Đua xe F1: Siêu sao và cú "triple crown" hiếm có trong lịch sử

Fernando Alonso đã hoàn thành chặng đua đầu tiên trong mùa giải F1 năm nay khi về đích thứ 12 tại Spanish GP diễn ra tại Catalunya, Barcelona vừa qua. Nhờ đó mà anh có được sự tự tin trước khi bước vào những ngày chạy Practice chuẩn bị chặng Indy500 sắp tới.

Sau vài ngày ngồi trên chiếc Indy, Alonso đang ngày một "lên trình" hơn và có thêm được nhiều kinh nghiệm cũng như bài học quý báu để chuẩn bị bước vào cuộc tranh tài chỉ xảy ra một lần này. Tuy nhiên liệu khả năng chiến thắng của tay đua người Tây Ban Nha sẽ là bao nhiêu?

Fernando Alonso đang rất tích cực chuẩn bị cho Indy500 sắp tới

Nhiều người hâm mộ cho rằng Alonso vốn đã là một tay đua tài năng, và thuộc loại "già dơ" trong làng đua xe F1, vậy tại sao anh lại phải tham dự bài kiểm tra tân binh tại giải IndyCar500?

Nếu bạn theo dõi trực tuyến những ngày Practice của Indy500 và nghe những lời bình luận từ huyền thoại của Indy Mario Andretti và Johnny Rutherford, bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ của mình khi được chứng kiến "nghệ thuật" để có thể chạy vòng quanh đường đua hình ovan nói chung và ở Indianapolis nói riêng.

Đầu tiên, không giống đường đua F1, nó không có khu vực cỏ hay sỏi bên ngoài đường đua, chỉ có những bức tường bê tông vững chãi với những chiếc xe được đặt ở chế độ đua với vận tốc trung bình lên tới hơn 220mph (hơn 356 km/h).

Như Alonso đã miêu tả trước đó, đường đua trông có vẻ khá hẹp nếu đi ở tốc độ đó. Nếu bạn theo dõi qua TV hay chạy trên máy giả lập, mọi thứ trông có vẻ rất lớn và dễ dàng, nhưng hãy thử trải nghiệm chạy một chiếc xe thật trên đường, đó là một thế giới hoàn toàn khác.

Cho dù tiểu sử của họ có là như thể nào đi nữa, bất cứ một tay đua mới nào cũng phải trải qua bài kiểm tra trình độ tân binh, với nhiều yêu cầu không dễ, nhưng cũng không khó để hoàn thành, và nhà vô địch F1 Thế giới 2 lần đã nhanh chóng vượt qua bài kiểm tra này.

Mario Andretti không chỉ là nhà vô địch F1 năm 1978, giành chiến thắng Indy500 năm 1969, mà còn là cha của Michael, người đã từng đua cho McLaren F1 năm 1993. Michael hiện tại đang là một ông chủ đội đua khá thành công và đã chiến thắng Indy500 năm 2016 với cựu tay đua F1 Alexander Rossi và giờ đây đang mở ra cơ hội cho Alonso có được chiến thắng cho riêng mình.

Alexander Rossi - tay đua giành chiến thắng tại Indy500 năm 2016

Trong lịch sử, chiếc xe của McLaren đã chiến thắng Indianapolis 500 3 lần, 2 trong số đó được chiến thắng bởi Johnny Rutherford năm 1974 và 1976, đó cũng là 2 năm mà McLaren giành chức vô địch F1 Thế giới cùng Emerson Fittipaldi và James Hunt. Ngoài ra, chiến thắng còn lại của họ thuộc về Mark Donohue, khi tay lái này đua cho Roger Penske, một trong những đội đua thành công nhất tại IndyCar.

Ngày nay, đua xe đã khác trước rất nhiều và nó tập trung hơn vào những thỏa thuận thương mại hơn là diễn biến trên đường đua. Điều này khiến việc Alonso tham dự Indianapolis 500 càng trở nên đặc biệt.

Tất nhiên nếu Ron Dennis vẫn còn làm chủ đội đua thì điều này sẽ khó có thể diễn ra. Chính một đội ngũ quản lý mới, năng động, nhất là ông chủ mới Zak Brown mới có thể đem đến những cơ hội như thế này. Ông đang khiến mọi người quên hết những gì McLaren-Honda đã thể hiện, thay vào đó là sự tập trung hướng đến khu vực Bắc Mỹ.

Có nhiều người vẫn hoài nghi, trong đó có cả các trưởng đội đua của F1, cho rằng nó không có tác động tích cực tới thế giới đua xe toàn cầu. Chắc chắn không thể phủ nhận rằng Fernando Alonso là một trong những tay đua giỏi nhất hiện nay, chỉ là anh chưa có đủ "phụ kiện" để trình diễn hết tiềm năng sẵn có của bản thân.

Alonso mong muốn trở thành một tay đua toàn diện hơn

Alonso muốn có triple crown của đua xe, đó là giành chiến thắng ở cả F1, Indy 500 và Le Mans 24h. Trong lịch sử chỉ có một tay đua đã làm được, đó là Graham Hill. Về đội đua thì McLaren đã làm được, còn với nhà sản xuất động cơ, Mercedes là cái tên duy nhất đã thành công.

McLaren hiện tại không chỉ là một đội đua F1 thuần túy, họ còn nắm giữ một dây chuyền công nghệ cao và chuyên sản xuất xe, cần được PR nhiều hơn về thương hiệu của mình. Vấn đề Alonso chiến thắng hay không là một chuyện khác, lái được ở tốc độ 220 dặm/giờ là một vấn đề nhưng còn phải xử lí khéo léo khi chạy cùng rất nhiều chiếc xe khác ở một cự li khá gần nhau. Dù vậy anh sẽ đến với cuộc đua như là một trong những tân binh được chuẩn bị kỹ nhất.

Anh được đua cho một trong những đội mạnh nhất, Andretti Motorsport, là đội giành chiến thắng vào năm ngoái, cùng với đó là đội hình đua gồm 6 người. Đó là những tay đua sẽ mang đến cho Alonso những lời khuyên và luyện tập chạy tốc độ cao với những chiếc xe sát nhau. Hơn nữa, anh còn có người hướng dẫn mang tên Gil de Ferran, người đã từng 2 lần vô địch giải IndyCar và đã giành chiến thắng Indianapolis 500 năm 2003.

Với những sự chuẩn bị trên cùng với khả năng của mình, cơ hội để giành chiến thắng cho Fernando Alonso là không hề nhỏ. Anh sẽ còn hơn 1 tuần nữa để chuẩn bị cũng như sẵn sàng về tinh thần trước ngày đến với cuộc chiến cuối cùng và là cơ hội duy nhất mà anh có.

Hy vọng Fernando Alonso cùng chiếc xe màu cam số 29 (sinh nhật của tay đua người Tây Ban Nha) sẽ được vinh danh ở vạch đích cuộc đua tới đây. Cuộc đua Indianapolis 500 2017 sẽ được diễn ra vào ngày Chủ nhật 28/05 tới, bắt đầu vào lúc 12h giờ địa phương, tức là 23h giờ VN.

Roger Bui

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/the-thao/dua-xe-f1-sieu-sao-va-cu-triple-crown-hiem-co-trong-lich-su-c9a531817.html