Đưa vào sử dụng trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia do EU hỗ trợ

Sáng 13-12, tại xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, Bộ Y tế và Liên hiệp châu Âu (EU), UBND tỉnh Sơn La tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng Trạm y tế xã Chiềng Yên bằng nguồn vốn hỗ trợ của EU.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La đã cắt băng khánh thành công trình.

Công trình Trạm trạm y tế Xã Chiềng Yên được xây dựng trong 10 tháng, với tổng vốn đầu tư hơn 3,4 tỷ đồng, gồm hai tầng với tổng diện tích hơn 150 m, diện tích sàn hơn 300 m2, có 11 phòng làm việc cùng các công trình phụ trợ.

Công trình trạm y tế xã Chiềng Yên là một trong những công trình đầu tư cho trạm y tế xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã do Bộ Y tế ban hành sẽ được đầu tư từ nay đến năm 2020 và 2025 bằng nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau.

Qua khảo sát về cơ sở nhà trạm, nhân lực y tế, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn, Bộ Y tế và UBND tỉnh Sơn La đã chọn xã Chiềng Yên là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trạm y tế đã xuống cấp, chật hẹp, nhân dân có nhu cầu khám, chữa bệnh tại trạm lớn. Tỉnh đã có quyết định đầu tư nhưng chưa có nguồn vốn.

Do vậy, việc chọn trạm y tế xã Chiềng Yên là sự chọn lựa đúng đắn, có ý nghĩa, đáp ứng yêu cầu thuận lợi cho nhân dân và đồng bào các dân tộc trong vùng đến khám, chữa bệnh; đây sẽ là nơi cung cấp các dịch vụ phòng bệnh, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe một cách có chất lượng, hiệu quả và gần dân nhất.

Được biết, giai đoạn một Chương trình hỗ trợ ngân sách ngành Y tế do EU viện trợ không hoàn lại dành hơn 374 tỷ đồng đầu tư mua trang thiết bị, xây dựng mới 91 trạm y tế tại các xã đặc biệt khó khăn. Giai đoạn hai sẽ dành 467 tỷ đồng tiếp tục đầu tư 127 trạm y tế xã ở các xã đặc biệt khó khăn.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, cả nước có khoảng 70% số lượt khám, chữa bệnh là ở tuyến huyện và xã, riêng đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn là những nơi có tỷ lệ người nghèo, người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì tỷ lệ này còn cao hơn. Vì vậy, hệ thống y tế cơ sở tốt sẽ bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại gần nơi cư trú, nhất là đối với vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống của người dân còn khó khăn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, y tế cơ sở gồm y tế huyện, trạm y tế xã và thôn, bản có vai trò hết sức quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và dân số. Việc thường xuyên khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở cho người dân sẽ góp phần phát hiện và điều trị sớm bệnh, tật, giảm chi phí điều trị và các chi phí gián tiếp không cần thiết như: chi phí đi lại, ăn, ở cho người bệnh và người nhà đi thăm nuôi người bệnh.

Thống kê của Bộ Y tế, cả nước còn khoảng 200 trạm y tế chưa có nhà; khoảng 2.650 trạm y tế xã là nhà tạm, cần phải xây dựng mới, khoảng 3.000 trạm cần phải đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, đến nay vẫn chưa có nguồn vốn riêng từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các trạm y tế xã, mà chủ yếu đang dựa vào một số dự án ODA, ngân sách địa phương, vốn đầu tư từ Chương trình 135, chương trình nông thôn mới và hỗ trợ từ một số doanh nghiệp,… nên thực tế, số trạm y tế xã được đầu tư để đạt Tiêu chí quốc gia về y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân còn thấp, hiện mới đạt khoảng 50%, phải phấn đấu và quan tâm đầu tư hơn nữa thì mới có thể đạt 70% vào năm 2020.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/31539002-dua-vao-su-dung-tram-y-te-xa-dat-chuan-quoc-gia-do-eu-ho-tro.html