo sự đồng thuận cao khi triển khai kế hoạch. Các trường cũng tổ chức dự giờ, trao đổi trong khối, trường để nâng cao hiệu quả giáo dục, thực hiện nghiêm túc chương trình và kế hoạch giảng dạy bộ tài liệu.

Sau 3 năm triển khai giảng dạy “Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch” trong trường học cho thấy 100% giáo viên được phân công giảng dạy qua tập huấn, bồi dưỡng, tự nghiên cứu đã tích cực chủ động nắm vững nội dung, phương pháp. Nhiều tiết dạy bài dạy thành công tạo được sự hứng thú học tập, đem lại ý nghĩa và hiệu quả giáo dục sâu sắc.

Đặc biệt, 74% phụ huynh học sinh khi được hỏi đã đánh giá mức độ cần thiết của bộ tài liệu. Thông qua việc giảng dạy nếp sống văn minh thanh lịch, học sinh đã có sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, lối sống ứng xử, giao tiếp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức. Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt toàn thành phố đã tăng từ 0,9% - 2,1% so với các năm học trước ở mỗi cấp học. Học sinh cũng nâng cao tinh thần tương thân, tương ái, góp phần nâng cao ý thức tích cực, tự giác trong học tập, nhiệt tình trong việc xây dựng bài vở, chất lượng văn hóa cũng có sự tiến bộ rõ rệt. Cũng từ đây, chất lượng giáo dục đạo đức, truyền thống lịch sử Thủ đô và phong cách người Hà Nội cho học sinh có chuyển biến. Học sinh đã ý thức được trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của người Hà Nội.

Thanh lịch nữ sinh Hà Nội

Mũi tên hướng tới nhiều đích

Qua việc triển khai giảng dạy nếp sống văn minh, thanh lịch tại Hà Nội cho thấy: Để giáo dục học sinh về nếp sống thanh lịch, văn minh đòi hỏi mỗi thầy cô giáo trước hết phải là những tấm gương về thanh lịch văn minh. Vì vậy, hoạt động này cũng đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nền nếp, tác phong làm việc của cán bộ - giáo viên trong các trường.

Cô Phạm Thị Huyền Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Mỹ chia sẻ, con gái tôi đang học lớp 8, khi học về bài An toàn giao thông đã nói: Giờ con mới biết tuân theo Luật Giao thông cũng là thanh lịch văn minh.

Bùi Thúy Hạnh - học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Du - hào hứng tâm sự: Sau 3 bài học với 6 tiết vừa được học lý thuyết, vừa được thực hành, chúng em nhận thấy các bài học ngắn gọn, rõ ràng, theo từng chuyên đề cụ thể, giúp chúng em có thêm hiểu biết, kế thừa, tiếp thu truyền thống thanh lịch, văn minh – nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội gốc.

Chị Nguyễn Thanh Hà, có con học lớp 2 cho biết: Sau khi con mình học bài Bữa ăn mời khách, về nhà cháu đã biết gắp thức ăn mời bố mẹ. Gia đình rất ngạc nhiên và bất ngờ. Gia đình rất vui với những nề nếp văn minh – thanh lịch mà con gái chị đã được học ở trường.

Cần thực chất

Với những kết quả bước đầu và những biến chuyển tích cực, đáng ghi nhận từ việc đưa giáo dục văn minh, thanh lịch vào trường học, thời gian tới giáo dục Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai giảng dạy đại trà bộ tài liệu trong các khối lớp từ Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Tuy nhiên, theo góp ý của nhiều thầy cô giáo để việc giáo dục văn minh thanh lịch trong trường học đạt hiệu quả cao hơn thì bộ tài liệu cũng cần có sự điều chỉnh. Trước hết, những bài giảng cần đa dạng, hấp dẫn và cung cấp nhiều hơn các câu chuyện, tư liệu hình ảnh Hà Nội xưa cũng như cập nhật các tư liệu hình ảnh về thực trạng Hà Nội ngày nay để học sinh dễ dàng so sánh, nhận xét.

Nhiều bài học còn dài, nặng về kiến thức, chưa cân đối với thời gian thảo luận. Một số nội dung văn hóa điện thoại, trò chơi điện tử, bạo lực học đường cần được quan tâm bổ sung để nội dung thêm sâu sắc và phong phú.

Mặt khác, chất lượng giờ học đang phụ thuộc rất nhiều vào sự nhiệt tình, tâm huyết và khả năng truyền tải, đầu tư thời gian, chuẩn bị tài liệu, truyền đạt của giáo viên... Vì vậy việc xếp lịch dạy cần khoa học và phù hợp, tránh tạo ra tâm lý mệt mỏi, dẫn đến việc tiếp thu bị hạn chế.

Đặc biệt, các trường học cũng cần phối hợp giữa việc kiểm tra kiến thức sau khi học bộ tài liệu với việc đánh giá, xếp loại hạnh kiểm để việc triển khai bộ tài liệu có ý nghĩa thiết thực hơn. Đồng thời, phải hỗ trợ thêm về đồ dùng, tài liệu tham khảo để giáo viên sử dụng trong giờ lên lớp, góp phần làm cho giờ giảng thêm sinh động và hấp dẫn.

Giáo dục đạo đức không thể là mảng giáo dục không có kế hoạch. Nghịch lý của chúng ta là ở chỗ các môn học đều có tổ chức kiểm tra, thi cử để vào đời, nhưng có môn học cần thiết nhất để làm người mà mỗi cá nhân luôn phải học, học suốt đời thì lại chưa được chú trọng đúng mức.

Giáo dục nếp sống thanh lịch văm minh cho học sinh vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội của mỗi giáo viên bởi họ đang dạy môn học đặc biệt – môn dạy làm người. Khi có nếp sống đẹp, học trò sẽ có tình cảm sâu sắc và tâm lý trong sáng để việc học tập và rèn luyện hiệu quả nhất.

Th.S Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú

Ngọc Hà

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/201308/dua-van-minh-thanh-lich-vao-truong-hoc-1971845/