Đưa Việt Nam trở thành điểm tham chiếu của cà phê

Chương trình hợp tác giữa Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) và Nestlé Việt Nam đã cung cấp hơn 15 triệu cây cà phê giống chất lượng cao cho nông dân trồng cà phê khu vực Tây Nguyên.

Hợp tác này là một phần trong hoạt động của dự án Nescafé Plan mà Nestlé triển khai tại Việt Nam từ năm 2011 nhằm hỗ trợ canh tác cà phê bền vững.

Theo TS. Nguyễn Văn Thường, Phó Viện trưởng WAS, với sự hỗ trợ của Nestlé, WASI đã xây dựng các phòng thí nghiệm, lắp đặt các thiết bị hiện đại cho vườn ươm để sản xuất các loại giống tốt, kháng sâu bệnh, năng suất cao. Xây dựng các mô hình vườn mẫu để nông dân đến tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm và áp dụng tại vườn của mình nhằm tăng năng suất và thu nhập.

Tạo sự bền vững cho một ngành xuất khẩu chủ lực

Trong những năm gần đây, việc giải quyết các khó khăn do cây cà phê già cỗi ngày càng tăng tại Tây Nguyên khiến các nhà khoa học tốn không ít công sức, vì khi cây già cỗi, năng suất sẽ sụt giảm tới 50%. Cùng với đó, diện tích cà phê trên 20 năm tuổi chiếm hơn 20% khiến cho việc phải nâng diện tích trồng mới cây cà phê trong 10 năm tới lên khoảng 140.000-150.000 ha. Trong khi đó, việc trồng lại cây con không hề đơn giản, vì cây con dễ bị sâu bọ tấn công, có trường hợp tỷ lệ chết lên đến 50%.

Điều này đe dọa nghiêm trọng đến tính bền vững của một ngành xuất khẩu chủ lực và khiến người nông dân phải gánh chịu việc năng suất vườn cà phê của mình xuống dốc qua từng năm.

Trước các khó khăn này, dự án Nescafé Plan đã giúp người nông dân nâng cao năng suất, đồng thời hướng đến phát triển bền vững bằng cách cung cấp các giống cây cà phê kháng bệnh cho năng suất cao và tập huấn kỹ thuật cho người nông dân trồng cà phê.

Việc lai tạo những giống cà phê mới với năng suất cao, kháng chịu sâu bệnh tốt đã được tiến hành từ nhiều năm qua và đã tạo ra những giống cà phê mới đầy hứa hẹn. Bên cạnh đó, đã có khoảng 20.000 nông dân được tập huấn kỹ thuật dựa trên nền tảng của bộ quy tắc quốc tế 4C về sản xuất chế biến và kinh doanh cà phê bền vững.

Song song với việc cung ứng cây giống tốt, sạch bệnh, dự án cũng hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Số lượng nông dân đạt chứng nhận 4C cũng tăng mạnh. Đến nay đã có trên 21.000 nông hộ tham gia chương trình Nescafé Plan tại Việt Nam. Thu nhập của người trồng cũng tăng khoảng 600 USD/ha/năm.

Trên cơ sở này, Nestlé Việt Nam đã xây dựng nguồn lực tại chỗ khoảng 275 trưởng nhóm nông dân tại 4 tỉnh Tây Nguyên. Số trưởng nhóm này là nguồn lực cung cấp cho các địa phương trong việc nhân rộng chương trình phát triển cà phê bền vững trên nền tảng 4C cho 500.000 nông dân trồng cà phê trên cả nước, từng bước giúp nông dân cà phê tại Việt Nam hòa nhập vào các tiêu chuẩn sản xuất cà phê có chứng nhận của quốc tế.

Ông Phạm Viết Đại (Thôn 2, xã Eakao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) là trưởng nhóm phụ trách 8 nhóm gồm 700 hộ trong dự án cho biết: Chương trình đã hỗ trợ 50% chi phí cây giống cho hộ nông dân trồng cà phê. Bên cạnh đó, 1 kg cà phê thành phẩm khi bán cho Nestle sẽ được hỗ trợ 300 đồng và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Cây giống được chương trình hỗ trợ có chất lượng tốt cho tái canh cây cà phê. Giống cũ chỉ cho từ 4-5 tấn/ha, giống mới cho năng suất từ 6-7 tấn/ha, chất lượng và kháng bệnh đều tốt hơn.

Ông Y-Blêc Byá (thôn Buôn HWie EA Kao) có 2,5 ha cà phê cho biết, tham gia chương trình, người nông dân có thêm kiến thức về kinh tế thị trường, về cách thức trồng trọt để ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Chương trình còn dạy bà con cách thu-chi để tăng lợi nhuận, phát sổ nông hộ để nông dân theo dõi quá trình trồng trọt một cách khoa học…

Bên cạnh việc tập huấn cho nông dân về canh tác bền vững và bảo đảm năng suất, Nestlé đã hỗ trợ WASI trong hàng loạt các công việc như nâng cấp phòng thí nghiệm, tài trợ các thiết bị nhân giống cấy mô, xây dựng khu vực thí nghiệm trồng cây cà phê kháng tuyến trùng và đặc biệt là tài trợ 50% giá cây giống cho nông dân, thúc đẩy mạnh mẽ việc thay thế các cây cà phê già cỗi.

Chương trình cũng đẩy nhanh việc cung cấp cho thị trường những giống cà phê mới với năng suất lên đến 7 tấn/ha, cao gần gấp đôi so với năng suất trung bình hiện nay.

Mở rộng ra toàn cầu

Ông Nandu Nandkishore, Phó Chủ tịch Tập đoàn Nestlé, phụ trách khu vực châu Á, châu Đại Dương và châu Phi khẳng định, Tập đoàn đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển ngành cà phê tại Việt Nam, nhằm góp phần quan trọng đưa thương hiệu cà phê Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu.

Tổ chức cà phê quốc tế dự báo, nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới vào năm 2025 sẽ cao hơn khoảng 20% so với 150 triệu bao cà phê của năm 2015.

Việt Nam không phải là quốc gia châu Á duy nhất hy vọng được hưởng lợi từ nhu cầu cà phê tăng cao này. Lào cũng đang tìm kiếm cơ hội để đưa cà phê thành mặt hàng xuất khẩu chính, mục tiêu mở rộng toàn bộ diện tích trồng cà phê tăng lên 70%, tương ứng với 130.000 ha tới năm 2025. Indonesia, nhà sản xuất cà phê lớn thứ 4 thế giới đang phát huy mọi nội lực để đẩy mạnh các thương hiệu cà phê của mình. Và tỉnh Vân Nam Trung Quốc, khu vực trồng trà nổi tiếng, cũng đang dần biến đổi để trở thành khu vực trồng cà phê trong những năm gần đây.

Tại các nước mới nổi và đang phát triển, số lượng người uống cà phê đang gia tăng, do đó nhu cầu cho các loại cà phê Robusta (để sản xuất cà phê hòa tan giá rẻ) cũng đang tăng mạnh, vì vậy hoạt động canh tác cà phê đang được đặc biệt đẩy mạnh.

Ông Nandu Nandkishore khẳng định, Nestlé Việt Nam cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam. “Chúng tôi đến Việt Nam không phải vì mục tiêu duy nhất là mua được nhiều cà phê có chất lượng tốt, mà còn cam kết góp phần phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đưa Việt Nam trở thành điểm tham chiếu của cà phê”, ông Nandu nhấn mạnh.

Gia Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/dua-viet-nam-tro-thanh-diem-tham-chieu-cua-ca-phe/301474.vgp